Tư vấn thủ tục thay đổi nội dung đã đăng ký thế chấp

Câu hỏi: Tư vấn thủ tục thay đổi nội dung đã đăng ký thế chấp

Gia đình tôi có một thửa đất rộng 120 m2, tài sản gắn liền với đất là căn nhà cấp 4 diện tích 40 m2. Năm 2016, để vay vốn ngân hàng, gia đình đã thế chấp quyền sử dụng thửa đất trên và căn nhà cấp 4. Đến nay, chúng tôi xây thêm một căn nhà 2 tầng trên diện tích đất còn lại. Vậy xin Luật sư cho biết, chúng tôi có thể gộp căn nhà vào thế chấp cùng quyền sử dụng đất không? Nếu được thì chúng tôi có cần làm thêm thủ tục gì không? Tôi xin cảm ơn Luật sư.

Tư vấn thủ tục thay đổi nội dung đã đăng ký thế chấp
Tư vấn thủ tục thay đổi nội dung đã đăng ký thế chấp

Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Phamlaw.

Thế chấp là một trong những biện pháp bảo đảm theo Bộ luật dân sự 2015. Đối với thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, cần thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi có sự thay đổi về tài sản thế chấp, bên thế chấp có thể phải thực hiện việc thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký. Với trường hợp của bạn, Phamlaw xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Thứ nhất, về thay đổi, bổ sung tài sản thế chấp

Khi thế chấp tài sản, bên thế chấp vẫn có quyền được đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp và quyền này không bị hạn chế. Hiện nay, điều 27 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm chỉ quy định trường hợp bên thế chấp đầu tư vào tài sản thế chấp và dùng tài sản tăng thêm do đầu tư để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác hoặc người thứ ba đầu tư vào tài sản thế chấp và nhận thế chấp bằng chính phần tài sản tăng thêm do đầu tư.

Khoản 12 điều 1 Nghị định 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm bổ sung quy định này. Cụ thể, Nghị định 11/2012/NĐ-CP bổ sung thêm trường hợp bên thế chấp hoặc người thứ ba đầu tư vào tài sản thế chấp nhưng không dùng phần tài sản tăng thêm do đầu tư để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Như vậy, pháp luật dân sự chỉ điều chỉnh trong trường hợp tài sản tăng thêm do đầu tư vào tài sản thế chấp được dùng để thế chấp cho một bên thứ ba khác hoặc không thế chấp. Việc đem tài sản tăng thêm bổ sung vào tài sản đã thế chấp do các bên thỏa thuận và thực hiện với điều kiện không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Do đó, gia đình bạn có thể gộp căn nhà mới xây vào khối tài sản đã thế chấp sau khi thỏa thuận và Ngân hàng đồng ý.

Thứ hai, thủ tục thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký

Khi hai bên thế chấp và nhận thế chấp thỏa thuận và đồng ý với việc bổ sung thêm tài sản thế chấp, thì ngoài việc bổ sung đối tượng của hợp đồng giữa các bên, bên thế chấp còn phải tiến hành thủ tục thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trình tự, thủ tục thực hiện việc thay đổi như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký gồm:

– Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký theo Mẫu số 02/ĐKTĐ ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT của Bộ tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 23/6/2016 hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

– Hợp đồng về việc thay đổi trong trường hợp các bên thoả thuận bổ sung tài sản thế chấp;

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (01 bản chính);

– Văn bản uỷ quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản sao có chứng thực), trừ trường hợp người yêu cầu đăng ký xuất trình bản chính Văn bản ủy quyền thì chỉ cần nộp 01 bản sao để đối chiếu.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người đăng ký nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính – Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, nhận lại phiếu hẹn trả kết quả.

Bước 3: Giải quyết hồ sơ

Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai chịu trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra hồ sơ yêu cầu đăng ký.

–  Trường hợp có căn cứ từ chối đăng ký, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai từ chối đăng ký bằng văn bản và chuyển hồ sơ đăng ký, văn bản từ chối đăng ký cho Bộ phận một cửa để trả lại hồ sơ đăng ký và hướng dẫn người yêu cầu đăng ký thực hiện theo quy định;

–  Trường hợp không có căn cứ từ chối, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đại chứng nhận việc đăng ký thế chấp vào Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp; đồng thời ghi nội dung thế chấp vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, vào Sổ địa chính, Sổ theo dõi biến động đất đai.

Bước 4: Trả kết quả.

Người đăng ký mang theo phiếu hẹn đến nhận kết quả tại Bộ phận một cửa.

Căn cứ pháp lý

– Bộ luật dân sự 2015;

– Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm;

– Nghị định 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm;

–  Luật đất đai 2013;

–  Thông tư liên tịch 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT của Bộ tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 23/6/2016 hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

Trên đây là những ý kiến tư vấn của PHAMLAW về Tư vấn thủ tục thay đổi nội dung đã đăng ký thế chấp. Nếu Quý khách có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với tổng đài tư vấn thủ tục hành chính hoặc bộ phận tư vấn pháp lý chuyên sâu 1900 của PHAMLAW. Để được tư vấn về thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thay đổi thông tin đăng ký thế chấp, xóa thế chấp, các thủ tục đăng ký biến động đất đai khác… Quý khách hàng vui lòng kết nối tới số hotline: 097 393 8866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Xem thêm:

 

Rate this post