Kính gửi Gửi các luật sư Phamlaw. Mong được các luật sư tư vấn giúp tôi các trường hợp người chồng bị hạn chế quyền ly hôn theo luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Kính mong các luật sư trả lời giúp tôi, tôi xin được chân thành cám ơn rất nhiều và kính chúc các luật sư sức khỏe, may mắn!
Trả lời: (câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)
Chào bạn,
Trường hợp của bạn Phamlaw xin được tư vấn cho bạn như sau:
Ly hôn là mặt trái của quan hệ hôn nhân, là mặt không thể thiếu khi quan hệ hôn nhân không thể hàn gắn. Trong trường hợp đó ly hôn là việc cần thiết cho cả vợ, chồng và tất cả mọi người trong gia đình. Nó giải quyết được xung đột, mâu thuẫn, bế tắc trong cuộc sống. Thực hiện nguyên tắc hôn nhân tự nguyện và tiến bộ, đảm bảo quyền tự do hôn nhân bao gồm quyền tự do kết hôn của nam, nữ và quyền tự do ly hôn của vợ, chồng. Quyền yêu cầu ly hôn nhằm chấm dứt quan hệ vợ, chồng là quyền nhân thân gắn liền với nhân thân vợ chồng. Chỉ có vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng mới có quyền yêu cầu ly hôn trừ một số trường hợp khác như một trong hai bên tâm thần hoặc không thể nhận thức được hay là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình thì cha, mẹ hoặc người thân thích có quyền yêu cầu Tòa án cho ly hôn. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam có quy định hạn chế quyền ly hôn của người chồng, cụ thể tại Điều 51 Luật HNGĐ 2014.
Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhận Tòa án công nhận hoặc ra quyết định theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng. Tuy nhiên, nhà nước bảo hộ hôn nhân, bảo đảm quyền tự do ly hôn của vợ, chồng, không có nghĩa là nhà nước tùy tiện cho ly hôn khi có yêu cầu. Pháp luật Việt Nam có kiểm soát ly hôn bằng việc đưa ra một số quy định hạn chế quyền ly hôn của người chồng. Đó là trong trường hợp người vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn (Điều 51 Luật HNGĐ 2014). Quy định này xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ phụ nữ và trẻ em, họ là bộ phận yếu thế trong xã hội, nên thường được pháp luật và xã hội đặc biệt quan tâm, bảo vệ. Người phụ nữ trong thời gian mang thai, sinh con hay nuôi con nhỏ, tâm lý họ không được ổn định, nhạy cảm, và dễ xúc động. Liên quan đến vấn đề sức khỏe nên họ dễ thực hiện những hành vi gây hậu quả khó lường.
Những quy định về hạn chế ly hôn của người chồng có một số quy định sau đây:Thứ nhất: việc hạn chế quyền ly hôn chỉ dành cho người chồng chứ không hạn chế yêu cầu ly hôn của người vợ trong mọi trường hợp. Nếu người vợ đang mang thai, đang sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thấy mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng, tình yêu và trách nhiệm không còn, duy trì tình trạng hôn nhân sẽ không đảm bảo đến sức khỏe của mình, của thai nhi, hay của con nhỏ thì người vợ có thể gửi đơn đến Tòa án, và Tòa án sẽ xem xét và giải quyết theo thủ tục chung. Thứ hai,Điều này được áp dụng ngay cả trong trường hợp người vợ đang mang thai với người khác hoặc bố của đứa trẻ là ai thì người chồng vẫn bị hạn chế quyền ly hôn. Điều này cho thấy trong trường hợp người chồng phát hiện vợ ngoại tình và đứa con vợ mình đang mang thai, mới sinh hay dưới 12 tháng tuổi không phải là con của mình thì vẫn bị hạn chế quyền ly hôn tức là không được quyền yêu cầu Tòa án cho ly hôn. Thứ ba, Điều luật quy định người vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì liệu con nuôi của hai vợ chồng thì người chồng có được yêu cầu ly hôn không? Điều này vẫn còn gây bối rối trong việc giải quyết của các Tòa. Có Tòa thì không hạn chế ly hôn của người chồng khi đang nhận con nuôi, vì người vợ không bị tổn hại sức khỏe, tâm lý không bị ảnh hưởng nhiều nên người chồng có quyền yêu cầu ly hôn. Ở đây chỉ xét đến trường hợp con của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Hay Luật HNGĐ mới có quy định về việc mang thai hộ, nếu người vợ vì mục đích nhân đạo, đang trong thời gian mang thai hộ hoặc đang trong thời gian sinh con hộ thì liệu người chồng có được yêu cầu ly hôn không? Luật HNGĐ mới có hiệu lực chưa có văn bản hướng dẫn các trường hợp cụ thể. Căn cứ về nguyên tắc bảo vệ phụ nữ và trẻ em suy ra trong trường hợp người vợ đang mang thai hộ hoặc sinh con hộ, thì người chồng vẫn bị hạn chế ly hôn.
Có thể thấy những quy định về hạn chế ly hôn trong Luật HNGĐ của người chồng hoàn toàn phù hợp với những quy định của pháp luật, thực hiện nguyên tắc bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Do đó, người chồng sẽ bị kiểm soát hạn chế ly hôn trong một số trường hợp luật đã quy định.
Trên đây là câu trả lời của Phamlaw đối với trường hợp của bạn, nếu còn băn khoăn hay vướng mắc bạn và muốn tìm hiểu thêm các quy định pháp luật có liên quan vui lòng kết nối đến Phamlaw, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.
Trân trọng./.