Mối quan hệ của Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần

 Mối quan hệ của Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần

Bắt nguồn từ đặc thù khoảng cách giữa mong muốn, chuyên môn các cổ đông – chủ sở hữu công ty với nhu cầu vận hành hoạt động kinh doanh của CTCP, về cả mặt khách quan và chủ quan , đối với các hoạt động quản trị CTCP, việc xác định mối quan hệ của Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần với các cơ quan, chủ thể khác trong công ty là cần thiết. Kính mời quý khách hàng cùng Luật Phamlaw tìm hiểu qua bài viết dưới đây về vấn đề được nêu trên.

1. Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Luật doanh nghiệp năm 2020 thì: “Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần”. Quy định này cho thấy, các cổ đông nắm giữ ít hay nhiều cổ phần phổ thông của doanh nghiệp thì đều có quyền tham dự cuộc họp Đại hội đồng cổ đông. Và Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần, là cơ cấu tổ chức bắt buộc phải có trong công ty cổ phần, mọi cổ động đều là chủ thể “đương nhiên để cấu thành nên Đại hội cổ đông”. Điều này cũng giống như Hội đồng thành viên bao gồm tất cả các thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được quy định trong Luật doanh nghiệp năm 2020.

Đại hội đồng cổ đông là một quy định đặc thù của công ty cổ phần so với các loại hình doanh nghiệp khác. Chúng ta không nên nhầm lẫn “Đại hội đồng cổ đông” ở đây là “cuộc họp lớn” mà phải hiểu đây là một cơ quan “quyết định cao nhất” trong công ty cổ phần. Bên cạnh đó, cụm từ “cuộc họp phiên họp/họp” mà được ghi liền vào trước cụm từ “Đại hội đồng cổ đông” thì lại có nghĩa là “cuộc họp” của cơ quan này. Vì thế mà chúng ta chỉ có thể nói cổ đông đi “dự họp” chứ không nói cổ đông đi dự “đại hội” là vậy.

2. Mối quan hệ của Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần là gì?

Mối quan hệ của Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần được hiểu là sự tác động qua lại giữa Đại hội đồng cổ đông đối với chủ thể có liên quan với nhau trong công ty. Trong biện chứng, khái niệm mối liên hệ dùng để chỉ: sự quy định, sự tác động và chuyển hóa lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng, hay giữa các mặt, các yếu tố của mỗi sự vật, hiện tượng trong thế giới.

Trong công ty cổ phần, mối quan hệ của Đại hội đồng cổ đông được thể hiện với:

– Thứ nhất là Hội đồng quản trị;

– Thứ hai, với Giám đốc (Tổng giám đốc);

– Thứ ba, với Ban kiểm soát;

– Thứ tư, với các cổ đông, người lao động trong công ty cổ phần.

3. Quy định về quan hệ giữa ĐHĐCĐ với Hội đồng quản trị

Theo quy định tại khoản 2 Điều 153Luật Doanh nghiệp 2020, Hội đồng quản trị có trách nhiệm thực hiện các công việc sau để tổ chức ĐHĐCĐ:

 “… Duyệt chương trình nội dung tài liệu phục vụ họp Đại hội đồng cổ đông triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến để Đại hội đồng cổ đông thông qua quyết định,

Trình báo cáo quyết toán tài chính hằng năm lên Đại hội đồng cổ đông

Kiến nghị mức cổ tức được trải quyết định thời hạn và thi tục trả cô tức hoặc xử lý lỗ phát sinh trong quá trình kinh doanh;

Kiến nghị việc tổ chức tại, giải thể công ty, yêu cầu phá sản công ty….”

Chính vì HĐQT chuẩn bị tất cả các khâu trong quá trình họp ĐHĐCĐ nên sự ảnh hưởng, tác động của HĐQT đến ĐHĐCĐ là rất lớn. Hơn nữa, với tư cách là cơ quan quản lý công ty, HĐQT nắm rất rõ, tường tận và đánh giá được tình hình của CTCP. Trong khi đó, khi các cổ đông đến họp ĐHĐCĐ, họ chỉ được biết đến chương trình hợp đã được HĐQT chuẩn bị sẵn, lại có ít thời gian nghiên cứu, không có tài liệu chi tiết, cho nên thường không hiểu rõ bản chất của vấn đề và dễ bị định hướng theo dư luận. Ngoài ra, ở Việt Nam hiện nay, thông thường khi đi họp, các cổ đông chỉ quan tâm đến việc mình được chia bao nhiêu cổ tức, chia như thế nào mà không quan tâm hoặc phó mặc cho HĐQT điều hành cuộc họp ĐHĐCĐ. Cho nên, đây cũng là một dạng uỷ quyền mặc định, phó thác việc sử dụng vốn góp của mình vào tay HĐQT. Vì vậy, có thực trạng là ở nhiều CTCP, HĐQT chính là người điều khiển ĐHĐCĐ. Có thể nói rằng cuộc họp ĐHĐCĐ ở những CTCP đó chỉ mang tính hình thức, “diễn” kịch bản do HĐQT đã chuẩn bị sẵn.

Thực tiễn cũng cho thấy nhiều cổ đông không có trình độ, không am hiểu kinh doanh, không tường tận vấn đề, không rõ bản chất sự việc do không có thông tin từ trước nên không đánh giá hết được các vấn đề. Cho nên nếu HĐQT không xây dựng chương trình, kế hoạch để trình lên ĐHĐCĐ, thì cuộc họp ĐHĐCĐ cũng không tiến hành được, không ra được các nghị quyết về mọi vấn đề. Do đó, sự ảnh hưởng, tác động mang tính tích cực từ HĐQT tới các cổ đông, việc ĐHĐCĐ thảo luận các chương trình và thông qua nghị quyết về các vấn đề đã được HĐQT chuẩn bị là điều dễ hiểu.

4. Quy định về quan hệ giữa ĐHĐCĐ với Giám đốc (Tổng giám đốc)

Giám đốc (Tổng Giám đốc) là người điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của CTCP, HĐQT là cơ quan có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc (Tổng Giám đốc), quyết định tiền lương và quyền lợi khác của Giám đốc (Tổng Giám đốc).

Theo quy định tại Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2020, HĐQT bổ nhiệm một trong số các thành viên HĐQT hoặc thuê người khác làm Giám đốc (Tổng Giám đốc). Trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch HĐQT hoặc Giám đốc (Tổng Giám đốc) là người đại diện theo pháp luật của CTCP, trường hợp Điều lệ không có quy định khác thì Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật của CTCP. Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch HĐQT và Giám đốc (Tổng Giám đốc) đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của CTCP.

Giám đốc (Tổng Giám đốc) chịu sự giám sát của HĐQT, chịu trách nhiệm trước HĐQT và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao. Có thể thấy rằng, Giám đốc (Tổng Giám đốc) CTCP không chịu trách nhiệm trước ĐHĐCĐ mà chịu trách nhiệm trước HĐQT – cơ quan quản lý trực tiếp của CTCP. ĐHĐCĐ là cơ quan quyền lực cao nhất trong CTCP. ĐHĐCĐ có thể can thiệp vào việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc (Tổng Giám đốc), quyết định về tiền lương và các quyền lợi khác của Giám đốc (Tổng Giám đốc), tuy nhiên, phải thực hiện thông qua HĐQT – cơ quan quản lý do ĐHĐCĐ bầu.

5. Quy định về quan hệ giữa ĐHĐCĐ với Ban kiểm soát

Điều 170 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về quyền và nghĩa vụ của BKS. Theo đó, BKS là cơ quan đo ĐHĐCĐ bầu, là cơ quan kiểm soát trong CTCP thực hiện giám sát HĐQT, Giám đốc (Tổng Giám đốc) trong việc quản lý và điều hành công ty, kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, tính hệ thống, nhất quán và phù hợp của công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính.

Như vậy, bản chất của BKS là đảm bảo sự thận trọng và minh bạch trong hoạt động kinh doanh của CTCP. Tuy nhiên, hoạt động kiểm tra, giám sát này có thể gây ra sự cản trở, gián đoạn cho hoạt động kinh doanh bình thường của công ty. Do vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định CTCP có quyền lựa chọn việc có BKS hay không có BKS trong cơ cấu tổ chức, quản lý công ty của mình. Theo đó, trừ trường hợp có quy định khác từ pháp luật chứng khoán, CTCP có quyền không thành lập BKS trong hai trường hợp sau:

1) Mô hình tổ chức công ty bao gồm ĐHĐCĐ, HĐQT và Giám đốc (Tổng Giám đốc). Trường hợp này công ty phải đảm bảo ít nhất 20% số thành viên HĐQT là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT để thực hiện chức năng kiểm soát hoạt động của công ty).

2) CTCP có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty.

Như vậy, trong cơ cấu quản trị của CTCP không bắt buộc phải có BKS. Trường hợp có thành lập BKS thi đó phải là một cơ quan độc lập với HĐQT và do ĐHĐCĐ bầu ra. Thành viên HĐQT không đồng thời là thành viên BKS bởi BKS được bầu ra với mục đích kiểm tra, giám sát hoạt động của HĐQT Sự độc lập giữa hai cơ quan này là rất cần thiết.

Việc giám sát HĐQT, Giám đốc (TGĐ) của BKS nhằm mục đích hạn chế sự lạm quyền, vụ lợi của các thành viên HĐQT, bảo vệ lợi ích của các cô đông. Tuy nhiên, trên thực tế, BKS vẫn chưa thể hiện được đầy đủ vai trò bảo vệ quyền lợi của các cổ đông. Có những việc làm sai trái của thành viên HĐQT và Giám đốc (Tổng Giám đốc) ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của các cô đông nhưng không hề có sự lên tiếng và cảnh báo nào từ BKS cho đến khi sự việc bị các cổ đông phát hiện. Ngoài ra, pháp luật dù có trao cho BKS quyền được triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ khi HĐQT không triệu tập họp hoặc có vi phạm nghĩa vụ quản lý, nhưng trên thực tế ở Việt Nam hiện nay, rất hiếm trường hợp BKS thực thi quyền hạn này.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc BKS chưa thực sự phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình đối với các cổ đông, ĐHĐCĐ. Theo quy định của pháp luật, thành viên BKS không được giữ các chức vụ quản lý trong CTCP. Điều đó có nghĩa là thành viên BKS thường chỉ là một nhân viên bình thường trong công ty. Trong vai trò Kiểm soát viên, họ cần độc lập với HĐQT và Giám đốc (Tổng Giám đốc), nhưng trong vai trò người lao động, họ lại chịu sự quản lý của HĐQT và chịu sự điều hành của Giám đốc (Tổng Giám đốc). Trong hoàn cảnh này, các thành viên BKS không thể độc lập kiểm soát hoạt động của các cơ quan quản lý, điều hành của CTCP. Chính mâu thuẫn này khiến cho thành viên của BKS phải chịu nhiều áp lực. Do vậy, thông thường, họ sẽ lựa chọn vai trò của người lao động, vì hàng tháng họ cần được nhận tiền lương từ CTCP, do cơ quan quản lý hoặc điều hành quyết định

BKS là một cơ chế phù hợp để ĐHĐCĐ, cổ đông bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu không có BKS, toàn bộ quyền lực trong CTCP đều tập trung vào HĐQT và Giám đốc (Tổng Giám đốc) sẽ khó tránh khỏi tình trạng lạm quyền. Nhưng để BKS có thể phát huy được giá trị của mình thì cần phải được quy định rõ ràng hơn, đồng thời chính cổ đông phải hiểu rõ và sử dụng vai trò của BKS một cách thông minh và phù hợp. Ngoài ra, khi được cổ đông tin tưởng và trao quyền, BKS phải có đủ khả năng và dũng khí để thực hiện nhiệm vụ của mình. Có như vậy quyền lợi của các cổ đông mới được bảo vệ và xã hội mới tránh được những thiệt hại từ sự sụp đổ của các CTCP.

6. Quy định về quan hệ giữa ĐHĐCĐ với các cổ đông, người lao động trong công ty cổ phần

Cổ đông là người tham gia dự cuộc họp ĐHĐCĐ, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định một trong những quyền cơ bản và đầu tiên của cổ đông là: “Tham dự, phát biểu trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo ủy quyền hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty, pháp luật quy định. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết” (điểm a khoản 1 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020). Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định về cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ CTCP có các quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ trong trường hợp quy định về triệu tập ĐHĐCĐ bất thường trong trường hợp Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao. Bên cạnh đó, cổ đông có nghĩa vụ phải chấp hành Nghị quyết của ĐHĐCĐ.

Người lao động trong CTCP không thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của ĐHĐCĐ. Luật Doanh nghiệp 2020 không có quy định về mối quan hệ giữa người lao động và ĐHĐCĐ. Người lao động làm việc tại CTCP phải tuân thủ theo sự chỉ dẫn của Giám đốc (Tổng Giám đốc) – là cấp trên trực tiếp của họ. ĐHĐCĐ có trách nhiệm xác định quy mô hệ thống nhân lực trong CTCP để làm cơ sở cho Giám đốc (Tổng Giám đốc) triển khai các hoạt động tuyển dụng, luân chuyên, sa thải người lao động.

Trên đây là bài viết về Mối quan hệ của Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần? Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)