Các hoạt động cơ bản của công ty chứng khoán

Các hoạt động cơ bản của công ty chứng khoán

Công ty chứng khoán là Doanh nghiệp được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép để thực hiện một số nghiệp vụ được quy định cụ thể tại Luật chứng khoán 2019. Theo đó, một Công ty chứng khoán sẽ cần phải đáp ứng các điều kiện cụ thể để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán. Vậy các hoạt động cơ bản của công ty chứng khoán là gì? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật chứng khoán 2019

Thông tư 121/2020/TT-BTC

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Công ty chứng khoán là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 121/2020/TT-BTC, công ty chứng khoán là doanh nghiệp được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép thực hiện một, một số nghiệp vụ theo quy định của luật chứng khoán.

Công ty chứng khoán là tổ chức có tư cách pháp nhân hoạt động kinh doanh chứng khoán, bao gồm, một hoặc toàn bộ hoạt động như môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán

2. Đặc điểm của công ty chứng khoán

Công ty chứng khoán là loại hình Công ty kinh doanh có điều kiện, mang tính chất đặc thù, riêng biệt mà khi đáp ứng được các điều kiện của luật định thì mới có thể hoạt động kinh doanh. Vì vậy, đây cũng là đặc điểm khác biệt giữa Công ty chứng khoán so với các loại hình doanh nghiệp khác, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh: Công ty chứng khoán có thể thực hiện nhiều nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán nếu có đủ điều kiện và được Uỷ ban chứng khoán nhà nước cấp giấy phép cho những hoạt động đó. Hoạt động kinh doanh chính, thường xuyên và mang tính nghề nghiệp là kinh doanh chứng khoán, gồm: một số hoặc toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán theo Điều 72 Luật chứng khoán 2019 ( môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán); bên cạnh những nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán thì CTCK còn được cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác.

Thứ hai, Đặc điểm về vốn

Theo quy định tại Luật chứng khoán 2019 thì vốn điều lệ của Công ty chứng khoán phải được góp bằng Đồng Việt Nam. Số vốn điều lệ tối thiểu được quy định như sau:

– Đối với nghiệp vụ môi giới chứng khoán: tối thiểu là 25 tỷ đồng;

– Đối với nghiệp vụ tự doanh chứng khoán: tối thiểu là 50 tỷ đồng;

– Đối với nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán: tối thiểu là 165 tỷ đồng;

– Đối với nghiệp tư vấn đầu tư chứng khoán: tối thiểu là 10 tỷ đồng;

– Ngoài ra, đối với trường hợp Doanh nghiệp có đề nghị cấp phép cho nhiều nghiệp vụ kinh doanh thì số vốn điều lệ tối thiểu là tổng số vốn tương ứng với từng nghiệp vụ theo đề nghị cấp phép.

Thứ ba, về đội ngũ lãnh đạo: Yêu cầu về đội ngũ lãnh đạo trong bất kỳ lĩnh vực nào đều phải có kiến thức chuyên môn, có đạo đức trong kinh doanh, không vi phạm pháp luật và có trình độ quản lý. Yêu cầu về đội ngũ lãnh đạo ở các công ty chứng khoán cũng như vậy. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực chứng khoán, ngoài những yêu cầu trên, đội ngũ lãnh đạo ở các công ty chứng khoán còn phải có chứng chỉ hành nghề và phải có giấy phép đại diện do cơ quan có thẩm quyền cấp. Và yêu cầu đối với đội ngũ lãnh đạo về trình độ học vấn và kinh nghiệm công tác phải cao hơn đội ngũ nhân viên.

Thứ tư, về cơ sở vật chất kỹ thuật:

Khi tiến hành đăng ký hoạt động, công ty chứng khoán phải đáp ứng yêu cầu về trụ sở phù hợp cho việc kinh doanh chứng khoán. Đặc điểm này xuất phát từ đặc điểm của hoạt động kinh doanh chứng khoán là cần phải có sàn giao dịch, ở đó các nhà đầu tư tới để thực hiện giao dịch mua bán chứng khoán cho mình, tiếp nhận thông tin thị trường. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật của công ty chứng khoán còn là hệ thống các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho quá trình truyền lệnh của khách hàng, thông báo kết quả giao dịch cũng như giúp khách hàng kiểm tra số dư tài khoản hoặc tìm kiếm thông tin… Ngoài ra, khi thị trường chưa được phi vật chất hoá chứng khoán thì công ty chứng khoán cũng cần phải đảm bảo điều kiện về hệ thống kho két để đảm bảo lưu giữ an toàn chứng khoán cho các nhà đầu tư.

Thứ năm, về nhân sự:

Căn cứ Khoản 5 Điều 74 Luật Chứng khoán 2019 (Có hiệu lực ngày 01/01/2020) quy định điều kiện về nhân sự của công ty chứng khoán như sau:

Có Tổng giám đốc (Giám đốc), tối thiểu 03 nhân viên có chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp cho mỗi nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán đề nghị cấp phép và tối thiểu 01 nhân viên kiểm soát tuân thủ. Tổng giám đốc (Giám đốc) phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:

– Không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành án phạt tù hoặc bị cấm hành nghề chứng khoán theo quy định của pháp luật;

– Có tối thiểu 02 năm kinh nghiệm làm việc tại bộ phận nghiệp vụ của các tổ chức trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm hoặc tại bộ phận tài chính, kế toán, đầu tư trong các doanh nghiệp khác;

– Có chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính hoặc chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ;

– Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán trong thời hạn 06 tháng gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

– Trường hợp có Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) phụ trách nghiệp vụ thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại các điểm a, b và d Khoản 5 Điều 74 Luật Chứng khoán 2019 và có chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với nghiệp vụ phụ trách.

3. Vai trò của công ty chứng khoán:

Thứ nhất, Đối với doanh nghiệp:

Trên thị trường, nếu doanh nghiệp có xu hướng phát hành cổ phiếu nhằm huy động vốn thông qua kênh chứng khoán, thì các công ty chứng khoán trở thành đơn vị trung gian thực hiện các giao dịch đó. Với vai trò huy động vốn cho doanh nghiệp giúp các giao dịch mua bán thuận lợi và nhanh chóng hơn, các công ty chứng khoán sẽ đóng vai trò tư vấn, bảo lãnh phát hành.

Thứ hai, Đối với nhà đầu tư:

Thông qua hoạt động môi giới, tư vấn đầu tư, các công ty chứng khoán đóng vai trò như cầu nối giao dịch giữa các nhà đầu tư với nhau. Để thực hiện giao dịch trên thị trường chứng khoán, bắt buộc các nhà đầu tư chứng khoán phải có tài khoản giao dịch chứng khoán được mở tại các công ty chứng khoán.

Một số trường hợp, những khách hàng mới tham gia thị trường, các công ty chứng khoán sẽ là kênh cung cấp thông tin hữu ích bao gồm báo cáo phân tích thị trường, phân tích doanh nghiệp và phân tích ngành,…để nhà đầu tư có quyết định sáng suốt nhất cho mình.

Thứ ba, Đối với thị trường chứng khoán:

Các công ty chứng khoán là những thành viên quan trọng chủ chốt của thị trường chứng khoán, do vậy họ cũng góp phần tạo lập giá cả thị trường. Trên thị trường sơ cấp, các công ty chứng khoán cũng sẽ góp phần phát hành và định giá cổ phiếu trước khi phát hành lần đầu ra công chúng.

Trên thị trường thứ cấp, công ty chứng khoán đóng vai trò điều tiết thị trường thông qua hoạt động tự doanh bao gồm cả việc tăng thu nhập cho chính công ty bên cạnh tạo giá trị thanh khoản, điều chỉnh nền giá cổ phiếu.

Thứ tư, Đối với cơ quan quản lý:

Công ty chứng khoán có vai trò cung cấp thông tin trên thị trường chứng khoán. Các thông tin bao gồm thông tin về các cổ phiếu, thông tin giao dịch, cổ tức, dữ liệu về ngành và doanh nghiệp. Từ đó các cơ quan quản lý thị trường có cơ sở dữ liệu tham khảo để có các biện pháp điều chỉnh thị trường hợp lý.

Không những thế, các công ty chứng khoán còn kết hợp với các cơ quan quản lý để kiểm soát thông tin nhà đầu tư, tránh các hành vi sai trái trên thị trường. Công ty chứng khoán được xem là một chế tài chính quan trọng trên thị trường chứng khoán.

4. Các hoạt động chính của công ty chứng khoán

Tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 121/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 quy định về hoạt động của công ty chứng khoán có quy định như sau: “Công ty chứng khoán là doanh nghiệp được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép thực hiện một, một số nghiệp vụ như môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán

Theo đó, Công ty chứng khoán được phép thực hiện một, một số hoặc toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh như:

Thứ nhất, môi giới chứng khoán

Môi giới chứng khoán được hiểu là việc làm trung gian thực hiện mua, bán chứng khoán cho khách hàng như một số hoạt động dưới đây:

+ Nhận ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân; thực hiện phân phối hoặc làm đại lý phân phối chứng khoán; quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán; cung ứng dịch vụ quản lý danh sách người sở hữu chứng khoán cho các doanh nghiệp khác;

+ Cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến; cung cấp hoặc phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán hoặc cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán; cung cấp hoặc phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán; lưu ký chứng khoán; bù trừ và thanh toán chứng khoán; các dịch vụ trên thị trường chứng khoán phái sinh.

Thứ hai, tự doanh chứng khoán

Công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ tự doanh nhằm mục đích thu lợi hoặc đôi khi nhằm mục đích can thiệp điều tiết giá trên thị trường. Chứng khoán tự doanh có thể là chứng khoán niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra công ty chứng khoán có thể tự doanh chứng khoán lô lẻ của khách hàng, sau đó tập hợp lại thành lô chẵn để giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Thứ ba, Bảo lãnh phát hành chứng khoán

Bảo lãnh phát hành chứng khoán là việc tổ chức bảo lãnh phát hành cam kết với tổ chức phát hành thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán, nhận mua một phần hay toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số chứng khoán còn lại chưa được phân phối hết của tổ chức phát hành hoặc hỗ trợ tổ chức phát hành trong việc phân phối chứng khoán ra công chứng.

Thứ tư, Tư vấn đầu tư chứng khoán 

Tư vấn đầu tư chứng khoán  là việc cung cấp cho nhà đầu tư kết quả phân tích, công bố báo cáo phân tích và khuyến nghị liên quan đến chứng khoán.

Ngoài ra, Công ty chứng khoán chỉ được cung cấp dịch vụ tài chính khác phù hợp với quy định của pháp luật sau khi báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước bằng văn bản.

Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw về các hoạt động cơ bản của công ty chứng khoán. Nếu còn vướng mắc, băn khoăn, Quý khách hàng vui lòng kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn. Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)