Thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất

Thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất

Thu hồi đất làm chấm dứt quan hệ pháp luật về đất đai, chấm dứt quyền sử dụng đất của người sử dụng đất bằng một quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc xác định thiệt hại trong quá trình bồi thường khi nhà nước thu hồi đất là một bước quan trọng, nền tảng cho cả quy trình tiến hành bồi thường sau đó. Để hiểu rõ hơn về các thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật đất đai 2013

Nghị định 45/2014/NĐ-CP

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Thu hồi đất là gì?

Theo Khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, Thu hồi đất được hiểu là trường hợp Nhà nước ra quyết định thu lại quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất đang thuộc quyền sử dụng đất của người khác, nếu người này có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng đất.

2. Các trường hợp nhà nước thu hồi đất

Người sử dụng đất được thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất,  được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình. Nhà nước quyết định thu hồi đất của người sử dụng đất trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật đất đai 2013, cụ thể như sau:

– Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh;

– Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;

– Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;

– Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

Thứ nhất, Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh. Việc thu hồi đất vì mục đích, quốc phòng, an ninh thường được xác định là thu hồi đất để thực hiện việc xây dựng, tạo dựng các công trình an ninh quốc phòng như nơi đóng quân, trụ sở làm việc của cơ quan công an, quân đội, hoặc xây dựng thành căn cứ quân sự, cảng, ga quân sự, hay kho tang của lực lượng vũ trang; hoặc xây dựng để dựng thành trường bắn, thao trường, khu thử nghiệm hoặc phá bỏ vũ khí quân sự, xây dựng nhà công vụ. Các trường hợp này được quy định cụ thể tại Điều 61 Luật đất đai năm 2013.

Thứ hai, Thu hồi đất nhằm phát triển kinh tế – xã hội, hoặc vì lợi ích quốc gia công cộng. Việc thu hồi đất để nhằm thực hiện các dự án xây dựng trụ sở cơ quan, công trình công cộng – dân sinh, khu đô thị, khu công nghiệp, hay các công trình giao thông, thủy lợi, điện lực và các dự án phát triển kinh tế – xã hội hoặc dự án công trình công cộng khác do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư, hoặc các dự án khác do Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận. Các trường hợp này cũng được quy định cụ thể tại Điều 62 Luật đất đai năm 2013.

Thứ ba, Thu hồi đất do người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Người đang sử dụng đất có thể bị Nhà nước thu hồi đất nếu trong quá trình sử dụng đất có một trong các hành vi vi phạm quy định của luật đất đai được quy định tại Điều 64 Luật đất đai năm 2013, Điều 15, Điều 66, 100 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Thứ tư, Thu hồi đất do người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất, do chấm dứt việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật hoặc do việc sử dụng đất có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người. Việc quyết định thu hồi đất đối với những trường hợp này được thực hiện khi có một trong các căn cứ theo quy định tại Điều 65 Luật đất đai năm 2013, cụ thể gồm các trường hợp:

– Người đang sử dụng đất tự nguyện trao trả đất lại cho Nhà nước.

– Người sử dụng đất là cá nhân bị chết và không có người thừa kế; trường hợp người sử dụng đất là tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì bị giải thể, phá sản, không có nhu cầu sử dụng đất hoặc chuyển địa điểm kinh doanh.

– Đất đang sử dụng nằm trong khu vực bị ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sụt lún, sạt lở, bị ảnh hưởng thiên tai là mối đe dọa tính mạng con người.

– Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng đã hết thời hạn sử dụng đất và không được gia hạn.

3. Thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất

3.1 Thiệt hại hữu hình

Thiệt hại hữu hình là những thiệt hại có thể nhìn thấy được trên thực tế, dễ dàng định lượng và tính toán, xác định được giá trị để bồi thường. Những thiệt hại này gồm:

Thứ nhất, là thiệt hại về đất. Đây là thiệt hại về giá trị quyền sử dụng đất và được Nhà nước bồi thường bằng việc trả lại giá trị quyền sử dụng đất với diện tích đất bị thu hồi. Tuy dễ dàng nhận biết nhưng đây cũng là thiệt hại khó xác định và thường hay xảy ra tranh chấp, khiếu nại nhất do nó gồm nhiều các thiệt hại liên quan khác.

Tại Việt Nam, đất được chia thành 3 nhóm: đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Với việc thu hồi đất ở mỗi nhóm đất đều gây ra những thiệt hại nhất định. Khi thu hồi đất ở và các loại đất liền kề với đất ở, nếu thu hồi toàn bộ thửa đất thì người có đất bị thu hồi sẽ mất đi nơi ở hiện tại, nếu chỉ thu hồi một phần diện tích đất thì người có đất bị thu hồi sẽ hạn chế về nơi ở, không gian sinh hoạt vốn có.

Ngoài ra đất đai còn là mặt bằng kinh doanh, là nơi làm ăn, buôn bán, là nguồn thu nhập chính với nhiều hộ gia đình chuyên cho thuê, nuôi trồng hay chăn nuôi,… Đất còn được sử dụng để đặt trụ sở, xây dựng cơ sở kinh doanh, nhà máy,…là nơi buôn bán, kinh doanh của người sử dụng đất. Việc thu hồi đất trong các trường hợp này sẽ gây mất mát lớn đến việc làm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức và có thể ảnh hưởng đến nhiều người khác do phải di dời đến nơi mới.

Thứ hai, là thiệt hại về chi phí đầu tư vào đất còn lại. Trong quá trình sử dụng đất, người sử dụng đất có những đầu tư vào đất để làm tăng giá trị sử dụng của thửa đất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất như: chi phí san lấp mặt bằng, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực,… đối với đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp; chi phí gia cố khả năng chống rung, sụt lún với đất sản xuất, kinh doanh và các chi phí khác liên quan đến việc đầu tư vào đất tùy theo mục đích sử dụng đất. Thiệt hại về chi phí đầu tư vào đất còn lại có thể được hiểu là những tổn thất về chi phí mà người sử dụng đất đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất nhưng khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành thu hồi đất thì còn chưa thu hồi hết. Việc thu hồi đất trong khi vẫn còn thời hạn sử dụng đất dẫn đến các chi phí này chưa được khai thác hết do đó Nhà nước phải có quyết định bồi thường thiệt hại này.

Thứ ba, thiệt hại tài sản gắn liền với đất. Thiệt hại này bao gồm thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất và thiệt hại về cây trồng, vật nuôi.

Khi thu hồi đất các công trình xây dựng, kiến trúc trên diện tích đất bị thu hồi đều có thể bị thiệt hại toàn bộ hoặc thiệt hại một phần. Thiệt hại toàn bộ là trường hợp khi thu hồi đất phải tháo dỡ toàn bộ hoặc tháo dỡ một phần nhưng phần còn lại không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định pháp luật. Thiệt hại một phần là trường hợp khi thu hồi đất mà công trình chỉ phải tháo dỡ một phần, phần còn lại vẫn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định pháp luật.

Với thiệt hại cây trồng phổ biến là cây lâu năm và cây hằng năm, các loại cây này thường gắn liền với đất nếu đất bị thu hồi sẽ phải thu hoạch sớm hoặc phá bỏ do chưa đến kỳ thu hoạch, làm mất đi giá trị sử dụng và giá trị sinh lời của cây. Còn với vật nuôi khi thu hồi đất sẽ dẫn đến một số thiệt hại như chết vật nuôi, mất vật nuôi do không còn nơi nhốt giữ, giảm giá trị vật nuôi khi đem bán hay thu hoạch,…

3.2 Thiệt hại vô hình

Thiệt hại vô hình là những thiệt hại không thể hiện trực tiếp ở dạng thiệt hại vật chất mà ở những hình thức khác. Tuy nhiên,các thiệt hại vô hình này lại được thể hiện ở những dạng mất mát khác nhau và để bù đắp những mất mát đó, người ta phải tốn kém chi phí, thời gian, công sức. Trong quá trình thu hồi đất có thể dẫn đến các thiệt hại vô hình dưới đây:

Thứ nhất, Thiệt hại về sức khỏe, tinh thần do mất ổn định cuộc sống, việc làm, thu nhập, nơi ở,… Đây là hậu quả trực tiếp mà gia đình người có đất bị thu hồi phải gánh chịu hoặc có thể ảnh hưởng đến khu dân cư có đất bị thu hồi. Ngoài ra, những ảnh hưởng như tiếng ồn, ánh sáng, độ rung, khói, bụi… gây tác động xấu đến sức khỏe, tinh thần người sử dụng đất hoặc làm giảm giá trị bất động sản của họ. Dù vây, việc chứng minh thiệt hại này trên thực tế là khá khó khăn, Luật Đất đai hiện này cũng không quy định về việc xác định đây là thiệt hại được bồi thường mà chỉ có thể giúp đỡ thông qua hỗ trợ về việc làm và nơi ở mới, cũng như các chính sách hỗ trợ khác..

Thứ hai, Thiệt hại đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ an toàn bảo vệ. Trong trường hợp Nhà nước xây dựng công trình công cộng, quốc phòng, an ninh có hành lang bảo vệ an toàn mà không thu hồi đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn thì người sử dụng đất được bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất theo quy định của Chính phủ. Chẳng hạn một số công trình có hành lang bảo vệ an toàn như đường điện cao thế, cầu vượt, các tuyến đường … dẫn đến đất bị giảm giá trị sử dụng hoặc khó khăn trong việc sử dụng đất.

Thứ ba, Ngoài ra còn các thiệt hại khác như thiệt hại về văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng; thiệt hại về giá trị di tích lịch sử.

4. Ý nghĩa việc xác định thiệt hại trong quá trình bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất

Thứ nhất, Xác định thiệt hại trong quá trình bồi thường khi nhà nước thu hồi đất là một bước quan trọng, nền tảng cho cả quy trình tiến hành bồi thường sau đó. Từ trước tới nay, đất đai luôn là tài sản có giá trị lớn của người sử dụng đất, gắn liền với cuộc sống của người dân. Người sử dụng đất có các quyền năng được pháp luật quy định và bảo hộ. Việc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất nhằm trả lại giá trị quyền sử dụng đất bị mất cho người sử dụng đất, bồi hoàn cho người sử dụng đất những thành quả lao động, kết quả đầu tư mà họ bị thiệt hại do việc thu hồi đất gây ra. Việc xác định thiệt hại trước khi bồi thường là yếu tố đảm bảo quyền và lợi ích của người sử dụng đất.

Thứ hai, việc xác định đúng và đầy đủ những thiệt hại của thu hồi đất với người sử dụng đất sẽ hạn chế những tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; góp phần giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội; củng cố niềm tin của nhân dân vào chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế của nhân dân, đúng với chủ trương “dân giàu nước mạnh”.

Trên đây là nội dung về thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất, nếu có những thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp tư vấn pháp luật đất đai, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.

5/5 - (1 bình chọn)