Bản án tranh chấp về đầu tư (Phúc thẩm)

Số hiệu30/2008/KDTM-PT
Tiêu đềBản án tranh chấp về đầu tư
Ngày ban hành28/01/2008
Cấp xét xửPhúc thẩm
Lĩnh vựcKinh tế

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

TÒA PHÚC THẨM TẠI HÀ NỘI

——————

Bản án số:30/2008/KDTM-PT

Ngày 28/01/2008

V/v: tranh chấp về đầu tư

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự do – Hạnh phúc
———————————-L.8

NHÂN DANH

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TÒA PHÚC THẨM

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HÀ NỘI

Với thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có:

Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa: Ông Bùi Thế Linh;

Các Thẩm phán: Ông Nguyễn Đức Nhận;

Bà Hà Thị Xuyến.

Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Bà Dương Thị Sen, cán bộ Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

Ngày 28 tháng 01 năm 2008, tại trụ sở Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội, xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số71/2007/TLPT-KT ngày 15 tháng 11 năm 2007 về việc tranh chấp về đầu tư.

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số122/2007/KDTM-ST ngày 24-9-2007 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội bị kháng cáo;

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số3775/2007/KDTM-QĐ ngày 21 tháng 12 năm 2007 giữa các đương sự:

*Nguyên đơn: Công ty cổ phần Thái Bình

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: ông Hoàng Anh Tuấn-cán bộ pháp chế của Công ty cổ phần Thái Bình; theo giấy ủy quyền ngày 07-3-2007 của Giám đốc Công ty.

* Bị đơn: Công ty than Hạ Long – Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam

Trụ sở: 127 Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: ông Hoàn Hải Trí, phó Tổng giám đốc, theo Giấy ủy quyền ngày 25-01-2008 của Tổng giám đốc Tổng Công ty.

NHẬN THẤY

Theo đơn khởi kiện của Công ty cổ phần Thái Bình thì ngày 27-5-2002 Công ty cổ phần Thái Bình (sau đây gọi tắt là Công ty Thái Bình) có ký với Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (sau đây gọi tắt là Tổng công ty Lâm nghiệp) “Biên bản thỏa thuận” về việc góp vốn kinh doanh. Theo đó, Công ty Thái Bình sẽ góp 334.000USD tiền vốn, tương đương với giá trị dây chuyền thiết bị lắp ráp xe ô tô tải nhẹ. Tổng Công ty Lâm nghiệp chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng nhà xưởng cũng như làm mọi thủ tục pháp lý cho việc sản xuất, kinh doanh. Sau khi được các cơ quan chức năng kiểm tra, thẩm định và cho phép, hai bên sẽ ký kết hợp đồng cụ thể.

Thực hiện thỏa thuận trên, Công ty Thái Bình đã đóng góp 150.000USD, quy đổi ra tiền Việt Nam là 2.385.108.243 đồng (hai tỷ ba trăm tám mươi lăm triệu một trăm linh tám nghìn hai trăm bốn mươi ba đồng). Đến ngày 16-7-2006, Công ty Thái Bình có công văn số177/CV-TB gửi cho Tổng Công ty Lâm nghiệp thông báo chấm dứt việc bảo đảm giao kết hợp đồng với Tổng Công ty Lâm nghiệp, và yêu cầu Tổng Công ty Lâm nghiệp phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Công ty Thái Bình đã nộp, Tổng Công ty Lâm nghiệp phải cho biết quan điểm trong vòng 10 ngày kể từ ngày Tổng Công ty Lâm nghiệp nhận được công văn trên.

Công ty Thái Bình yêu cầu Tổng Công ty Lâm nghiệp phải trả lại tiền vốn là 2.385.108.243 đồng (hai tỷ ba trăm tám mươi lăm triệu một trăm linh tám nghìn hai trăm bốn mươi ba đồng), lãi quá hạn tính từ ngày 31-7-2006 đến ngày 31-7-2007 là 262.361.000 đồng (hai trăm sáu hai triệu ba trăm sáu mươi mốt nghìn đồng).

Theo Tổng Công ty Lâm nghiệp thì việc góp vốn của Công ty Thái Bình là để hợp tác kinh doanh chứ không phải tiền đặt cọc. Công ty Thái Bình đã vi phạm nghĩa vụ góp vốn, mới chỉ góp 2.385.108.243 đồng (hai tỷ ba trăm tám mươi lăm triệu một trăm linh tám nghìn hai trăm bốn mươi ba đồng), tương đương 150.000 USD, còn thiếu 184.000 USD. Còn Tổng Công ty Lâm nghiệp đã thực hiện xong nghĩa vụ quy định tại biên bản thỏa thuận là xây dựng nhà xưởng, lắp đặt thiết bị, triển khai dự án. Tổng Công ty Lâm nghiệp yêu cầu Công ty Thái Bình góp nốt số tiền vốn để hai bên tiếp tục thực hiện thỏa thuận, ký hợp đồng cụ thể để triển khai dự án. Nếu Công ty Thái Bình không tiếp tục góp vốn, Tổng Công ty Lâm nghiệp cũng đồng ý chấm dứt việc thực hiện thỏa thuận và hoàn trả vốn góp cho Công ty Thái Bình bằng 44% trị giá thiết bị sau khi đã bán được máy.

Công ty Thái Bình cho rằng việc Công ty góp vốn cho Tổng Công ty Lâm nghiệp không phải theo Luật Đầu tư cũng không phải theo Quyết định 38/HĐBT về liên kết kinh tế. Thời điểm Công ty Thái Bình ký kết thỏa thuận với Tổng Công ty Lâm nghiệp thì Tổng Công ty đã nhập dây chuyền máy lắp ráp ô tô có trị giá là 304.000 USD từ tháng 10-2001. Ngoài ra, không có giá trị tài sản nào khác. Công ty Thái Bình có biết Tổng Công ty Lâm nghiệp đang thực hiện dự án nhưng không biết cụ thể như thế nào, và chỉ được Tổng Công ty Lâm nghiệp thông báo là góp vốn 340.000USD.

Nay Công ty Thái Bình chỉ yêu cầu Tổng Công ty Lâm nghiệp hoàn lại vốn đã góp và lãi suất theo theo lãi suất cơ bản là 213.000.000 đồng (hai trăm mười ba triệu đồng). Còn tài sản thuộc Tổng Công ty Lâm nghiệp thì do Tổng Công ty Lâm nghiệp xử lý, vì đến nay chưa có sự kiện pháp lý nào để đưa tài sản đó làm tài sản chung của các bên.

Tổng Công ty Lâm nghiệp cho rằng thỏa thuận ngày 27-5-2002 được ký theo Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế và là một hợp đồng nguyên tắc. Thỏa thuận không ghi thời hạn hiệu lực. Đến tháng 3-2007, hai bên có tranh chấp, thể hiện ở việc Công ty Thái Bình khởi kiện Tổng Công ty Lâm nghiệp đề nghị Tòa án áp dụng Nghị quyết của Quốc hội và căn cứ vào Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế để xử lý thỏa thuận này và cho rằng Công ty Thái Bình đã vi phạm thời hạn góp vốn theo thỏa thuận. Đến khi dự án được Bộ Khoa học công nghệ và môi trường kiểm định cho phép thực hiện thì Công ty Thái Bình lại không góp vốn nữa, nên đã gây thiệt hại cho Tổng Công ty Lâm nghiệp, từ đó cho rằng Công ty Thái Bình phải bồi thường mới đúng. Tổng Công ty Lâm nghiệp đề nghị Công ty Thái Bình tiếp tục góp vốn để có thể triển khai lắp ráp thuê cho đơn vị khác hoặc nhập tiếp thiết bị về tự lắp ráp. Nếu Công ty Thái Bình đơn phương chấm dứt thỏa thuận thì phải phát mại dây chuyển và chia theo tỷ lệ vốn đã góp của Công ty Thái Bình là 44%. Nếu Công ty có thiện chí hơn thì Tổng Công ty Lâm nghiệp sẽ chia theo tỷ lệ khác, không nhất thiết phải theo tỷ lệ như trên, có thể là 65% cho Công ty Thái Bình và 35% cho Tổng Công ty Lâm nghiệp.

Còn về vấn đề bồi thường, trong quá trình giải quyết vụ án, Tổng Công ty Lâm nghiệp chỉ nêu vấn đề mà không nêu yêu cầu cụ thể, và đến nay không yêu cầu bồi thường nữa.

Từ những căn cứ nêu trên, tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm122/2007/KDTM-ST ngày 24-9-2007, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:

Căn cứ điểm m khoản 1 Điều 29; điểm a khoản Điều 34; Điều 159, Điều 131 và Điều 245 Bộ luật tố tụng dân sự;

Căn cứ ĐIều 305 Bộ luật dân sự;

Căn cứ Điều 15, 19 Nghị định 70/CP ngày 12-6-1997 của Chính phủ quy định về án phí;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/TTLT này 19-6-1997 hướng dẫn thi hành án về tài sản,

Xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần Thái Bình với Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam;

Buộc Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam thanh toán cho Công ty cổ phần Thái Bình số tiền là 2.385.108.243 đồng (hai tỷ ba trăm tám mươi lăm triệu một trăm linh tám nghìn hai trăm bốn mươi ba đồng) tiền góp theo “Biên bản thỏa thuận” ngày 27-5-2002 và lãi của số tiền trên là 95.404.320 đồng (chín mươi lăm triệu bốn trăm linh bốn nghìn ba trăm hai mươi đồng).

Bác các yêu cầu khác của các bên đương sự.

Án phí:

Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam phải chịu 29.616.000 đồng (hai mươi chín triệu sáu trăm mười sáu nghìn đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

– Công ty cổ phần Thái Bình chịu 5.700.000 đồng (năm triệu bảy trăm nghìn đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Đối với dự phí đã nộp tại biên lai thu tiền số 1554 ngày 07-3-2007 của Thi hành án quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Công ty cổ phần Thái Bình được hoàn lại 10.300.000 đồng (mười triệu ba trăm nghìn đồng).

Kể từ khi án có hiệu lực, nguyên đơn có yêu cầu thi hành án mà bị đơn chưa trả hết số tiền phải trả thì phải chịu lãi suất theo mức lãi suất tín dụng quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định, trên số tiền chưa trả tương ứng với thời gian chậm trả.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luậtt.

Ngày 15-10-2007, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam kháng cáo với nội dung: đề nghị xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm, qua việc hỏi công khai, nghe các đương sự trình bày và kết quả tranh luận tại phiên tòa; sau khi thảo luận và nghị án,

XÉT THẤY

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện của nguyên đơn, bị đơn có thỏa thuận về việc giải quyết vụ án nhưng không thống nhất được với nhau về điều kiện thanh toán. Vì vậy, đại diện cho nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xét xử phúc thẩm giải quyết theo quy định của pháp luật, còn đại diện có thẩm quyền của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam thì giữ nguyên nội dung kháng cáo đối với bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Đồng thời trình bày chi tiết những nội dung kháng cáo. Theo Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam thì Công ty cổ phần Thái Bình đã vi phạm nghĩa vụ góp vốn theo Biên bản ngày 27-5-2002 ký giữa hai bên, từ đó đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án hợp tác kinh doanh mặt hàng ô tô tải nhẹ. Tổng Công ty cho rằng theo Biên bản nêu trên thì phần nghĩa vụ của Tổng Công ty đã hoàn thành như xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị. Nay dự án không được thực hiện thì lỗi là do cơ chế, chính sách của Nhà nước, Tổng Công ty và Công ty cổ phần Thái Bình không có lỗi. Khi Công ty cổ phần Thái Bình góp vốn là để hợp tác kinh doanh, còn việc sẽ làm Tổng đại lý bán xe ô tô tải nhẹ được sản xuất từ dây chuyền là ưu tiên cho Công ty. Vì rủi ro chung nêu trên nên dây chuyền mà Tổng Công ty đã đầu tư phải được định giá và chia rủi ro cho các bên theo tỷ lệ các bên đã góp vốn. Tổng Công ty cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm quyết định là không đúng. Từ đó đề nghị hủy án sơ thẩm để giải quyết lại như đề nghị của Tổng Công ty.

Xét kháng cáo của Tổng Công ty Lâm nghiệp, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy theo quy định của Luật Khuyến khích đầu tư trong nước 1998, Luật Đầu tư và nội dung Biên bản ngày 27-5-2002 ký giữa hai bên thì đã có việc Công ty cổ phần Thái Bình góp vốn tương đương với dây chuyền thiết bị mà Tổng Công ty Lâm nghiệp trước đó đã mua và thực hiện dự án của mình với trị giá dây chuyền là 344.000USD, theo đó từ ngày 16-6-2002 đến ngày 16-12-2002, Công ty cổ phần Thái Bình đã góp bằng 04 phiếu thu, trị giá bằng tiền mặt, quy đổi ra USD là 150.000USD. Tòa án cấp sơ thẩm xác định đây là quan hệ đầu tư để thụ lý, giải quyết theo điểm m khoản 1 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự là đúng thẩm quyền.

Xét Biên bản thỏa thuận ngày 27-5-2002 ký giữa hai bên thì thấy tại Điều 3 của Biên bản này đã quy định tiến độ góp vốn của Công ty cổ phần Thái Bình. Đây là thỏa thuận về nghĩa vụ có điều kiện, theo đó Công ty sẽ nộp đủ số vốn sau khi được nghiệm thu công trình và dự kiến sẽ vào ngày 30-8-2002. Thực tế đến ngày trên, Công trình theo chính dự án của Tổng Công ty Lâm nghiệp chưa được triển khai và nghiệm thu và Tổng Công ty cũng không thông báo cho Công ty về việc nghiệm thu, về việc góp thêm vốn. Tại Điều 4 của Biên bản thỏa thuận quy định nghĩa vụ của Tổng Công ty, theo đó phải đầu tư nhà xưởng, làm các thủ tục triển khai dự án, ký hợp đồng mua bán thiết bị với Hãng Chan Gan của Trung Quốc vào tháng 6-2001, đầu tư nhà xưởng, lo các thủ tục pháp lý cho đến khi Công ty cổ phần Thái Bình có Văn bản số 177 ngày 16-7-2006 đề nghị chấm dứt thực hiện Biên bản thỏa thuận ngày 27-5-2002, Tổng Công ty Lâm nghiệp đã chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo Biên bản này, hậu quả là mục đích của dự án do Tổng Công ty làm chủ đầu tư không đạt được, trong đó có nguyên nhân khách quan từ cơ chế, chính sách của Nhà nước, song đây là trách nhiệm của Tổng Công ty. Quan điểm của Tổng Công ty cho rằng Công ty cổ phần Thái Bình cũng vi phạm nghĩa vụ là không có căn cứ. Theo hồ sơ vụ án, chính đại diện của Tổng Công ty thừa nhận rằng do nguyên nhân từ phía Tổng Công ty nên dự án không thực hiện được, mục đích góp vốn của Công ty cổ phần Thái Bình chính sẽ làm tổng đại lý mặt hàng xe ô tô tải nhẹ do việc thực hiện dự án của Tổng Công ty. Từ trách nhiệm của Tổng Công ty nếu Hợp đồng dự kiến sẽ ký kết giữa hai bên về nội dung trên đã không được thực hiện, Tòa án cấp sơ thẩm không buộc Công ty cổ phần Thái Bình phải chịu tỷ lệ rủi ro theo dây chuyền sản xuất mà Tổng Công ty trước đó đã đầu tư là đúng.

Tại phiên tòa, đại diện của Tổng Công ty thừa nhận rằng Dự án sản xuất, lắp ráp mặt hàng ô tô tải nhẹ là do Tổng Công ty đề ra và thực hiện. Dây chuyền sản xuất được Tổng Công ty mua bán, lắp đặt trước khi có việc ký kết Biên bản thỏa thuận ngày 27-01-2002. Nguồn vốn mua dây chuyền thiết bị trên là vay ngân hàng từ ngày 17-01-2002. Dây chuyền này vẫn thuộc sở hữu Tổng Công ty. Từ khi nhận vốn góp của Công ty cổ phần Thái Bình, Tổng Công ty không có văn bản nào thông báo về tiến độ dự án. Do đó việc Tổng Công ty cho rằng Công ty cổ phần Thái Bình phải chịu rủi ro về việc thực hiện dự án và kết hợp với mục đích góp vốn của Công ty cổ phần Thái Bình như trên đã nêu thì không có căn cứ để ràng buộc trách nhiệm của Công ty cổ phần Thái Bình. Mặt khác trên thực tế, Tổng Công ty Lâm nghiệp đã sử dụng vốn góp của Công ty cổ phần Thái Bình vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình thì có nghĩa vụ trả lại số vốn góp và lãi suất phát sinh. Tòa án cấp sơ thẩm buộc Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam hoàn trả vốn góp và lãi suất với tổng số tiền bằng 2.480.512.563 đồng cho Công ty cổ phần Thái Bình là có căn cứ. Kháng cáo của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam không được chấp nhận. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện của Công ty cổ phần Thái Bình đã có thiện chí chia sẻ rủi ro cho Tổng Công ty, theo đó chỉ đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm buộc Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam phải thanh toán số tiền là 2.000.000.000 đồng cho Công ty. Xét đề nghị này của Công ty là tự nguyện nên cần chấp nhận, và sửa phần án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm mà các đương sự phải chịu theo quy định của pháp luật.

Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 2 Điều 275 Bộ luật tố tụng dân sự,

QUYẾT ĐỊNH

Không chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam và sửa một phần bản án sơ thẩm. Cụ thể như sau:

Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty cổ phần Thái Bình về việc đề nghị buộc Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam phải thanh toán cho Công ty số tiền là 2.000.000.000 đồng.

Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm. Hoàn trả lại cho Tổng Công ty 200.000 đồng tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo Biên lai số 007780 ngày 16-10-2007 của Thi hành án dân sự Hà Nội.

Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam phải chịu 29.000.000 đồng (hai mươi chín triệu đồng).

Công ty cổ phần Thái Bình không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Hoàn trả lại 16.000.000 đồng tạm ứng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm theo Biên lai số 001554 ngày 07-3-2007 của Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà bên phải thi hành án không thi hành thì hàng tháng phải chịu thêm khoản tiền lãi theo quy định của pháp luật tính trên số tiền và thời gian chậm thi hành án.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

CÁC THẨM PHÁN

Nguyễn Đức Nhận Hà Thị Xuyến

(Đã ký) (Đã ký)

THẨM PHÁN-CHỦ TỌA PHIÊN TÒA

Bùi Thế Linh

(Đã ký)

Rate this post