Cơ cấu tổ chức quản lý Doanh nghiệp nhà nước theo Luật mới

cấu tổ chức quản lý Doanh nghiệp nhà nước theo luật mới

Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 thay thế cho Luật Doanh nghiệp năm 2014 với nhiều sự thay đổi ý nghĩa và tạo được thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào doanh nghiệp. Một trong những thay đổi nổi bật của Luật Doanh nghiệp năm 2020 có thể kể đến như việc thay đổi tỷ lệ phần vốn góp của doanh nghiệp nhà nhà. Việc thay đổi này kéo theo nhiều thay đổi liên quan như việc thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý. Cụ thể:

Co Cau To Chuc Quan Ly Doanh Nghiep Nha Nuoc Theo Luat Moi
Cơ cấu tổ chức quản lý Doanh nghiệp nhà nước theo Luật mới

Luật Doanh nghiệp năm 2014: Cơ cấu tổ chức quản lý của Doanh nghiệp nhà nước theo hình thức công ty TNHH một thành viên và có hai mô hình sau:

– Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên.

– Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên.

Luật Doanh nghiệp năm 2020: Cơ cấu tổ chức quản lý của Doanh nghiệp nhà nước theo hình thức Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên, Công ty cổ phần và có hai mô hình sau:

– Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát.

– Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát.

Cụ thể về từng thành phần trong cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp nhà nước được hiểu như sau:

I. Chủ tịch công ty

Điều 99 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về chủ tịch công ty, theo đó có thể hiểu các khía cạnh đơn giản về chủ tịch công ty như sau:

Chủ tịch công ty do cơ quan đại diện chủ sở hữu bổ nhiệm theo quy định của pháp luật. Chủ tịch công ty có nhiệm kỳ không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại. Một cá nhân được bổ nhiệm không quá hai nhiệm kỳ, trừ trường hợp người được bổ nhiệm đã có trên 15 năm làm việc liên tục tại công ty đó trước khi được bổ nhiệm lần đầu. Tiêu chuẩn, điều kiện và các trường hợp miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch công ty được thực hiện theo quy định tại Điều 93 và Điều 94 của Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Chủ tịch công ty thực hiện quyền, nghĩa vụ của người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại công ty theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm khác theo quy định tại Điều 92 và Điều 97 của Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Tiền lương, phụ cấp, thù lao của Chủ tịch công ty được tính vào chi phí quản lý công ty.

Chủ tịch công ty sử dụng bộ máy, quản lý, điều hành, bộ phận giúp việc của công ty để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch công ty tổ chức lấy ý kiến chuyên gia tư vấn trong nước và nước ngoài trước khi quyết định vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch công ty. Chi phí lấy ý kiến chuyên gia tư vấn được quy định tại quy chế quản lý tài chính của công ty.

II. Hội đồng thành viên

Hội đồng thành viên nhân danh công ty thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Quyền, nghĩa vụ của hội đồng thành viên được quy định tại Điều 91 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Hội đồng thành viên bao gồm Chủ tịch và các thành viên khác, số lượng không quá 07 người. Thành viên Hội đồng thành viên do cơ quan đại diện chủ sở hữu bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật.

Nhiệm kỳ của Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng thành viên không quá 05 năm. Thành viên Hội đồng thành viên có thể được bổ nhiệm lại. Một cá nhân được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng thành viên không quá 02 nhiệm kỳ tại một công ty, trừ trường hợp đã có trên 15 năm làm việc liên tục tại công ty đó trước khi được bổ nhiệm lần đầu.

III. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc do Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm hoặc thuê theo phương án nhân sự đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận.

Để trở thành Giám đốc, Tổng giám đốc cần đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

– Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp năm 2020.

– Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hoặc trong lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của công ty.

– Không phải là người có quan hệ gia đình của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu; thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty; Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng của công ty; Kiểm soát viên công ty.

– Chưa từng bị cách chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc tại công ty hoặc ở doanh nghiệp nhà nước khác.

– Không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác.

– Tiêu chuẩn, điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty.

Quyền, nghĩa vụ của Giám đốc, Tổng giám đốc được quy định tại khoản 2 Điều 100 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

IV. Ban kiểm soát

Đây là điểm mới của Luật Doanh nghiệp năm 2020 khi quy định doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải có Ban kiểm soát trong khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 không quy định bắt buộc. Có thể hiểu điều này xuất phát từ sự thay đổi về tỷ lệ vốn góp trong doanh nghiệp nhà nước sẽ làm cho doanh nghiệp nhà nước có nhiều vốn tư nhân hơn.

Điều 103 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về Ban kiểm soát theo đó:

Căn cứ quy mô của công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập Ban kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên, trong đó có Trưởng Ban kiểm soát. Nhiệm kỳ Kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ liên tục tại công ty đó. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát. Một cá nhân có thể đồng thời được bổ nhiệm làm Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên của không quá 04 doanh nghiệp nhà nước.

Quyền, nghĩa vụ của Ban kiểm soát được quy định tại Điều 104, Điều 105 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Xem thêm: >>> Ban kiểm soát trong Doanh nghiệp nhà nước theo Luật Doanh nghiệp mới

——————–

Bộ phận tư vấn doanh nghiệp – Phamlaw

5/5 - (1 bình chọn)