Nhuận bút, thù lao trong quyền tác giả, quyền liên quan
Nhuận bút thù lao là khoản tiền, lợi ích vật chất mà tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan xứng đáng được hưởng nhưng hiện nay tồn tại nhiều tranh chấp liên quan đến tiền nhuận bút, thù lao khi người sử dụng tác phẩm, buổi biểu diễn không trả tiền hoặc trả tiền không đúng với nguyên tắc xác định tiền nhuận bút thù lao. Nhìn nhận được vấn đề này, luật Phamlaw xin giới thiệu bài viết phân tích các khía cạnh liên quan đến tiền nhuận bút, thù lao.
I. Nhuận bút, thù lao là gì
Nhuận bút, thù được nhắc đến tại Luật Sở hữu trí tuệ và được quy định cụ thể tại Nghị định 22/2018/NĐ-CP, theo đó:
Nhuận bút là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả trong trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả không đồng thời là tác giả.
Thù lao là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm trả cho chủ sở hữu quyền tác giả; bên sử dụng cuộc biểu diễn trả cho người biểu diễn hoặc chủ sở hữu cuộc biểu diễn.
Theo đó có thể hiểu nhuận bút, thù lao là khoản tiền mà bên thứ ba phải trả khi sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn. Nhưng không phải tất cả các trường hợp sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn đều phải trả tiền nhuận bút, thù lao, cụ thể chỉ những trường hợp được liệt kê tại khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 mới không phải trả tiền nhuận bút, thù lao.
II. Nguyên tắc xác định tiền nhuận bút, thù lao
Tiền nhuận bút, thù lao được xác định qua thỏa thuận giữa chủ sở hữu quyền tác giả và tổ chức, cá nhân sử dụng quyền tác giả đối với tác phẩm nhưng phải theo những nguyên tắc sau:
- Việc trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất phải bảo đảm lợi ích của người sáng tạo, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng hưởng thụ, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước.
- Mức tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất được xác định căn cứ vào thể loại, hình thức, chất lượng, số lượng hoặc tần suất khai thác, sử dụng.
- Các đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền liên quan thỏa thuận về tỷ lệ phân chia tiền nhuận bút, thù lao theo mức độ sáng tạo, phù hợp với hình thức khai thác, sử dụng.
- Mức tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất được xác định trong hợp đồng bằng văn bản theo quy định pháp luật.
III. Căn cứ xác định tiền nhuận bút, thù lao trong quyền tác giả, quyền liên quan
Hiện nay có hai căn cứ xác định tiền nhuận bút, thù lao:
Thứ nhất, theo Biểu mức tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất. Biểu mức này được xây dựng bởi tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan trong các trường hợp cụ thể tại khoản 1 Điều 43 Nghị định 22/2018/NĐ-CP. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả là một tổ chức phi lợi nhuận do các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thỏa thuận thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền tác giả. Hoạt động của tổ chức này theo ủy quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.
Thứ hai, theo thỏa thuận. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm thoả thuận về mức tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất và phương thức thanh toán (khoản 3 Điều 43 Nghị định 22/2018/NĐ-CP).
IV. Báo cáo tiền nhuận bút, thù lao
Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện chế độ báo cáo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản về biểu giá, phương thức thanh toán nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất, cách thức thực hiện việc phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất.
V. Các tranh chấp liên quan đến tiền nhuận bút, thù lao
Hiện nay có những tranh chấp liên quan đến tiền nhuận bút, thù lao trong quyền tác giả như sau:
Thứ nhất, tranh chấp về quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu giữa người đầu tư tài chính và cơ sở vật chất – kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu với người tham gia sáng tạo và người sản xuất ra tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu hoặc tranh chấp giữa họ với nhau về tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác.
Thứ hai, tranh chấp giữa chủ sở hữu quyền tác giả với người sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao vì lý do người sử dụng không trả tiền nhuận bút, thù lao hoặc làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Các tranh chấp về Nhuận bút, thù lao trong quyền tác giả, quyền liên quan là: Tranh chấp giữa tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng với người sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao, vì lý do người sử dụng không phải trả tiền nhuận bút, thù lao hoặc làm ảnh hưởng đến việc khai thác hình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
Xem thêm >>> Tranh chấp và xử phạt khi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Căn cứ pháp lý
– Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019.
– Nghị định 22/2018/NĐ-CP
– Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT-BKH-BTP
—————-
Biên tập từ bộ phận tư vấn doanh nghiệp chuyên sâu – Phamlaw