Các quy định của pháp luật về vốn điều lệ
Chào luật sư,
Luật sư cho tôi hỏi về các quy định vốn điều lệ cho một số loại hình công ty theo pháp luật hiện hành được hay không ạ? Tôi định thành lập công ty cổ phần gồm có 4 thành viên trở lên với số vốn điều lệ là 8 tỷ đồng chia đều cho 4 cổ đông. Nếu chúng tôi góp không đủ như đã cam kết thì có làm sao hay không? Mong các luật sư giải đáp giúp chúng tôi. Chân thành cám ơn các luật sư rất nhiều.
Trả lời: Câu trả lời mang tính tham khảo
Các quy định của pháp luật về vốn điều lệ
Chào bạn,
Trước hết vốn điều lệ được quy định chính là cơ sở để xác định tỷ lệ vốn góp hay sở hữu cổ phần trong công ty, qua đó làm cơ sở xác định quyền, lợi ích cũng như nghĩa vụ của các thành viên, các nhà đầu tư trong công ty. Điều này có nghĩa là thành viên trong cty sẽ chịu trách nhiệm trên toàn bộ phần vốn góp như đã đăng ký trong điều lệ công ty của mình khi công ty có xảy ra sự cố như phá sản thì lúc ấy thành viên sẽ chỉ thực hiện nghĩa vụ tài chính trả nợ đối với chủ nợ theo phần vốn góp đã đăng ký của mình mà thôi.
Vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp vốn và được ghi vào Điều lệ công ty.
Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có để thành lập công ty do pháp luật quy định đối với từng ngành, nghề.
Pháp luật không quy định mức vốn điều lệ cho từng loại hình công ty, nhưng các doanh nghiệp cần lưu ý một số quy định sau:
– Thời hạn góp vốn của các cổ đông/thành viên;
– Quy định về tăng, giảm vốn điều lệ cho mỗi loại hình công ty.
1/ Công Ty TNHH 1 thành viên
Theo quy định tại Điều 75 Luật doanh nghiệp 2020 thì Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty và chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2020. Trường hợp chủ sở hữu không góp đủ và đúng số vốn điều lệ đã cam kết thì phải thực hiện thủ tục thay đổi vốn điều lệ theo đúng số vốn điều lệ đã góp trên thực tế.
Vốn điều lệ công ty TNHH 1 thành viên được hiểu là tổng giá trị tài sản được chủ sở hữu cam kết góp và thể hiện trong Điều lệ công ty. Chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên phải tiến hành góp đủ và đúng như tài sản đã cam kết góp vốn. Trường hợp góp không đủ, chủ sở hữu sẽ phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ. Việc điều chỉnh vốn điều lệ sẽ do quyết định của chủ sở hữu công ty.
2. Công Ty TNHH hai thành viên
Theo quy định tại khoản 1 điều 47 Luật doanh nghiệp 2020 thì Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp của các thành viên cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty
Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại.
Sau thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật doanh nghiệp 2020 mà vẫn có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết thì được xử lý như sau:
- Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;
- Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;
- Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.
Trường hợp có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Luật doanh nghiệp 2020. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.
3. Công Ty Cổ Phần
Theo khoản 1 Điều 112 Luật Doanh nghiệp 2020, “Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty”.
Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua.
Trong thời hạn từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến ngày cuối cùng phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua quy định tại khoản 1 Điều 113 Luật doanh nghiệp 2020, số phiếu biểu quyết của các cổ đông được tính theo số cổ phần phổ thông đã được đăng ký mua, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
Trường hợp sau thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 113 Luật doanh nghiệp 2020, cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì thực hiện theo quy định sau đây:
Thứ nhất, cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;
Thứ hai, cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;
Thứ ba, cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán;
Thứ tư, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại khoản 1 Điều 113 Luật doanh nghiệp 2020, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.
Như vậy, thời hạn góp vốn công ty cổ phần là 90 ngày (kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp), nếu có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp. Thủ tục đăng ký thay đổi này phải được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định.
4. Công Ty Hợp Danh và Doanh nghiệp Tư Nhân
Đối với doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh thì pháp luật không quy định thời hạn góp vốn sau khi thành lập, thay vào đó chủ doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh phải đảm bảo góp đủ vốn ngay khi thành lập doanh nghiệp. Điều này để đảm bảo khả năng chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của chủ doanh nghiệp trước các nghĩa vụ phát sinh khi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.
Với trường hợp cụ thể của bạn: Nếu công ty bạn đăng ký vốn điều lệ là 8 tỷ, thì trong vòng 90 ngày công ty bạn phải góp đủ số vốn là 8 tỷ đồng. Nếu không góp đủ số vốn điều lệ thì công ty bạn phải thực hiện thủ tục thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh.
Khi các cổ đông sáng lập ra cty góp đủ số vốn của mình rồi thì Người đại diện theo pháp luật của công ty phải làm thông báo góp đủ vốn đến Sở Kế hoạch Đầu tư trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp GPKD.
- Trường hợp thông báo không trung thực thì người Người đại diện theo pháp luật chịu trách nhiệm.
- Trường hợp khi số cổ phần đăng ký góp của các cổ đông sáng lập chưa được góp đủ thì các cổ đông sáng lập cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số cổ phần chưa góp đủ đó.
Trên đây là quan điểm của chúng tôi đối với trường hợp của bạn, nếu còn vướng mắc bạn vui lòng kết nối trực tiếp đến chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn.
Trân trọng./.
Các dịch vụ của Phamlaw:
– thủ tục giải thể doanh nghiệp
– dịch vụ giải thể công ty
– thủ tục thành lập công ty
Các quy định của pháp luật về vốn điều lệ – Luật Phamlaw