An ninh mạng là gi?
An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
An ninh mạng được các cá nhân và doanh nghiệp sử dụng để bảo vệ chống lại việc truy cập trái phép vào các trung tâm dữ liệu và các hệ thống máy tính khác. Một chiến lược an ninh mạng mạnh mẽ có thể cung cấp một thế trận bảo mật tốt chống lại các cuộc tấn công độc hại được thiết kế để truy cập, thay đổi, xóa, phá hủy hoặc tống tiền hệ thống và dữ liệu nhạy cảm của tổ chức hoặc người dùng. An ninh mạng cũng là công cụ ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vô hiệu hóa hoặc làm gián đoạn hoạt động của hệ thống hoặc thiết bị.
Tội phạm về an ninh mạng
Căn cứ pháp lý
Luật An ninh mạng năm 2018
Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017
Luật An ninh mạng 2018 cũng đưa ra khái niệm về tội phạm mạng như sau: Tội phạm mạng là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để thực hiện tội phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự.
Luật An ninh mạng 2018 cũng có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng
Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây:
a) Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này;
b) Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
c) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;
d) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;
đ) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng;
e) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.
2. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
3. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của người khác.
4. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.
5. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.
Tội phạm mạng hay còn được biết đến là tội phạm công nghệ cao bao gồm một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm trật tự an toàn thông tin, gây tổn hại cho lợi ích của quốc gia, quyền và các lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân.
Thứ hai, tội phạm sử dụng công nghệ cao phải là những hành vi được xác định là tội phạm theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, tội phạm sử dụng công nghệ cao được thực hiện bằng việc sử dụng tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ thông tin ở trình độ cao. Tuy nhiên, để được coi là tội phạm sử dụng công nghệ cao, những hành vi đó phải có sự liên quan như một hệ quả trực tiếp, một sự “kéo dài” của những hành vi truy cập, cản trở bất hợp pháp, can thiệp trái phép vào dữ liệu và mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị số.
Thứ tư, về chủ thế, tội phạm sử dụng công nghệ cao có thể được thực hiện bởi bất kỳ ai có đủ năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của luật Hình sự.
Thứ năm, tội phạm sử dụng công nghệ cao được thực hiện bởi lỗi cố ý. Khi thực hiện tội phạm sử dụng công nghệ cao, người phạm tội phải ý thức rõ hành vi của mình là trái quy định pháp luật có thể gây hậu quả xấu xả ra. Động cơ, mục đích của tội phạm sử dụng công nghệ cao không phải yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm.
Tội phạm mạng được phân loại thế nào theo quy định pháp luật hình sự?
Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông hiện nay được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 từ Điều 285 đến Điều 294 và có thể chia thành 02 nhóm:
– Tội phạm sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng máy tính, mạng viễn thông gây tổn hại tính bảo mật, tính toàn vẹn và tính khả dụng của hệ thống máy tính (từ Điều 285 – Điều 289)
– Tội phạm sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng máy tính, mạng viễn thông làm công cụ, phương tiện phạm tội (từ Điều 290 – Điều 294)
Thực trạng vấn đề lừa đảo qua mạng tại Việt Nam hiện nay
Nếu như trước đây, hành vi lừa đảo qua mạng chủ yếu là thủ đoạn kết bạn, làm quen, yêu cầu chuyển tiền để làm thủ tục nhận quà tại hải quan do quà tặng có giá trị hoặc có số tiền lớn bên trong; xâm nhập vào tài khoản mạng xã hội, giả mạo người thân, người quen nhờ chuyển tiền, mua thẻ cào điện thoại…. thì hiện nay, hình thức lừa đảo tinh vi hơn, với nhiều ‘kịch bản’ hoàn hảo hơn.
Cụ thể, các đối tượng sẽ giả danh làm nhân viên điện lực, gọi vào số điện thoại của người dùng, yêu cầu họ trả một khoản tiền điện rất lớn, dọa cắt điện nếu không nộp tiền. Thậm chí, đối tượng còn đọc được cả thông tin cá nhân của khách hàng và để tăng độ xác thực, đối tượng còn yêu cầu khách hàng kết nối trực tiếp với cơ quan công an để xác minh vấn đề.
Hay một trường hợp khác, chị A nhận được một cuộc điện thoại với nội dung chị có hồ sơ đăng ký bảo hiểm tại một công ty bảo hiểm, đối tượng yêu cầu chị thanh toán số tiền theo hợp đồng và đe dọa nếu không trả tiền sẽ mời chị đến công an để giải quyết.
Như vậy, cả hai trường hợp trên và còn rất nhiều trường hợp khác nữa, các đối tượng lừa đảo đều nắm được thông tin của người dùng, từ đó đặt người dùng vào một tình huống nhất định. Nếu người dùng bị tâm lý sợ hãi khi tự nhiên bị nợ một số tiền lớn như vậy, chắc chắn họ sẽ rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo và khiến cho chúng dễ dàng đạt được mục đích.
Và tùy vào mức độ phạm tội mà những đối tượng này có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Mặt khác, do các đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng thông tin giả để tạo tài khoản, giao dịch mua bán hàng hóa nên dấu vết để truy tìm các đối tượng rất ít và các chứng cứ điện tử cũng rất khó phát hiện và thu thập. Trong khi đó hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng thường được thực hiện bởi một đường dây các đối tượng lừa đảo tinh vi, các đối tượng có thể ở bất cứ đâu kể cả ngoài lãnh thổ Việt Nam. Việc truy tìm các đối tượng vượt ngoài phạm vi biên giới quốc gia Việt Nam hầu như là không thể thực hiện được. Chính vì thế, để không trở thành nạn nhân của các tội phạm mạng, chúng ta cần phải giữ bình tĩnh, cẩn trọng trước những cuộc gọi lạ, nếu phát hiện thấy có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay với cơ quan có thẩm quyền gần nhất để được hỗ trợ, đồng thời cảnh báo với những người xung quanh để họ cảnh giác hơn.
Cùng với việc phát triển mạnh mẽ của Công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội thì việc truy cập, tìm kiếm thông tin để học tập, giải trí… là nhu cầu chính đáng của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, đi kèm với những tiện ích đó sẽ vẫn tiềm ẩn những rủi ro nhất định, (để lộ thông tin trên các tài khoản mạng, bị đánh cắp, rao bán thông tin nhân thân…)pháp luật Việt Nam đã và đang có thêm những quy định, điều chỉnh, kiểm soát các vấn đề trên không gian mạng để phòng ngừa, hạn chế những rủi ro, đồng thời tạo được sự bảo mật và an toàn cho người sử dụng.
Xem thêm: >>> Tố cáo lừa đảo qua mạng