Thủ tục khai tử theo quy định của pháp luật hiện hành

Thủ tục khai tử theo quy định của pháp luật hiện hành

1190090

Câu hỏi: Kính chào Luật sư, tôi có câu hỏi xin được Luật sư giải đáp như sau: Gia đình tôi chỉ có hai bố con, mẹ tôi mất từ rất lâu rồi, bố tôi một mình nuôi con, già yếu thì sống với vợ chồng tôi nên việc chăm sóc, phụng dưỡng bố tôi đều do một tay tôi cáng đáng. Đầu tháng 4 năm 2017, bố tôi vì tuổi cao, sức yếu mà qua đời, bố tôi cũng có để lại di chúc cho tôi để thừa kế lại phần tài sản còn lại của bố. Tuy nhiên, tôi nghe rất nhiều người nói là tôi phải thực hiện xong thủ tục khai tử cho bố tôi thì mới được khai nhận di sản thừa kế.

Vậy Luật sư cho tôi hỏi việc họ nói như vậy có đúng hay không? Nếu muốn khai tử cho bố tôi thì tôi cần thực hiện những thủ tục gì? Ở cơ quan nào? Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trả lời: Đầu tiên, thay mặt Phamlaw tôi xin được gửi lời cảm ơn và lời chia buồn đến gia đình bạn. Về vấn để bạn đang thắc mắc liên quan đến việc có phải thực hiện thủ tục khai tử trước rồi mới làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế và thủ tục khai tử được thực hiện thế nào, tôi xin được trả lời cụ thể như sau:

Thứ nhất, về trách nhiệm khai tử của công dân.

Có thể nói “chết” là từ dùng để chỉ trại thái của người, sinh vật khi không thể thực hiện hô hấp, trao đổi chất và thực hiện các chức năng sinh học khác của một cơ thể. Tuy nhiên, đó là cái chết theo Y học định nghĩa và hiểu thông thường là cái chết về sinh lý. Tuy nhiên, trong khoa học pháp lý, một người chỉ được công nhận là đã chết và mất hết các quyền, nghĩa vụ của công dân khi người đó được khai tử là đã chết hay Tòa án tuyên bố người đó chết khi không xác định được thông tin chính xác là còn sống hay đã chết. Vì vậy, thủ tục khai tử giúp cơ quan nhà nước xác định, quản lý được dân cư trên địa bàn sinh sống, cũng để tránh trường hợp kẻ xấu lợi dụng danh tính của người đã chết để làm việc phi pháp. Chính vì thế thủ tục khai tử là bắt buộc đối với một công dân và vừa là quyền và nghĩa vụ đối với người đã chết.

Điều 33 Luật Hộ tịch năm 2014 xác định “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử.

Công chức tư pháp – hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc khai tử cho người chết; trường hợp không xác định được người có trách nhiệm đi khai tử thì công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện đăng ký khai tử”. Như vậy, bố bạn đã mất, bạn là con gái nên phải có trách nhiệm thực hiện thủ tục khai tử cho bố bạn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đúng theo quy định của Pháp luật. Bạn nên thực hiện thủ tục khai tử cho bố trước rồi mới làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế để đảm bảo không có vấn đề phát sinh khi yêau cầu khai nhận di sản thừa kế.

Thứ hai, về Cơ quan thực hiện thủ tục: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử. Như vậy, chị sẽ đến Ủy ban nhân dẫn xã nơi bố chị sống cuối cùng để thực hiện thủ tục khai tử cho ông, trừ trường hợp bố chị là người nước ngoài hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài chết ở Việt Nam.

Thứ ba, về thủ tục đăng ký khai tử: Người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và Giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay giấy báo tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Ngay sau khi nhận giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc khai tử đúng thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai tử vào Sổ hộ tịch, cùng người đi khai tử ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người đi khai tử.

Thứ tư, kết quả thực hiện:  Công chức tư pháp – hộ tịch khóa thông tin hộ tịch của người chết trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

Trong thư viết đến cho chúng tôi, do chị không nhắc đến trường hợp bố chị có phải là công dân Việt Nam sống ở nước ngoài hay bố chị là người nước ngoài nhưng chết ở Việt Nam hay không nên chưa xác định được rõ thẩm quyền của cơ quan thực hiện. Trường hợp bố chị là người nước ngoài hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài chết tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú cuối cùng của người chết là cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục khai tử.  Thủ tục thực hiện khai tử được thực hiện theo quy định tại Điều 52 Luật Hộ tịch năm 2014.

Trên đây là phần tư vấn của chúng tôi với câu hỏi “Thủ tục khai tử theo quy định của pháp luật hiện hành?“, nếu còn bất cứ vấn đề nào cần giải đáp, chị vui lòng liên hệ với chúng tôi qua tổng đài tư vấn chuyên sâu 1900 hoặc số hotline 0973938866 để được tư vấn và hỗ trợ các dịch vụ pháp lý khác một cách nhanh chóng và tốt nhất.

xem thêm:

 

Rate this post