Thống kê đất đai là gì?
Thống kê đất đai là một trong những nội dung quan trọng trong pháp luật đất đai, vì đây là biện pháp để biết được chính xác tình hình sử dụng đất trên thực tế, và cung cấp các thông tin cần thiết cho việc lập quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất. Để hiểu rõ hơn về khái niệm thống kê đất đai là gì, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Luật đất đai 2013
Thông tư 28/2014/TT-BTNMT
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Thống kê đất đai là gì?
Theo quy định tại Điều 34 Luật đất đai 2013 thì Thống kê, kiểm kê đất đai bao gồm thống kê, kiểm kê đất đai theo định kỳ và kiểm kê đất đai theo chuyên đề.
Vậy có thể hiểu Thống kê đất đai là Nhà nước tổng hợp, đánh giá trên hồ sơ địa chính về hiện trạng sử dụng đất tại thời điểm thống kê và tình hình biến động đất đai giữa hai lần thống kê. Đây là một biện pháp để các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai nắm bắt được kịp thời, thường xuyên tình hình sử dụng và những biến động đất đai; đồng thời, thống kê đất đai cung cấp thông tin, số liệu chính xác về mặt khoa học cho công tác lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai.
2. Mục đích của thống kê đất đai
Mục đích thống kê, kiểm kê đất đai được hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư 28/2014/TT-BTNMT về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, bao gồm:
– Đánh giá hiện trạng sử dụng đất và làm cơ sở để quản lý, sử dụng đất đạt hiệu quả.
– Cung cấp thông tin, số liệu, tài liệu làm căn cứ để lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
– Làm cơ sở đề xuất việc điều chỉnh chính sách, pháp luật về đất đai.
– Cung cấp số liệu để xây dựng niên giám thống kê các cấp và phục vụ nhu cầu thông tin đất đai cho các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo và các nhu cầu khác của Nhà nước và xã hội.
Theo đó mục đích thống kê đất đai nhằm đánh giá thực trạng tình hình sử dụng đất đai của từng đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh, các vùng kinh tế – xã hội và cả nước để làm cơ sở đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai của các cấp trong giai các giai đoạn và đánh giá được sự biến động đất đai so với chu kỳ 5 năm, 10 năm trước và đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; làm cơ sở cho việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp đối với các giai đoạn và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và biên soạn chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia về Diện tích đất và cơ cấu đất theo quy định pháp luật.
3. Thời điểm và thời gian thực hiện thống kê đất đai
Theo quy định tại điều 5 Thông tư Số: 27/2018/TT-BTNMT về việc thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được quy định như sau:
– Thời điểm thống kê đất đai định kỳ hàng năm được tính đến hết ngày 31 tháng 12 hàng năm (trừ năm thực hiện kiểm kê đất đai).
– Thời gian thực hiện và thời điểm nộp báo cáo kết quả thống kê đất đai định kỳ hàng năm được quy định như sau:
+ Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) triển khai thực hiện từ ngày 15 tháng 11 hàng năm (trong thời gian thực hiện phải tiếp tục tổng hợp cả các trường hợp biến động đất đai đến ngày 31 tháng 12); hoàn thành và nộp báo cáo kết quả lên Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện) trước ngày 16 tháng 01 năm sau;
+ Ủy ban nhân dân cấp huyện hoàn thành và nộp báo cáo kết quả lên Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trước ngày 01 tháng 02 năm sau;
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thành và nộp báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 16 tháng 02 năm sau;
+ Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 16 tháng 3 năm sau;
+ Thời gian thực hiện quy định tại các điểm b và c điều 5 Thông tư Số: 27/2018/TT-BTNMT nếu trùng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán thì việc nộp báo cáo kết quả được lùi thời gian bằng số ngày được nghỉ Tết Nguyên đán theo quy định.
Như vậy, có thể thấy pháp luật đề ra quy định này nhằm hướng tới mục đích tăng cường sự kiểm soát chặt chẽ hơn nữa của Nhà nước đối với đất đai trên cơ sở các quy định. Việc Kiểm kê đất đai theo chuyên đề không thực hiện định kỳ như kiểm kê đất đai thông thường mà thực hiện theo yêu cầu nhiệm vụ quản lý đất đai từng thời kỳ, và sẽ được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4. Nguyên tắc thực hiện thống kê đất đai
Thứ nhất, Việc thu thập số liệu trong thống kê đất đai được thực hiện trực tiếp từ hồ sơ địa chính trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã. Việc thu thập số liệu trong thống kê đất đai trên địa bàn đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh và cả nước được tổng hợp từ số liệu thu thập trong thống kê đất đai của các đơn vị hành chính trực thuộc. Việc thu thập số liệu trong thống kê đất đai trên địa bàn các vùng lãnh thổ được tổng hợp từ số liệu thu thập trong thống kê đất đai của các tỉnh thuộc vùng lãnh thổ đó.
Thứ hai, Tổng diện tích các loại đất theo số liệu thống kê đất đai phải bằng diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính thực hiện thống kê đất đai, trường hợp diện tích tự nhiên theo số liệu thống kê khác với diện tích tự nhiên đã công bố thì phải giải trình rõ nguyên nhân.
Thứ ba, Số liệu thống kê đất đai phải phản ánh đầy đủ tình trạng sử dụng đất thể hiện trong hồ sơ địa chính; diện tích đất đai không được tính trùng, không được bỏ sót trong số liệu thống kê, kiểm kê đất đai; số liệu đất đai thể hiện trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất phải thững nhất với số liệu kiểm kê đất đai tại thời điểm kiểm kê.
Thứ tư, Diện tích đất trong các biểu thống kê đất đai được xác định theo mục đích hiện đang sử dụng có ghi nhận mục đích theo quy hoạch sử dụng đất; đối với các thửa đất đang sử dụng vào nhiều mục đích thì ghi theo mục đích sử dụng chính; diện tích đất trong các biểu thống kê đất đai được xác định rõ diện tích thuộc khu đô thị và diện tích thuộc khu dân cư nông thôn.
5. Nội dung thống kê đất đai
Thứ nhất, Thu thập số liệu về diện tích đất đai theo mục đích sử dụng và theo đối tượng sử dụng; số liệu về đối tượng sử dụng đất; số liệu về việc chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn từng đơn vị hành chính
Thứ hai, Xử lý các số liệu thu nhập được để có các số liệu tổng hợp, từ đó rút ra kết luận về cơ cấu sử dụng đất theo mục đích sử dụng và theo đối tượng sử dụng tại thời điểm thực hiện thống kê biến động diện tích của mục đích sử dụng đất và biến động của đối tượng sử dụng đất trong một số giai đoạn xác định giữa các kỳ thống kê.
Thứ ba, Tập hợp các số liệu thống kê đất đai bao gồm số liệu thu thập và số liệu tổng hợp lưu trữ và cung cấp cho các nhu cầu sử dụng.
Thứ tư, Lập báo cáo thống kê đất đai bao gồm phương pháp thu thập số liệu thống kê và phân tích chất lượng số liệu thu thập và số liệu tổng hợp; thuyết minh về kết quả thống kê, kiểm kê đất đai gồm phân tích hiện trạng sử dụng đất, biến động về sử dụng đất.
Trên đây tư vấn của Phamlaw về khái niệm thống kê đất đai là gì? Nếu bạn có những thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp tư vấn pháp luật đất đai, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.