Doanh nghiệp có bắt buộc phải thành lập công đoàn không?

Doanh nghiệp có bắt buộc phải thành lập công đoàn không?

Thưa Luật sư!

Theo như tôi được biết thì công đoàn cơ sở là tổ chức cấp cơ sở của công đoàn được thành lập tại đơn vị sử dụng lao động nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Vậy tôi muốn hỏi, doanh nghiệp có nhất thiết phải thành lập công đoàn cơ sở không? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật lao động 2019

Luật Công đoàn 2012

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Công đoàn cơ sở là gì?

Công đoàn là tổ chức chính trị, xã hội của giai cấp công nhân và người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện đại diện cho người lao động cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tham gia vào quản lý kinh tế – xã hội; tham gia thanh tra kiểm tra hoạt động của cơ quan nhà nước.

Công đoàn cơ sở là tổ chức cấp cơ sở của công đoàn được thành lập tại đơn vị sử dụng lao động có từ 5 công đoàn viên trở lên tự nguyện tham gia, gia nhập, được công đoàn cấp trên quyết định công nhận.

Công đoàn cơ sở có những đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, Được thành lập trên cơ sở tự nguyện của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và thành phần trí thức;

Thứ hai, Là một tổ chức chính trị  – xã hội thuộc hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản;

Thứ ba, Được thành lập nhằm mục đích phối hợp với các cơ quan, tổ chức kinh tế, xã hội khác quan tâm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động;

Thứ tư, Thực hiện chức năng tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động, quản lý của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;

Thứ năm, Phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động thông qua phương thức tuyên truyền, giáo dục, vận động người lao động nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo vệ Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Doanh Nghiep Co Bat Buoc Thanh Lap Cong Doan Khong (1)
Doanh nghiệp có bắt buộc phải thành lập công đoàn không?

2. Doanh nghiệp có bắt buộc thành lập công đoàn không?

Căn cứ theo Điều 6 Luật Công đoàn 2012 quy định nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn như sau:

Thứ nhất, Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Thứ hai, Công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Theo đó, việc thành lập công đoàn trên cơ sở tự nguyện, vì vậy công ty không bắt buộc phải thành lập công đoàn. Việc doanh nghiệp có thành lập công đoàn hay không hoàn toàn xuất phát từ sự tự nguyện của tập thể lao động mà không phải là nghĩa vụ của doanh nghiệp. Thực tế, trong mỗi doanh nghiệp, việc có một tổ chức đại diện cho tập thể lao động thực sự là cần thiết, bởi không phải lúc nào cũng có thể lấy được ý kiến của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhân công. Đồng thời, tổ chức này sẽ thay mặt cho người lao động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng trước người sử dụng lao động.

3. Quyền lợi của người lao động khi gia nhập công đoàn

Dù quan hệ lao động được xây dựng trên nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau, tuy nhiên, thực tế, người lao động vẫn được coi là bên yếu thế trong mối quan hệ này. Do đó, được đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng là quyền lợi thiết thực của người lao động khi gia nhập công đoàn.

Quyền của đoàn viên công đoàn được quy định chi tiết tại Điều 18 Luật Công đoàn 2012. Theo đó, đoàn viên công đoàn sẽ được:

– Yêu cầu công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm;

– Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của công đoàn; được thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công đoàn, người lao động; quy định của công đoàn;

– Ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn; chất vấn cán bộ lãnh đạo công đoàn; kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ công đoàn có sai phạm;

– Được công đoàn tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí pháp luật về lao động, công đoàn;

– Được công đoàn hướng dẫn giúp đỡ tìm việc làm, học nghề; thăm hỏi, giúp đỡ lúc ốm đau hoặc khi gặp hoàn cảnh khó khăn;

– Tham gia hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch do công đoàn tổ chức;

– Đề xuất với công đoàn kiến nghị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động.

4. Vi phạm quy định về phân biệt đối xử khi thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn

Như đã phân tích nêu trên, pháp luật hiện hành không có quy định về việc bắt buộc doanh nghiệp phải thành lập công đoàn. Do đó, xét về phía người sử dụng lao động trong trường hợp liên quan đến việc thành lập, gia nhận công đoàn có thể áp dụng quy định tại Điều 35 Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 01/03/2020 về việc vi phạm quy định về phân biệt đối xử vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn

Thứ nhất, Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

– Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động nhằm cản trở việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động;

– Không gia hạn hợp đồng lao động đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động;

– Kỷ luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với người lao động vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn;

– Quấy rối, ngược đãi, cản trở hoặc từ chối thăng tiến nghề nghiệp cho cán bộ công đoàn;

– Thông tin không đúng sự thật nhằm hạ thấp uy tín của cán bộ công đoàn đối với người lao động.

Thứ hai, Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong những hành vi sau đây:

– Có quy định hạn chế quyền của người lao động tham gia làm cán bộ công đoàn;

– Chi phối, cản trở việc bầu, lựa chọn cán bộ công đoàn;

– Ép buộc người lao động thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn.

Thứ ba, Biện pháp khắc phục hậu quả

– Buộc gia hạn hợp đồng lao động đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 Nghị định 28/2020/NĐ-CP

– Buộc nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định 28/2020/NĐ-CP;

– Buộc cải chính thông tin sai sự thật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 35 Nghị định 28/2020/NĐ-CP

Hy vọng bài viết trên đây của Phamlaw sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về trường hợp doanh nghiệp có bắt buộc thành lập công đoàn không? Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)