Bản chất của vốn góp & cổ phẩn theo quy định mới

Bản chất của vốn góp & cổ phẩn theo quy định mới

Câu hỏi: Kính chào Quý luật sư, kính mong Quý luật sư tư vấn giúp tôi về vấn đề sau. Tôi và ba người bạn nữa có dự định góp vốn mở công ty chung, cùng hợp tác kinh doanh. Chúng tôi dự định mở công ty theo hai loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần. Theo chúng tôi được hiểu thì cơ cấu và giá trị vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần là một vấn đề phức tạp và được điều chỉnh bới nhiều quy định khác nhau. Vậy nên Quý luật sư có thể giải thích giúp tôi về bản chất của phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn và cổ phần trong công ty cổ phần để chúng tôi lựa chọn được loại hình doanh nghiệp phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình được không?

Kính mong được Quý luật sư giải đáp!

Tôi xin chân thành cảm ơn!

(Câu hỏi được biên tập từ mail gửi đến Bộ phận tư vấn pháp luật của Phamlaw)

Bản chất của vốn góp & cổ phẩn theo Luật Doanh nghiệp 2014
Bản chất của vốn góp & cổ phẩn theo Luật Doanh nghiệp 2014

Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính tham khảo)

Kính chào Quý khách, cảm ơn Quý khách đã gửi câu hỏi đến Bộ phận tư vấn pháp luật của Phamlaw. Về thắc mắc của Quý khách, chúng tôi xin được đưa ra ý kiến tư vấn của mình qua bài viết dưới đây, hy vọng bài viết này sẽ hỗ trợ Quý khách đưa ra được quyết định đúng đắn cho hoạt động kinh doanh của mình.

Bản chất của phần vốn góp và cổ phần

Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn thành viên sở hữu phần vốn góp còn đối với công ty cổ phần thì thành viên sở hữu cổ phần. Phần vốn góp cũng như cổ phần đều có ý nghĩa thể hiện quyền sở hữu của thành viên và cổ đông đối với vốn chủ sở hữu của công ty. Đúng như Quý khách nhận định, cơ cấu và giá trị vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần là một vấn đề phức tạp, đây là vấn đề được điều chỉnh bởi nhiều quy định khác nhau, bao gồm các quy định của Luật doanh nghiệp 2014, pháp luật về chứng khoán, pháp luật về kế toán.

Về bản chất, phần vốn góp và cổ phần có ý nghĩa như sau:

  • Thể hiện quyền sở hữu của thành viên và cổ đông đối với vốn của chủ sở hữu;
  • Tạo cho thành viên và cổ đông quyền của thành viên và cổ đông quyền của thành viên và cổ đông;
  • Thể hiện giới hạn trách nhiệm của thành viên và cổ đông đối với nghĩa vụ nợ của công ty;
  • Đối với công ty cổ phần, cổ phiếu là một loại chứng khoán.

*Quyền sở hữu của thành viên hoặc cổ đông đối với vốn chủ sở hữu

Quyền sở hữu của các thành viên đối với vốn điều lệ và các khoản mục khác trong công ty trách nhiệm hữu hạn thể hiện qua phần vốn góp, cũng như vậy quyền sở hữu của các cổ đông trong công ty cổ phần thể hiện ở cổ phần.Vốn điều lệ được hiểu là tổng giá trị phần vốn góp và mệnh giá cổ phần cam kết hoặc thực góp của thành viên hay cổ đông. Việc thành viên hay cổ đông sở hữu phần vốn góp và cổ phần trong công ty có ý nghĩa tạo ra quyền của các thành và cổ đông đối với các khoản mục khác của vốn chủ sở hữu khi thành viên hoặc cổ đông có quyền đó theo pháp luật và điều lệ.

Tuy nhiên phần vốn góp và cổ phần không thể hiện quyền sở hữu của thành viên hay cổ đông đối với tài sản của công ty. Chỉ trong trường hợp tài sản của công ty được thanh lý trong quá trình giải thể và phá sản thì thành viên và cổ đông mới có quyền đối với những tài sản này. Đối với việc chuyển nhượng phần vốn góp hoặc cổ phần, khi một thành viên hay cổ đông tiến hành chuyển nhượng thì là chuyển nhượng các quyền và nghĩa vụ của mình đối với phần vốn góp hoặc cổ phần. Việc chuyển nhượng phần vốn góp hoặc cổ phần không đồng nghĩa với việc chuyển nhượng một phần tài sản công ty tương ứng với tỷ lệ thành viên hoặc cổ đông sở hữu vốn điều lệ.

*Quyền của thành viên và cổ đông

Sở hữu phần vốn góp hay cổ phần trong vốn chủ sở hữu cũng làm phát sinh các quyền của thành viên và cổ đông theo quy định của điều lệ hay rộng hơn là pháp luật. Thành viên và cổ đông sẽ có quyền theo quy định của điều lệ công ty liên quan đến tư cách thành viên và cổ đông cũng như theo quy định của pháp luật. Các quyền này gồm có các quyền có tính chất kinh tế đó là: quyền được chia lợi nhuận và cổ tức, quyền ưu tiên mua cổ phần vốn góp và cổ phần mới chào bán, quyền chuyển nhượng  và định đoạt phần vốn góp và cổ phần, quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp và cổ phần, quyền được phân chia tài sản khi công ty giải thể hoặc phá sản. Bên cạnh đó thành viên và cổ đông cũng có năm quyền không có tính chất kinh tế đó là: quyền tham dự cuộc họp của cơ quan quản lý và biểu quyết, quyền tiếp cận thông tin, quyền triệu tập cuộc họp cơ quan quản lý, quyền đề cử người quản lý, quyền yêu cầu hủy bỏ quyết định của cơ quan quản lý.

*Giới hạn trách nhiệm đối với nghĩa vụ nợ của công ty

Bên cạnh sở hữu quyền, việc sở hữu phần vốn góp và cổ phần trong vốn chủ sở hữu cũng đồng thời làm phát sịnh các nghĩa vụ của thành viên và cổ đông theo quy định của điều lệ và rộng hơn là pháp luật, trong đó trách nhiệm quan trọng nhất là đối với nghĩa vụ nợ của công ty. Ở phương diện này, phần vốn góp và cổ phần thể hiện sự giới hạn trách nhiệm của thành viên và cổ đông đối với nghĩa vụ nợ của công ty. Công ty có tư cách pháp nhân sẽ tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của công ty, thành viên cũng như cổ đông chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong giá trị phần vốn góp và giá trị các cổ phần mà họ đã thực góp hoặc cam kết góp.

*Tài sản và chứng khoán

Phần vốn góp và cổ phần được ghi nhân là một loại tài sản. Phần vốn góp và cổ phần không được coi là bất động sản vì không gắn liền với đất đại (theo quy định tại Điều 107 Bộ luật dân sự 2015). Như vậy các thành viên và cổ đông có các quyền đối với phần vốn góp và cổ phần như các quyền đối với động sản khác như: để lại thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp hay định đoạt dưới hình thức khác phần vốn góp/cổ phần cũng như những quyền phát sinh từ phần vốn góp/cổ phần đó. Bên cạnh đó, các giao dịch này cũng phải tuân thủ các hạn chế và thủ tục quy định tại pháp luật và điều lệ đối với loại tài sản này. Có thể lấy ví dụ như khi chuyển nhượng phần vốn góp thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn phải dành quyền ưu tiên mua cho các thành viên khác của công ty. Hay một quy định nữa là các cổ đông sáng lập công ty cổ phần không được phép chuyển nhượng cổ phần phổ thông cho người không phải là cổ đông sáng lập trong 03 năm đầu kể từ ngày công ty nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (trừ trường hợp có sự đồng ý của đại hội đồng cổ đông). Tương tự như vậy cổ phần ưu đãi biểu quyết cũng không được chuyển nhượng.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 120 Luật doanh nghiệp 2014Khoản 1 Điều 6 Luật Chứng khoán 2006, cổ phiếu được định nghĩa là “chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần” và được coi là một loại chứng khoán. Đây là lý do các giao dịch liên quan đến cổ phiếu không chỉ được Luật doanh nghiệp 2014 điều chỉnh mà còn chịu sự điều chỉnh bởi các giao dịch liên quan đến chứng khoán của Luật Chứng khoán 2006. Khác với cổ phiếu, giấy chứng nhận phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn không được coi là chứng khoán mà chỉ được coi là một loại động sản bình thường.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Phamlaw về thắc mắc của Quý khách liên quan đến vấn đề Bản chất của vốn góp & cổ phẩn theo quy định mới. Nếu Quý khách còn có vướng mắc hay muốn biết thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với Tổng đài tư vấn thủ tục hành chính hoặc Bộ phận tư vấn pháp lý của Phamlaw, số hotline 1900. Để được tư vấn các dịch vụ về doanh nghiệp như thành lập mới, chuyển nhượng cổ phần, giải thể… Quý khách hàng vui lòng kết nối tới số hotline: 097 393 8866 để được hỗ trợ.

—————————

Phòng tư vấn doanh nghiệp – Phamlaw

> Xem thêm:

 

 

 

Rate this post