Vốn tự có của doanh nghiệp là gì?

VỐN TỰ CÓ CỦA DOANH NGHIỆP LÀ GÌ?

Vốn là yếu tố quan trọng nhất của quá trình kinh doanh, là yếu tố không thể thiếu để thực hiện bất kì hoạt động kinh doanh nào. Vốn càng lớn thì tiềm lực của doanh nghiệp càng lớn, nó giúp cho doanh nghiệp dễ dàng hơn trong các quуết định đầu tư ᴠà tham gia ᴠào các lĩnh ᴠực kinh doanh mới. Trong cơ cấu vốn của các doanh nghiệp, vốn được chia thành vốn tự có (hay vốn chủ sở hữu) và vốn vay. Vậy vốn tự có của doanh nghiệp là gì? Để hiểu rõ hơn về khái niệm vốn tự có của doanh nghiệp , bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Luật Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật doanh nghiệp 2020

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Vốn tự có của doanh nghiệp là gì?

Vốn là tài sản của doanh nghiệp, có thể bằng tiền hoặc tài sản khác như hàng hóa, giấy tờ có giá, quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất; là bất động sản hay động sản; là tài sản ngắn hạn hay tài sản dài hạn; là tài sản cố định hay tài sản lưu động được sử dụng cho hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lời.

Để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh thì các doanh nghiệp cần phải có các yếu tố đầu vào bao gồm sức lao động, đối tượng lao động và tư liệu lao động. Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp phải ứng ra lượng vốn ban đầu để mua sắm nguyên vật liệu, xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc thiết bị, trả tiền lương cho lao động… Số tiền ứng ra để có được các yếu tố đầu vào được gọi là vốn ban đầu của doanh nghiệp.

Hiện nay, khái niệm “vốn tự có” được sử dụng trong nhiều văn bản, từ luật, nghị định cho đến thông tư. Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, vốn tự có là nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ đầu tư được hình thành từ lợi nhuận trích ra để đầu tư; từ tiền thanh lý tài sản, từ khấu hao tài sản từ các quỹ, huy động cổ phần, góp vốn liên doanh của các bên đối tác liên doanh. Theo quan điểm tài chính, thì vốn chủ sở hữu còn được gọi là vốn tự có của doanh nghiệp hay gọi là tự tài trợ đối với một công ty được kỳ vọng làm ăn tốt thì tài trợ nợ có thể được sử dụng thường xuyên với mức chi phí thấp hơn so với tài trợ bằng vốn cổ phần. Tuy nhiên, nếu giai đoạn nào công ty không thể vận hành tốt để tạo ra tiền lượng tiền mặt đủ lớn, thì chi phí lãi vay lúc này có thể là một gánh nặng. Đây chính là mặt trái của việc tài trợ hoạt động doanh nghiệp bằng nợ.

Trong lĩnh vực ngân hàng, vốn tự có được hiểu như sau: Vốn tự có gồm giá trị thực của vốn điều lệ của tổ chức tín dụng hoặc vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các quỹ dự trữ, một số tài sản nợ khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Luật tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi bổ sung 2017).

Trong Luật doanh nghiệp hiện nay chưa có khái niệm cụ thể về Vốn chủ sở hữu (vốn tự có) của một doanh nghiệp. Tuy nhiên ta có thể hiểu, vốn tự có của doanh nghiệp thường do chủ doanh nghiệp và các nhà đầu tư góp vốn hoặc có thể được hình thành từ kết quả kinh doanh. Đây được xem như một trong những nguồn tài trợ thường xuyên cho doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản, các khoản nợ của doanh nghiệp sẽ được ưu tiên trả trước, phần còn lại sẽ được chia đều cho các cổ đông theo tỷ lệ góp vốn của họ.

2. Nguồn vốn tự có trong doanh nghiệp

Đối với mỗi loại hình doanh nghiệp khác nhau thì nguồn vốn tự có được hình thành từ các nguồn khác nhau. Dưới đây là một số nguồn chủ yếu:

  • Đối với doanh nghiệp nhà nước: Vốn được hình thành do nhà nước cấp hoặc đầu tư. Chủ sở hữu vốn là Nhà nước.
  • Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH): Bản chất công ty TNHH là do một hoặc một vài thành viên góp vốn thành lập nên công ty. Vì thế, các thành viên tham gia chính là chủ sở hữu vốn.
  • Đối với công ty cổ phần (CTCP): Vốn tự có được thành lập từ các cổ đông, các cổ đông chính là chủ sở hữu vốn
  • Đối với công ty hợp danh: Vốn được hình thành do sự đóng góp của các thành viên tham gia thành lập công ty.
  • Đối với doanh nghiệp tư nhân: Vốn tự có là vốn hoạt động của doanh nghiệp do chủ sở hữu đóng góp. Chủ sở hữu vốn là chủ doanh nghiệp và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình.
  • Đối với doanh nghiệp liên doanh: Vốn tự có được đóng góp bởi những thành viên là tổ chức hoặc cá nhân tham gia thành lập liên doanh. Mỗi bên lại có những nguồn huy động vốn vào liên doanh khác nhau nên có thể chủ sở hữu vốn nhiều hơn số bên tham gia thành lập liên doanh.

3. Ý nghĩa của nguồn vốn tự có trong doanh nghiệp

Vốn tự có mang một ý nghĩa rất quan trọng vì nó thể hiện sức mạnh tài chính của doanh nghiệp và đại diện cho giá trị cổ phần của nhà đầu tư. Vốn tự có là nguồn vốn của doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp đánh giá tình hình của công ty và đưa ra những bước đi, chiến lược phát triển phù hợp.

Trong thời gian đầu hoạt động, vốn tự có là cơ sở để tạo nên nguồn lực tài chính của doanh nghiệp. Vốn tự có là nguồn vốn ổn định và luôn tăng trưởng trong quá trình hoạt động đồng thời vốn tự có luôn vận động và tham gia vào quá trình kinh doanh của doanh nghiệp. Mọi quyết định tăng thêm vốn luôn gắn liền với yêu cầu phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, mở rộng hoạt động của doanh nghiệp.

Vốn tự có được dùng để duy trì mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Và lợi nhuận sinh ra từ việc kinh doanh này sẽ được chia sẻ theo tỷ lệ đóng góp. Đồng thời các khoản nợ phải trả hay kinh doanh không có lãi dẫn đến thua lỗ các chủ của nguồn vốn sở hữu cũng sẽ phải cùng nhau gánh chịu. Vốn tự có hoàn toàn có thể bị âm nếu số nợ phải trả quá lớn.

Với bài viết trên đây chúng tôi đã giúp bạn trả lời cho câu hỏi “Vốn tự có của doanh nghiệp là gì?”. Hiểu được khái niệm trên và xác định được tầm quan trọng của loại vốn này đối với doanh nghiệp sẽ giúp bạn có những định hướng và kế hoạch đầu tư tối ưu hơn. Nếu bạn đọc còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn thêm, vui lòng liên hệ Luật Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được hỗ trợ nhanh nhất.

5/5 - (1 bình chọn)