Thủ tục đăng ký xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề

Thủ tục đăng ký xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề sau khi được cấp Giấy chứng nhận lần đầu

Trong thực tế hiện nay, rất nhiều trường hợp người sự dụng đất trong quá trình sử dụng đất bị vây quanh bởi diện tích đất của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác. Nhằm đảm bảo quyền sử dụng đất của người đó một cách trọn vẹn, pháp luật hiện hành cho phép người sử dụng đất được đăng ký xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề. Vậy pháp luật hiện hành quy định về trường hợp này như thế nào? Kính mời Quý khách hàng theo dõi bài viết dưới đây.

1. Khái niệm quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề

Theo Bộ luật Dân sự 2015, quyền đối với bất động sản liền kề được định nghĩa:
Điều 245. Quyền đối với bất động sản liền kề

“Quyền đối với bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền).”

Với các quy định trên có thể hiểu nôm na việc quyền của người sử dụng đất với bất động sản liền kề là một quyền bị hạn chế nhất định. Ví dụ người sử dụng đất có thể đi lại, cấp thoát nước…thông qua các bất động sản này theo thỏa thuận hoặc theo luật định.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 171 Luật Đất đai năm 2013 thì quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề bao gồm:

– Quyền về lối đi.

– Quyền cấp, thoát nước.

– Quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác.

– Quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc.

Lưu ý: Đây chỉ là những quyền phổ biến, trên thực tế có thể phát sinh nhiều quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề khác.

2. Nội dung quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề

Về quyền về cấp thoát nước qua bất động sản liền kề (Điều 252 BLDS năm 2015): Trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy. Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại.

Về quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác (Điều 253 BLDS năm 2015): Người có quyền sử dụng đất canh tác khi có nhu cầu về tưới nước, tiêu nước, có quyền yêu cầu những người sử dụng đất xung quanh để cho mình một lối dẫn nước thích hợp, thuận tiện cho việc tưới, tiêu; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó; nếu người sử dụng lối dẫn nước gây thiệt hại cho người sử dụng đất xung quanh thì phải bồi thường.

Về quyền về lối đi qua (Điều 254 BLDS năm 2015): Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi. Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong mà không có đền bù.

Về quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản khác (Điều 255 BLDS năm 2015): Chủ sở hữu bất động sản có quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản của các chủ sở hữu khác một cách hợp lý, nhưng phải bảo đảm an toàn và thuận tiện cho các chủ sở hữu đó; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

3. Thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề

Căn cứ khoản 8, Điều 9 của Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ địa chính hồ sơ bao gồm:

– Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (theo Mẫu số 09/ĐK).

– Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp của một bên hoặc các bên liên quan.

– Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập hoặc thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề.

– Sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định trên, người sử dụng đất tiến hành thực hiện việc đăng ký theo quy định dưới đây.

4. Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề

Trước khi thiết lập hồ sơ, người sử dụng đất có thể liên hệ Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai hoặc cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn để yêu cầu cung cấp thông tin địa chính liên quan đến việc sử dụng đất (thông tin về  số tờ bản đồ, số thửa, diện tích, loại đất; thông tin về các loại quy hoạch thuộc khu vực sử dụng đất…).

Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ

Căm cứ Điều 60 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, quy định:

– Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của của UBND cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nếu có nhu cầu (Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận thành phần hồ sơ được công bố tại Bộ thủ tục hành chính này).

Trường hợp người sử dụng đất lựa chọn nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì trong thời gian một (01) ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển hồ sơ đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai để giải quyết theo quy định;

– Tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở theo quy định nộp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả và trao Phiếu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cho người nộp hồ sơ.

Bước 2:

– Đối với trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư: trong thời gian bốn (04) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:

+ Kiểm tra hồ sơ;

+ Xác nhận nội dung thay đổi, chấm dứt quyền hạn chế liền kề trên Giấy chứng nhận;

+ Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; chuyển kết quả cho Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả để trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.

– Đối với trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam: trong thời gian sáu (06) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chi Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:

+ Kiểm tra hồ sơ;

+ Xác nhận nội dung thay đổi, chấm dứt quyền hạn chế liền kề trên Giấy chứng nhận;

+ Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; chuyển kết quả cho Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả để trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.

Bước 3: Trong thời gian một (01) ngày làm việc, trả kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đã nộp hoặc qua dịch vụ bưu chính công (nếu người nộp hồ sơ đã đăng ký).

– Thời gian tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ: Trong giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ các ngày lễ, tết).

(Khoản 4 Điều 61 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017).

Như vậy, để thực hiện việc đăng ký xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức cần tuân thủ theo các thủ tục, hồ sơ theo quy định của pháp luật hiện hành. Đối với cơ quan nhà nước cần thực hiện các thủ tục khi đảm bảo các điều kiện, nguyên tắc theo quy định của pháp luật về dân sự và đất đai tránh tình trạng xảy ra tranh chấp, khiếu kiện của người sử dụng đất liên quan đến việc sử dụng hạn chế thửa đất liền kề.

Trên đây là bài viết về Thủ tục đăng ký xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề sau khi được cấp Giấy chứng nhận lần đầu? Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

5/5 - (1 bình chọn)