Công ty không đóng bảo hiểm xã hội, phải làm sao?
Khi tham gia quan hệ lao động, người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội cho các đối tượng bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội. Đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp đã vi phạm quy định pháp luật và không đóng bảo hiểm cho người lao động. Để hiểu rõ hơn về vấn đề Công ty không đóng bảo hiểm xã hội, phải làm sao? Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Luật Bảo hiểm xã hội 2014
Nghị định 143/2018/NĐ-CP
Nghị định 24/2018/NĐ-CP
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Bảo hiểm xã hội là gì?
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Khi tham gia bảo hiểm xã hội, Người lao động sẽ được hưởng những quyền lợi sau:
– Được tham gia và hưởng các chế độ theo Luật bảo hiểm xã hội.
– Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội và nhận lại sổ khi không còn làm việc.
– Nhận lương hưu và trợ cấp đầy đủ, kịp thời theo các hình thức sau: nhận trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được ủy quyền; nhận thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng; nhận thông qua công ty, tổ chức nơi làm việc hay người sử dụng lao động
– Hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp: đang hưởng lương hưu, nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản, nhận con nuôi, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hay trợ cấp ốm đau.
– Chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được thanh toán chi phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội.
– Ủy quyền nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người khác.
– Được cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội theo định kỳ; yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thông tin về việc đóng và quyền được hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội.
– Người tham gia được khiếu nại, tố cáo và khởi kiện bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật.
2. Đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội
Căn cứ Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP thì đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội gồm:
Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định theo quy định của pháp luật về lao động;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
- Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
3. Quyền của người lao động khi công ty không đóng bảo hiểm xã hội
Chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc là chế độ theo quy định của nhà nước mà cả người lao động và người sử dụng lao động đều có trách nhiệm phải tham gia. Chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc bảo đảm cho người lao động được bù đắp một khoản thu nhập bị mất khi người lao động nghỉ chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều đã thực hiện đúng các quy định của nhà nước liên quan đến tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp của mình. Thế nhưng, bên cạnh đó cũng có không ít doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc vấn đề này vì một số lý do khách quan như: công ty làm ăn thua lỗ, không có lợi nhuận làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 118 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Chính vì vậy, khi phát hiện công ty không đóng BHXH cho mình, người lao động nên thực hiện theo trình tự dưới đây:
3.1. Khiếu nại tới Ban Giám đốc Công ty, tổ chức công đoàn công ty.
Trong vòng 180 ngày, kể từ ngày biết được công ty không đóng BHXH cho mình, người lao động yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu cho mình để xem xét lại hành vi không nộp tiền BHXH (khoản 1 Điều 7 Nghị định 24/2018/NĐ-CP).
3.2. Khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội
Theo quy định tại điều 20 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, NLĐ có thể khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội
Trong 30 ngày, kể từ ngày yêu cầu giải quyết, nếu công ty vẫn không đóng hoặc người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết của công ty thì người lao động được quyền khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
3.3. Yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết (không bắt buộc)
Việc tham gia BHXH gắn liền với quyền lợi của người lao động, chính vì vậy, để bảo vệ người lao động, pháp luật không yêu cầu tranh chấp về BHXH bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trong vòng 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra công ty không đóng BHXH, người lao động được yêu cầu hòa giải viên lao động hòa giải tranh chấp.
3.4. Khởi kiện đến Tòa án nhân dân
Người lao động khởi kiện đến Toà án nhân dân cấp huyện, nơi công ty đóng trụ sở để yêu cầu giải quyết các quyền lợi liên quan trong thời gian làm việc mà không được đóng bảo hiểm khi:
– Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại;
– Hoà giải không thành;
– Hết thời hạn mà không được giải quyết khiếu nại, hòa giải;
– Công ty vẫn không đóng.
4. Xử phạt doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội
Căn cứ khoản 5 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định trong trường hợp người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc;
- Buộc nộp số tiền lãi bằng 02 mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian không đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng và lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trên đây tư vấn của Phamlaw về vấn đề công ty không đóng bảo hiểm xã hội, nếu bạn có những thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp tư vấn pháp luật, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.