Công ty cổ phần đại chúng là gì?

Công ty cổ phần đại chúng là gì?

Ở Việt Nam, mô hình CTCP đã xuất hiện được một thời gian dài, ít nhất là từ năm 1990, CTCP đã được Luật Công ti quy định. Hiện nay, Luật Chứng khoán 2019 tại Điều 32 quy định Công ty đại chúng là công ty cổ phần”. Vậy vấn đề đặt ra CTCP đại chúng khác với CTCP thông thường như thế nào? Nói cách khác thì bản chất CTCP đại chúng là gì? Kính mời quý khách hàng cùng theo dõi bài viết dưới đây của Luật Phamlaw.

Quy định về công ty đại chúng đã có lịch sử phát triển lâu dài trong pháp luật chứng khoán của các nước có thị trường chứng khoán phát triển. Thuật ngữ “công ty đại chúng” có nguồn gốc từ triết lý pháp luật phương Tây, lấy cá nhân làm chủ thể pháp luật trong các giao dịch để quy nạp mọi tổ chức kinh doanh dưới tiêu chí “pháp nhân”. Tùy theo pháp luật từng quốc gia mà các tổ chức kinh doanh được định hình theo ba loại chính: (i) công ty, (ii) hợp danh, (iii) cá nhân kinh doanh. Sau đó, các học giả phương Tây tiếp tục chia công ty thành hai hình thức công ty nội bộ (private company hay held privately held corporation) và công ty đại chúng (public limited company).

Pháp luật của Anh, Mỹ và Úc và một số nước khác đều quy định“công ty đại chúng” trong Luật Công ty. Ví dụ, theo Luật Công ty của Anh (the Companies Act 2006 – gọi tắt UKCA 2006), công ty đại chúng được gọi là public limited company (viết tắt là Plc). Một Plc cần số vốn tối thiểu 50.000 bảng Anh, được huy động vốn và giao dịch cổ phần không hạn chế, số cổ đông tham gia không giới hạn và có tối thiểu hai thành viên quản trị thường trực.

Tương tự, theo pháp luật của Mỹ, công ty đại chúng có tên gọi là C Corporation nhằm phân biệt S Corporation là hình thức công ty chỉ phát hành một loại cổ phần duy nhất, số cổ đông không vượt quá 100, cổ đông phải là cá nhân và mang quốc tịch Mỹ. Luật Chứng khoán của Ba Lan (Khoản 4, Điều 4) quy định: “Công ty đại chúng là công ty có cổ phiếu của ít nhất một lần phát hành được chấp thuận cho giao dịch nơi công chúng”.

Ở Việt Nam, trước khi Luật Chứng khoán (2006) được ban hành, pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán chưa có thuật ngữ “công ty đại chúng”. Thực tế đã xuất hiện mô hình công ty đại chúng dưới dạng: (a) Các công ty niêm yết phát hành chứng khoán số lượng lớn ra công chúng (Quyết định số 07/2002/QĐ-VPCP về việc ban hành Điều lệ Mẫu áp dụng công ty niêm yết); hoặc (b) CTCP phát hành riêng lẻ nhiều lần có số lượng cổ đông lớn, theo Luật Doanh Nghiệp 1990, 1999; và (c) doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa.

Điều bất cập giữa ba mô hình này là nghĩa vụ minh bạch, công khai hóa thông tin. Đây là quy định bắt buộc đối với các công ty niêm yết(mô hình a) trong thời kỳ đó. Về vốn và quy mô thì cả ba mô hình trên đều tương đồng, trong khi đó các công ty niêm yết phải thực hiện nghĩa vụ trên một cách chặt chẽ. Đó chính là trở ngại chủ yếu khiến các mô hình (b) và (c) ngại đưa chứng khoán ra niêm yết.

Kế thừa, bổ sung những quy định của Luật Chứng khoán 2006, Luật Chứng khoán 2019 đã xây dựng một chương riêng về công ty đại chúng tại chương III. Theo Điều 32 Luật Chứng khoán 2019 quy định công ty đại chúng là CTCP thuộc ba loại hình sau đây:

  • Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ;
  • Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này.

Như vậy, theo pháp luật hiện hành, một công ty đại chúng trước hết phải là một công ty cổ phần được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Nếu công ty cổ phần đó thỏa mãn các điều kiện của một công ty đại chúng theo pháp luật về chứng khoán thì được công nhận là CTCP đại chúng.

Khi một công ty cổ phần thỏa mãn các điều kiện để trở thành công ty đại chúng thì công ty đó phải công bố công khai về việc trở thành công ty đại  chúng trên các phương tiện thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Việc Công bố này là nhằm cung cấp các thông tin cần thiết cho các nhà đầu tư và cho thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho công ty đại chúng tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán. Bởi vì, ảnh hưởng của loại hình công ty này đối với thị trường chứng khoán hết sức to lớn.

Khi công ty có quy mô lớn, sự ảnh hưởng đó càng nhiều, đặt ra yêu cầu phải quy định để tổ chức, quản lý nó một cách có hiệu quả nhất, tránh sự biến động của thị trường do nó gây ra.

Đặc điểm CTCP đại chúng

CTCP đại chúng là một hình thức điển hình của CTCP. CTCP đại chúng trước hết mang đầy đủ những đặc điểm chung của CTCP, đó là:

  • Thứ nhất, vốn điều lệ của công ty đại chúng được chia làm nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần (Điểm a, Khoản 1, Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020). Cổ phần của công ty được thể hiện dưới hình thức chứng khoán là cổ phiếu. Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% số cổ phần phổ thông được quyền chào bán của công ty trong vòng 3 năm sau khi thành lập.
  • Thứ hai, theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Chứng khoán 2019, CTCP đại chúng được phép phát hành chứng khoán ra công chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán để huy động vốn.
  • Về chuyển nhượng vốn, các cổ đông của CTCP đại chúng có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 120 và Khoản 1, Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020. Mức độ tự do chuyển nhượng cổ phần phụ thuộc vào tính chất của từng loại cổ phần.
  • Thứ ba, là loại hình công ty đối vốn, CTCP đại chúng phải tự chịu trách nhiệm một cách độc lập về các nghĩa vụ tài sản bằng toàn bộ tài sản của công ty. Cổ đông CTCP đại chúng chịu trách nhiệm hữu hạn về nợ và nghĩa vụ tài sản trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Thông qua người đại diện của mình theo quy định của pháp luật, công ty đại chúng có thể trở thành nguyên đơn hay bị đơn trong các vụ án dân sự.

Bên cạnh những đặc điểm chung của CTCP như trên, CTCP đại chúng còn có những điểm đặc thù phù hợp với tính chất và quy mô công ty, đó là:

         – Thứ nhất là tính “đại chúng của sở hữu công ty”: Chủ sở hữu công ty đại chúng (các cổ đông) thường rất đông, bởi vì công ty đại chúng là những công ty chào bán cổ phiếu ra công chúng hoặc công ty niêm yết. Số lượng những người mua cổ phiếu và trở thành cổ đông của công ty thường rất lớn. Đối với công ty đại chúng không thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng và cũng không có cổ phiếu niêm yết thì phải có cổ phiếu được ít nhất một trăm nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Công ty đại chúng là một loại hình CTCP có quy mô lớn, do một số lượng lớn cổ đông sở hữu. Sở hữu của công ty đại chúng có tính đại chúng rộng rãi.

          – Thứ hai, công ty đại chúng phải đạt một trong hai điều kiện sau:

+ Một là, đã thực hiện việc chào bán cổ phiếu ra công chúng: CTCP đáp ứng đầy đủ các điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng và đã thực hiện các thủ tục chào bán cổ phiếu ra công chúng sẽ trở thành công ty đại chúng .Công ty đó phải có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán; hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính theo năm đăng ký chào bán; có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông thông qua

CTCP đại chúng đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng phải cam kết đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường có tổ chức, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông thông qua, CTCP muốn trở thành công ty đại chúng còn phải thực hiện các thủ tục đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, có hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng hợp lệ và thực hiện phân phối cổ phiếu tới công chúng.

+ Hai là, có cổ phiếu được ít nhất một trăm nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên. Công ty cổ phần có từ một trăm nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu, đồng thời có vốn điều lệ đã góp từ mười tỷ đồng trở lên được thừa nhận là công ty đại chúng. CTCP rơi vào trường hợp này, tuy chưa thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng và chưa thực hiện niêm yết cổ phiếu, vẫn phải nộp hồ sơ công ty đại chúng và có các nghĩa vụ riêng biệt của công ty đại chúng.

           – Thứ ba, CTCP đại chúng còn phải tuân thủ các nghĩa vụ đặc thù mà CTCP thường không bị ràng buộc. Đó là các nghĩa vụ riêng biệt được quy định cho công ty đại chúng, bao gồm: công bố thông tin, tuân thủ các nguyên tắc quản trị công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và các quy định của Bộ Tài chính về quản trị công ty áp dụng riêng đối với công ty đại chúng, thực hiện đăng ký, lưu ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán và các nghĩa vụ khác theo Luật Doanh nghiệp và pháp luật liên quan.

Trên đây là bài viết về Công ty cổ phần đại chúng là gì? Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

Công ty cổ phần đại chúng là gì – Luật Phamlaw

5/5 - (1 bình chọn)