Tìm hiểu về doanh nghiệp Nhà nước

Tìm hiểu về doanh nghiệp Nhà nước

Từ thực tiễn xây dựng và phát triển nền kinh tế hàng hoa nhiều thành phần, định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta thời gian qua đã cho thấy: Các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay đang nắm giữ những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, đóng góp tỷ lệ không nhỏ vào ngân sách quốc gia, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Xuất phát từ vai trò và tầm quan trọng này mà việc định nghĩa về doanh nghiệp Nhà nước là gì trở nên cần thiết hơn. Bài viết dưới đây, Luật Phamlaw xin gửi tới quý khách hàng những giải đáp về vấn đề này.

1. Khái niệm doanh nghiệp Nhà nước theo quan niệm trên thế giới

Trong lĩnh vực kinh tế, Nhà nước tham gia vào lĩnh vực này với tư cách khác nhau: Tư cách nhà quản lý kinh tế và tư cách là nhà đầu tư. Ở tư cách nhà quản lý kinh tế, Nhà nước sẽ hoạch định chính sách kinh tể vĩ mô, ban hành pháp luật điều chỉnh các hoạt động kinh tế, tạo dựng môi trường đầu tư, điều tiết các hoạt động kinh tế theo đúng định hướng, chiến lược để bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững. Trong việc thực hiện chức năng quản lý kinh tế, Nhà nước sử dụng rất nhiều công cụ khác nhau như: Mệnh lệnh, quyết định hành chính; pháp luật… Trong tư cách là nhà đầu tư, Nhà nước có thể trực tiếp đầu tư và tiến hành các hoạt động kinh doanh. Để thực hiện được việc này, Nhà nước có thể sử dụng ngân sách để thành lập các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hoặc đầu tư vốn vào các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân để thực hiện các mục tiêu chính trị – xã hội bên cạnh mục tiêu lợi nhuận.

 Để thực hiện tốt các chức năng của mình, bất kỳ quốc gia nào cũng duy trì một số lượng nhất định các DNNN. Tuy nhiên, quan niệm về DNNN ở các nước có sự khác nhau. Một số nước quan niệm DNNN là doanh nghiệp mà toàn bộ vốn thuộc sở hữu hoàn toàn của Nhà nước. Nhiều nước lại quan niệm rằng DNNN là những doanh nghiệp trong đó Nhà nước chỉ có thể sở hữu phần vốn khống chế nào đó mà thôi.

Vậy thực chất DNNN là gì? Có thể hiểu DNNN là những cơ sở kinh tế (sản xuất, kinh doanh hàng hóa; cung úng dịch vụ) do Nhà nước sở hữu hoàn toàn hoặc sở hữu một phần đủ để chi phối trong quản lý, điều hành. Như vậy, quyền sở hữu là yếu tố quyết định để phân biệt DNNN với các doanh nghiệp khác ở khu vực kinh tế tư nhân. Nhưng DNNN không phải là cơ quan hành chính Nhà nước, bởi DNNN được thành lập là để hoạt động vì mục đích lợi nhuận hay vì mục tiêu chính trị – xã hội khác. Ngoài ra, quyền chi phối về quản lý, điều hành của Nhà nước trong DNNN là đặc điểm để phân biệt loại hình doanh nghiệp này với các loại hình doanh nghiệp khác mà Nhà nước chỉ góp một lượng vốn nhỏ không đủ để chi phối, điều hành doanh nghiệp đó.

Trong một báo cáo của Đại hội đồng Liên hợp quốc được đưa ra vào năm 1985, đã định nghĩa về DNNN như sau: “Doanh nghiệp nhà nước là những doanh nghiệp do Nhà nước nắm toàn bộ hoặc một phần sở hữu và Nhà nước kiểm soát tới một mức độ nhất định quá trình ra quyết định của doanh nghiệp”. Ở định nghĩa này, Liên hợp quốc đã sử dụng hai tiêu chí để định nghĩa về DNNN đó là: (i) Tiêu chí về sở hữu của Nhà nước trong doanh nghiệp đó là sở toàn phần hoặc một phần; (ii) Tiêu chí về sự kiểm soát hay nói cách khác là Nhà nước có vị trí quyết định trong quá trình quản lý, điều hành doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia lại có sự khác nhau trong việc sử dụng các tiêu chí để định nghĩa về DNNN. Có quốc gia lựa chọn tiêu chí về mục đích, hình thức; có quốc gia lại lựa chọn tiêu chí về lý do thành lập, cơ cấu tổ chức; có quốc gia lại lựa chọn tiêu chí quyền sở hữu của Nhà nước để định nghĩa về DNNN.

Ở nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, DNNN hình thành khá sớm và giữ vai trò quan trọng trong các giai đoạn lịch sử của đất nước. Theo quan niệm của Luật doanh nghiệp hiện hành, Lào có bốn loại hình doanh nghiệp là doanh nghiệp tư nhân, DNNN, doanh nghiệp hỗn hợp và doanh nghiệp tập thể. Định nghĩa DNNN được đề cập đến lần đầu tiên trong trong Sắc lệnh số 92/SL năm 1954 của Chủ tịch nước. Trong Sắc lệnh này, DNNN ở Lào được gọi tên là “Xí nghiệp quốc doanh” và được định nghĩa: “Xí nghiệp quốc doanh là xí nghiệp thuộc quyền sở hữu của quốc gia, do Chính phủ quản lý”.

Sau đó, định nghĩa về DNNN được quy định tại Điểu 191 của Luật Doanh nghiệp do Quốc hội Lào ban hành ngày 09/ 11/2005 và được kê thừa tại Điêu 196 Luật Doanh nghiệp do Quốc hội Lào ban hành ngày 26/12/ 2013: “Doanh nghiệp nhà nước là một đơn vị kinh doanh của Nhà nước được thành lập và đầu tư hoặc liên doanh với các thành phần kinh tế khác, với số vốn của Nhà nước trên 50% trở lên”. Định nghĩa này đã có sự thay đổi rất lớn và cụ thể so với định nghĩa về DNNN trong Sắc lệnh số 92/SL năm 1954 của Chủ tịch nước. Sự thay đổi ở đây là định nghĩa về DNNN trong Luật Doanh nghiệp 2013 đã liệt kệ hai hình thức tồn tại của DNNN dựa vào tiêu chí về quyền sở hữu vốn của Nhà nước trong doanh nghiệp đó:

(i) Hình thức Nhà nước sở hữu 100% phần vốn góp trong DNNN;

(ii) Hình thức Nhà nước sở hữu từ 50% trở lên phần vốn góp trong DNNN.

Tuy nhiên, việc Luật Doanh nghiệp Lào 2013 định nghĩa về DNNN bằng việc sử dụng tiêu chí về quyền sở hữu vốn trong DNNN đó chưa phản ánh được một trong những đặc trưng cơ bản nhất của DNNN là quyền quản lý, điều hành của Nhà nước đối với DNNN đó. Hiện nay, định nghĩa về DNNN đã có sự thay đổi trong Điều 196 Luật Doanh nghiệp Lào 2013: “Doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước thành lập và có vốn điều lệ hơn 50% trở lên hoặc từ việc chuyển đổi doanh nghiệp khác thành doanh nghiệp nhà nước theo sự thống nhất đồng ý với nhau”.

2. Khái niệm doanh nghiệp Nhà nước theo pháp luật Việt Nam

Ở Việt Nam, định nghĩa về DNNN được quy định trong Điều 1 Luật số 14/2003/QHI1 ngày 26/11/ 2003 về DNNN: “Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối; được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn”.

Tuy nhiên, đến Luật Doanh nghiệp 2020 thì định nghĩa DNNN được xây dựng đơn giản hơn. Tại khoản 11 Điều 4 Luật này quy định: “Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật này.”. Định nghĩa mới này không liệt kê các hình thức tồn tại của DNNN như Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003. Như vậy, so với định nghĩa về DNNN trong Luật Doanh nghiệp Lào 2013 thì định nghĩa về DNNN của pháp luật Việt Nam cũng sử dụng tiêu chí về quyền sở hữu của Nhà nước để định nghĩa về DNNN.  Ngoài ra, định nghĩa về DNNN của cả hai quốc gia đều không đề cập đến các vấn đề về mục đích hoạt động, lý do thành lập, quyền quản lý và điều hành của Nhà nước trong DNNN do hai định nghĩa này chi sử dụng tiêu chí về sở hữu vốn của Nhà nước để định nghĩa về DNNN.

Như vậy, ta có thể khi tìm hiểu về doanh nghiệp Nhà nước, DNNN được định nghĩa là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần được biểu quyết theo Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020. Đây là một điểm mới trong quy định pháp luật DNNN so với Luật Doanh nghiệp 2014 “là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” do đó DNNN chỉ có thể được tổ chức dưới dạng công ty TNHH. Còn đối với quy định tại Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020, DNNN có thể được tổ chức dưới dạng: Công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Công ty TNHH 2 thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;  Công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Trên đây là nội dung bài viết về Tìm hiểu về doanh nghiệp Nhà nước? Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

5/5 - (1 bình chọn)