Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Toà án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc cả hai vợ chồng.
Phán quyết ly hôn của Tòa án thể hiện dưới hai hình thức: Bản án hoặc quyết định. Nếu hai bên vợ chồng thuận tình ly hôn thỏa thuận với nhau giải quyết được tất cả các nội dung quan hệ vợ chồng khi ly hôn thì Toà án công nhận ra phán quyết dưới hình thức là quyết định. Nếu vợ chồng có mâu thuẫn, tranh chấp thì Tòa án ra phán quyết dưới dạng bản án.
1. Trình tự thủ tục ly hôn như sau:
– Người xin ly hôn viết đơn xin ly hôn (theo mẫu hướng dẫn) gửi Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
– Tòa án thụ lý đơn, xem xét đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí gửi người viết đơn ly hôn. Người viết đơn xin ly hôn nộp án phí tại Cơ quan thi hành án và nộp biên lai nộp tiền tạm ứng án phí lại cho Tòa án. Tòa án thụ lý vụ án xin ly hôn và ra thông báo thụ lý vụ án và vụ án chính thức được Tòa án giải quyết.
– Trong trường hợp Tòa yêu cầu chứng minh chỗ ở hiện tại của vợ/chồng thì đến địa phương nơi có hộ khẩu thường trú để xin xác nhận của công an phường xã về tình trạng cư trú để bổ sung vào hồ sơ.
– Theo quy định pháp luật không yêu cầu đơn ly hôn phải thông qua thủ tục hòa giải tại cơ sở (UBND xã, phường; Công đoàn cơ quan..) nhưng hiện tại nhiều nơi Tòa án vẫn yêu cầu người viết đơn xin ly hôn thực hiện.
2. Hồ sơ xin ly hôn như sau:
– Đơn xin ly hôn (làm theo 1 trong 2 mẫu hướng dẫn, tùy từng trường hợp thuận tình ly hôn hay đơn phương ly hôn);
Nếu hai người thuận tình ly hôn thì đơn ly hôn (Theo mẫu đơn 1 – thuận tình ly hôn) của vợ hoặc chồng phải có xác nhận của chính quyền địa phương.
Nếu đơn phương ly hôn (Theo mẫu đơn 2 – đơn phương ly hôn) chỉ cần chữ ký của người viết đơn.
– Bản sao Giấy CMND (hoặc Hộ chiếu), Hộ khẩu (Bản sao chứng thực tại UBND xã/phường).
– Bản chính giấy chứng nhận kết hôn (nếu có), trong trường hợp mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn thì nộp Bản sao chứng thực tại UBND xã/phường hoặc xin trích lục tại UBND nới đăng ký kết hôn, nhưng phải trình bày rõ trong đơn kiện.
– Bản sao chứng thực giấy khai sinh con (nếu có con).
– Bản sao chứng thực chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản).
3. Thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương, trong nước:
a) Nguyên đơn (người làm đơn) nộp đơn xin ly hôn tại tòa án nhân dân cấp quận, huyện nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc.
+ Nơi cư trú của bị đơn là nơi người đó thường xuyên sinh sống, hoặc thực tế đang sinh sống được xác định qua các giấy tờ như: Sổ hộ khẩu gia đình; Sổ đăng ký tạm trú có thời hạn (KT3); Thẻ đăng ký tạm trú có thời hạn (KT4)…, nếu trong trường hợp không có các giấy tờ trên thì cần làm đơn xin Công an cấp xã, phường xác nhận là đương sự có đăng ký tạm trú ở địa phương, tại địa chỉ…
+ Nơi làm việc của bị đơn là nơi đương sự đang công tác, lao động, học tập… tại các cơ quan, công ty, xí nghiệp, đơn vị trường học…, thể hiện qua thẻ ngành, hợp đồng lao động, giấy xác nhận đang công tác…
b) Các đương sự cũng có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn giải quyết ly hôn.
c) Trường hợp ly hôn có tranh chấp về tài sản thì thẩm quyền giải quyết ly hôn thuộc tòa án nhân dân cấp quận, huyện nơi có bất động sản tọa lạc.
d) Trường hợp nếu không biết nơi cư trú, làm việc của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết.
Trường hợp bị đơn không cung cấp bản sao sổ hộ khẩu, hoặc các loại sổ, thẻ tạm trú, giấy xác nhận đang công tác, … thì nguyên đơn phải chủ động làm đơn xin xác nhận bị đơn đang cư trú hoặc đang làm việc tại cơ quan, đơn vị
Đối với các trường hợp bị đơn sống không cố định, không nơi công tác, không đăng ký tạm trú, nhưng có nơi thực tế đang sinh sống thì nguyên đơn làm đơn xin xác nhận việc cư trú và nhờ chủ hộ nơi bị đơn thực tế đang sinh sống xác nhận (Trường hợp chủ hộ không đồng ý xác nhận, nguyên đơn có thể liên hệ với Tổ trưởng dân phố xác nhận) và đến UBND cấp xã, phường để xác nhận chữ ký của Tổ trưởng dân phố hoặc đến Công an cấp xã, phường để xác nhận nội dung đơn.
4. Thời gian giải quyết vụ án ly hôn thông thường như sau:
– Thời gian giải quyết vụ án tùy thuộc vào việc giải quyết các nội dung quan hệ vợ chồng.
– Thời hạn chuẩn bị xét xử: Từ 4 đến 6 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
– Thời hạn mở phiên tòa: Từ 1 đến 2 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
– Nếu thuận tình ly hôn, thời gian sẽ rút ngắn hơn.
5. Án phí như sau:
– Án phí dân sự sơ thẩm là: 200.000 đồng (nếu không tranh chấp về tài sản).
6. Các trường hợp trong ly hôn thông thường như sau:
– Ly hôn không có tranh chấp về việc nuôi con, chia tài sản khi ly hôn;
– Ly hôn có tranh chấp về việc nuôi con hoặc có tranh chấp về chia tài sản khi ly hôn;
– Ly hôn có cả tranh chấp về nuôi con, tranh chấp về tài sản khi ly hôn;
– Thuận tình ly hôn, nhưng có tranh chấp về nuôi con hoặc tranh chấp về tài sản, hoặc tranh chấp cả về nuôi con và chia tài sản khi thuận tình ly hôn.
=========================
Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hướng dẫn chi tiết.
Công ty tư vấn Luật Phamlaw
Tầng 5M, tòa nhà Bình Vượng
số 200, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội
Hotline: 097.393.8866; Tổng đài tư vấn chuyên sâu
Email : pham.lawyer8866@gmail.com