Các hình thức chào bán hoặc phát hành chứng khoán hiện hành
Câu hỏi: Kính chào Quý luật sư, doanh nghiệp tôi đang có dự định tham gia vào thị trường chứng khoán, tuy nhiên chúng tôi chưa hiểu rõ về những quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này cho lắm. Vậy Quý luật sư có thể tư vấn giúp tôi về các hình thức chào bán hoặc phát hành chứng khoán được không?
Doanh nghiệp xin trân trọng cảm ơn!
(Câu trả lời được biên tập từ mail gửi đến Bộ phận tư vấn pháp luật và thủ tục hành chính của Phamlaw)
Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)
Kính chào Quý khách, cảm ơn Quý khách đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến cho Bộ phận tư vấn pháp luật và thủ tục hành chính của Phamlaw. Về thắc mắc của Quý khách, chúng tôi xin được đưa ra ý kiến tư vấn qua bài viết dưới đây:
Các hình thức chào bán hoặc phát hành chứng khoán hiện hành
Chào bán hoặc phát hành chứng khoán là một trong những phương pháp được sử dụng phổ biến để huy động vốn. Chào bán hoặc phát hành chứng khoán có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ các nhà đầu tư cũng như tiếp cận thị trường vốn trong nước và ngoài nước.
Có hai loại chứng khoán cơ bản nhất được chào bán và phát hành trên thị trường hiện nay là cổ phiếu và trái phiếu. Đối với các doanh nghiệp hoạt động theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn thì không được phép chào bán hoặc phát hành cổ phiếu mà chỉ được phép chào bán hoặc phát hành trái phiếu. Ngược lại với các doanh nghiệp hoạt động theo loại hình công ty cổ phần thì có thể chào bán hoặc phát hành cả cổ phiếu và trái phiếu. Bên cạnh đó cũng không có bất kỳ hạn chế gì về số tiền một công ty cổ phần có thể huy động thông qua giao dịch chào bán hoặc phát hành cổ phiếu. Tuy nhiên việc chào bán hoặc phát hành trái phiếu thì có thể chịu một số hạn chế nhất định liên quan đến tổng số vốn vay của công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn. Theo pháp luật doanh nghiệp Việt Nam, đối với một số ngành nghề kinh doanh nhất định có thể có một số hạn chế về tỷ lệ giữa vốn điều lệ và vốn vay để hạn chế tình trang công ty vay vốn quá nhiều. Ngoài ra thì cũng có một số hạn chế theo hợp đồng đối với việc huy động vốn thông qua việc chào bán hoặc phát hành trái phiếu mà không áp dụng đối với việc chào bán hoặc phát hành cổ phiếu.
Ngoài mục đích huy động vốn, cũng có các trường hợp công ty cổ phần phát hành cổ phiếu nhằm các mục đích khác. Các mục đích này có thể là các trường hợp sau:
- Công ty cổ phần phát hành cổ phiếu để thực hiện các cam kết hiện tại của công ty liên quan các chứng khoán có thể chuyển đổi thành cổ phiếu khi người nắm giữ các chứng khoán này thực hiện quyền chuyển đổi;
- Công ty cổ phần phát hành cổ phiếu mới để hoán đổi thành cổ phiếu của công ty cổ phần khác trong các giao dịch mua bán/sáp nhập công ty;
- Công ty cổ phần phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu khi chia cổ tức bằng cổ phần hoặc phát hành cổ phiếu thưởng;
- Công ty cổ phần phát hành cổ phiếu mới cho người lao động theo chương trình chọn mua cổ phần của người lao động.
Một vấn đề nữa đó là không phải mọi trường hợp giao dịch chào bán hoặc phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc riêng lẻ đều do công ty cổ phần thực hiện. Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/07/2012 của Chính Phủ thì có ba trường hợp chào bán hoặc phát hành cổ phiếu ra công chúng và riêng lẻ mà công ty cổ phần không phải là tổ chức chào bán hoặc phát hành như sau:
Trường hợp thứ nhất, công ty trách nhiệm hữu hạn chào bán cổ phiếu riêng lẻ để chuyển đổi thành công ty cổ phần. Khi công ty trách nhiệm hữu hạn chào bán cổ phiếu riêng lẻ để chuyển đổi thành công ty cổ phần, về bản chất công ty trách nhiệm hữu hạn tại thời điểm phát hành chưa có cổ phiếu để chào bán. Chính vì vậy nên tài sản được công ty trách nhiệm hữu hạn chào bán là quyền đối với các cổ phiếu sẽ được phát hành trong tương lai khi công ty cổ phần hình thành. Người mua quyền này sẽ trả tiền mua cổ phiếu trước khi cổ phiếu được phát hành và trước khi công ty trách nhiệm hữu hạn được chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Trường hợp thứ hai, Chủ sở hữu Nhà nước bán phần vốn Nhà nước nắm giữ ra công chúng. Tương tự như trường hợp trên, trường hợp này tài sản được chủ sở hữu vốn nhà nước chào bán là quyền đối với các cổ phiếu sẽ được phát hành trong tương lai khi công ty cổ phần hình thành. Quá trình này thường áp dụng khi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước là công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần. Như vậy chủ thể phát hành quyền mua cổ phiếu ra công chúng ở đây là chủ sở hữu nhà nước. Do đó tiền thu được từ quá trình bán được trả cho chủ sở hữu nhà nước chứ không phải cho công ty cổ phần đã được chuyển đổi.
Trường hợp thứ ba là cổ đông lớn chào bán phần vốn sở hữu trong các công ty đại chúng ra công chúng. Đây là trường hợp cổ đông lớn chào bán cổ phần hiện hữu chứ không giống với hai trường hợp trên chào bán quyền đối với cổ phiếu sẽ được phát hành trong tương lai. Ở đây người chào bán là cổ đông lớn chứ không phải là công ty cổ phần.
Căn cứ trên phương diện về số lượng nhà đầu tư hoặc phương thức chào bán thì việc chào bán chứng khoán có thể được phân loại thành hai trường hợp là chào bán chứng khoán ra công chúng và chào bán chứng khoán riêng lẻ. về cơ bản, hai trường hợp này khác nhau ở phương thức chào bán (có sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hay không) và số lượng nhà đầu tư (có trên một trăm nhà đầu tư hoặc số lượng nhà đầu tư được chào bán có xác định hay không).
Trên đây là ý kiến tư vấn của Phamlaw về thắc mắc của Quý khách liên quan đến vấn đề Các hình thức chào bán hoặc phát hành chứng khoán hiện hành. Nếu Quý khách còn có vướng mắc hay muốn biết thêm thông tin về các thủ tục hành chính như thành lập doanh nghiệp, thay đổi thông tịn đăng ký kinh doanh, giải thể doanh nghiệp,… xin vui lòng liên hệ với Tổng đài Bộ phận tư vấn pháp luật và thủ tục hành chính của Phamlaw, số hotline 1900. Để sử dụng dịch vụ, Quý khách vui lòng kết nối tới Số hotline: 0973938866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.
> xem thêm:
- thủ tục giải thể công ty tnhh
- thủ tục giải thể công ty tnhh mtv
- hồ sơ giải thể công ty
- Thủ tục, chi phí thành lập và vận hành doanh nghiệp