Thủ tục GĐT, TT và thủ tục đặc biệt xem xét lại Quyết định của Hội đồng thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao

Ngày 15 tháng 10 năm 2013, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn thi hành một số quy định về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và thủ tục đặc biệt xem xét lại Quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 12 năm 2013.

Theo đó, khi phát hiện kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng và có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, đương sự có thể gửi đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm và tài liệu, chứng cứ kèm theo bằng phương thức nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu chính đến Tòa án, Viện kiểm sát có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Việc giao nhận chứng cứ được thực hiện theo Điều 84 Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Điều 14 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP ngày 03 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn thi hành một số quy định về “Chứng minh và chứng cứ” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.
Trường hợp xét thấy chứng cứ chưa đủ cơ sở để giải quyết, người có quyền kháng nghị yêu cầu đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Việc thu thập tài liệu, chứng cứ phải được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Thông tư liên tịch cũng quy định cụ thể các biểu mẫu đơn kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; Thời hạn sửa đổi bổ sung đơn kiến nghị, yêu cầu; Trình tự thủ tục nhận đơn, xem xét, thụ lý đơn đề nghị và trả lại đơn đề nghị; Phương thức thông báo không đủ cơ sở kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; Cấp giấy xác nhận nhận đơn đề nghị; Chuyển hồ sơ vụ án, thông báo về kết quả xem xét, giải quyết đơn đề nghị giữa Tòa án và Viện kiểm sát; Thời hạn nghiên cứu hồ sơ vụ án đủ cơ sở kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự…
Đối với những trường hợp đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự có hiệu lực thi hành đến ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành mà Tòa án, Viện kiểm sát đã thụ lý, nhưng chưa giải quyết và đương sự không gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định của Tòa án; thì Tòa án, Viện kiểm sát thông báo cho đương sự yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này và áp dụng Thông tư liên tịch này để giải quyết./.

Nguồn: Sotuphap.thuathienhue

Rate this post