Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2014

Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2014

Câu hỏi: Kính chào Quý luật sư, kính mong Quý luật sư có thể giải đáp cho tôi một số vấn đề sau: Hiện nay tôi đang là chủ sở hữu của một công ty TNHH một thành viên. Công ty tôi đã hoạt động từ năm 2014 và bây giờ có thêm vài người bạn của tôi cũng muốn tham gia góp vốn để cùng tiến hành công việc kinh doanh. Vậy Quý luật sư cho tôi hỏi bây giờ tôi có thể thực hiện thủ tục gì để thêm những người bạn của tôi vào trở thành thành viên công ty được không? Hay buộc phải giải thể công ty đang hoạt động của tôi để thành lập một công ty mới?

Kính mong được Quý luật sư giải đáp thắc mắc.

(Câu hỏi được biên tập từ mail gửi đến Bộ phận tư vấn thủ tục hành chính của PHAMLAW)

Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2014
Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2014

Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)

Kính chào Quý khách, cảm ơn Quý khách đã gửi câu hỏi đến Bộ phận tư vấn thủ tục hành chính của PHAMLAW. Về câu hỏi của Quý khách, PHAMLAW xin đưa ra câu trả lời như sau:

Công ty của Quý khách đang hoạt động dưới hình thức công ty TNHH một thành viên. Vì vậy Quý khách có nhu cầu thêm một số người bạn vào công ty để cùng góp vốn và tiến hành hoạt động kinh doanh thì không cần phải giải thể doanh nghiệp mà có thể thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Thủ tục giải thể doanh nghiệp chỉ nên thực hiện khi Quý khách không có nhu cầu tiếp tục hoạt động kinh doanh nữa, vì đây là thủ tục phải thực hiện nhiều công đoạn với các Cơ quan Nhà nước, sẽ gây tốn thời gian, tiền bạc và công sức của Quý khách. Trong trường hợp này, Quý khách hoàn toàn có thể lựa chọn thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Với trường hợp Quý khách đã thực hiện đăng ký thành lập với hình thức công ty TNHH một thành viên thì Quý khách có thể lựa chọn chuyển đổi doanh nghiệp mình thành công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần. Hai hình thức này đều có thể giúp Quý khách và những người bạn của mình cùng tiến hành hoạt động kinh doanh. Nếu Quý khách chưa biết nên chọn loại hình doanh nghiệp nào, chúng tôi xin chỉ ra sự khác biệt giữa hai loại hình doanh nghiệp này để Quý khách có thể đưa ra lựa chọn phù hợp cho mình.

Công ty TNHH hai thành viên và công ty cổ phần về cơ bản có những điểm khác biệt như sau:

Thứ nhất, công ty TNHH hai thành viên và công ty cổ phần có sự khác nhau về số lượng thành viên. Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 47 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về số thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên: “Thành viên có thể là tổ chức, các nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50”. Tuy nhiên về số lượng thành viên công ty cổ phần được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 110 Luật doanh nghiệp 2014 như sau: “Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa”. Vì Quý khách chưa nói rõ trong câu hỏi là có bao nhiêu người bạn muốn cùng tham gia góp vốn, vì vậy chúng tôi chưa thể tư vấn rõ cho Quý khách là Quý khách có thể chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp nào. Tuy nhiên theo quy định trên nếu số lượng thành viên tham gia góp vốn từ 3 thành viên trở lên thì Quý khách có thể lựa chọn chuyển đổi công ty sang hình thức công ty TNHH hai thành viên hoặc công ty cổ phần, còn nếu số lượng thành viên góp vốn ít hơn 3 thì Quý khách chỉ có thể chuyển đổi công ty sang loại hình công ty TNHH hai thành viên.

Thứ hai, công ty TNHH hai thành viên và công ty cổ phần có sự khác biệt về vốn góp. Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 110 Luật doanh nghiệp 2014 về vốn của công ty cổ phần thì: “vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau được gọi là cổ phần”. Ngược lại vốn doanh nghiệp của công ty TNHH hai thành viên trở lên không được chia thành cổ phần mà được chia theo tỷ lệ phần trăm vốn góp mà thành viên góp vốn vào công ty.

Thứ ba, sự khác biệt về khả năng huy động vốn. Vì đặc điểm này nên loại hình công ty cổ phần hiện nay đang được nhiều  doanh nghiệp lựa chọn sử dụng hơn, bởi lẽ công ty cổ phần có thể huy động vốn qua hoạt động phát hành cổ phần. Tuy nhiên công ty TNHH hai thành viên thì không thể thực hiện được hoạt động này. Đây là một điểm hạn chế của công ty TNH hai thành viên so với công ty cổ phần mà Quý khách cần phải lưu ý.

Thứ tư, hai loại hình doanh nghiệp này khác nhau trên phương diện chuyển nhượng vốn. Việc chuyển nhượng vốn của công ty TNHH hai thành viên được quy định khá chặt chẽ, trong các quy định tại Điều 53, 54 và 55 Luật doanh nghiệp 2014. Ngược lại, công ty cổ phần có thể chuyển nhượng phần vốn góp dễ dàng hơn do cổ đông được phép tụ do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp cổ đông sáng lập  chuyển nhượng cổ phần ưu đãi và cổ phần phổ thông. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 119 Luật doanh nghiệp 2014 thì:

“3. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.

  1. Các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các hạn chế của quy định này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty”.

 Như vậy hạn chế này của công ty cổ phần cũng sẽ chấm dứt sau thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty đăng ký thành lập doanh nghiệp. Đây cũng là một ưu điểm của loại hình công ty cổ phần mà Quý khách nên xem xét.

Nói tóm lại, trường hợp của Quý khách khi muốn thêm thành viên công ty thì không cần phải thực hiện thủ tục giải thể rồi thành lập công ty mới mà có thể thực hiện thủ tục chuyển đổi hình thức doanh nghiệp. Hai loại hình doanh nghiệp mà Quý khách có thể lựa chọn để chuyển đổi ở đây là công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần. Tùy vào tính chất, đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp mà Quý khách có thể lựa chọn loại hình phù hợp với hoạt động kinh doanh của công ty mình.

Trên đây là câu trả lời tư vấn về câu hỏi của Quý khách của PHAMLAW về nội dung Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2014. Nếu Quý khách còn vướng mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với bộ phận tư vấn thủ tục hành chính của PHAMLAW, số hotline 1900. Để sử dụng dịch vụ chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, Quý khách hàng vui lòng kết nối tới Số hotline 0973938866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

————————-

Phòng tư vấn pháp luật chuyên sâu – Phamlaw

Xem thêm

 

Rate this post