Nhớ mãi ngày độc lập năm ấy

Cách đây 69 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lịch sử dân tộc Việt Nam đã bước sang trang mới, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do.

Ngày 2.9.1945

Với những người dân Thủ đô đã từng có mặt tại Hà Nội khi ấy, những ngày đầu được làm người dân tự do là ký ức không thể nào quên. Và với những người đã từng tham gia vào Liên đội Thiếu niên Tiền phong Hà Nội năm đó, những ngày tháng ấy dường như vừa mới diễn ra hôm nào.

Đặng Kim Thanh – cô tiểu thư tham gia cách mạng

Mặc dù đã 82 tuổi, nhưng bà Đặng Kim Thanh vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát và thân thiện, dễ gần. Nhắc đến những ngày đầu tham gia cách mạng, tham gia vào Liên đội Thiếu niên Tiền phong Hà Nội (năm 1945), đôi mắt bà ánh lên niềm vui, niềm tự hào, vẹn nguyên như thể chuyện mới chỉ xảy ra chưa lâu.

Ba-dang-kim-thanh

Bà Thanh chậm rãi kể: “Tôi sinh trưởng trong một gia đình giàu có ở Hà Nội, lớn lên trong sự nuông chiều của gia đình. Thời gian cứ êm đềm trôi cho đến tháng 8/1945, cách mạng bùng nổ đã làm thay đổi nếp nghĩ, nếp sống của người Hà Nội. Tôi, từ một cô tiểu thư quen sống trong nhung lụa, đang là nữ sinh trường Phan Chu Trinh cũng đã thay đổi gần như hoàn toàn, cùng với một số bạn cùng trang lứa tham gia vào Liên đội Thiếu nữ Tiền phong Hà Nội. Khi ấy, tuy mới 14 tuổi, nhưng trông tôi chững chạc hơn chúng bạn, nên được phân công làm Đội trưởng Đội Thiếu niên Tiền phong phố Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông)”.

Bà Thanh nhớ lại: Những ngày sau khi giành chính quyền thắng lợi, Hà Nội khắp nơi đều tưng bừng, rộn rã. Đâu đâu cũng nghe tiếng đàn, tiếng hát. Các thành viên trong Đội Thiếu niên Tiền phong được các anh trong đội tự vệ Thành hướng dẫn học bắn súng, chơi trận giả và tham gia những công việc nhỏ giúp các anh chị lớn.

Cho đến tận bây giờ, mỗi khi đến ngày họp mặt, các thành viên của Đội thiếu niên Tiền phong phố Phúc Kiến do bà Thanh làm đội trưởng khi đó vẫn nhớ như in tiếng hô tập đi đều bước dõng dạc, mạnh mẽ của cô tiểu thư Đặng Kim Thanh: “Một hai, một hai – Đứng lại, đứng”. Rồi một hàng dài các cô gái ăn mặc đẹp đẽ, đầu đội mũ ca nô… răm rắp tuân theo các hiệu lệnh được phát ra. Nhớ những ngày tập vở kịch Quán Thăng Long của Lưu Quang Thuận, các thiếu nữ Hà thành đóng vai các cô hàng rượu, mặc quần áo nâu sòng chuốc rượu cho binh sỹ của tướng địch Sái Khấp Đô say mèm…

Không bao giờ bà Thanh có thể quên được ngày mùng 2/9/1945. Từ sáng sớm, cả Hà Nội đã rộn ràng, tưng bừng trong không khí của ngày hội lớn. Người dân Hà Nội từ khắp nơi đổ ra đường, hướng về phía Quảng trường Ba Đình, nơi Bác Hồ sẽ đọc Tuyên ngôn độc lập. Các thành viên trong đội còn nhỏ, nhưng cũng rủ nhau đi xem. Đường phố đông nghịt người, mọi người vừa đi vừa hô khẩu hiệu, vừa hát vang những bài ca cách mạng. “Tôi nhớ nhất có anh thanh niên, vừa đi vừa đánh đàn ghi ta trên đường đón đoàn quân tiến về Quảng trường Ba Đình. Nhớ cả hình ảnh ba tôi, ông Đặng Trần Mẫn, trước đó là một viên chức làm việc cho Pháp, nhưng khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông đã giác ngộ, ngày hôm đó cũng ra đường vẫy tay chào đón đoàn quân tiến vào Thủ đô. Đến nay, trong những thước phim tư liệu vẫn còn thấy hình ảnh của ông đứng vẫy tay chào đoàn vệ quốc quân trở về đấy” – bà Thanh tự hào khoe.

Bà Thanh tâm sự: “Những hình ảnh của Cách mạng tháng Tám, và quang cảnh ngày mùng 2/9/1945 ấy đã tác động rất nhiều đến suy nghĩ và hành động của chúng tôi sau này. Nhóm các thành viên trong Đội Thiếu niên Tiền phong của chúng tôi đã cố gắng tham gia những việc từ nhỏ đến lớn để góp phần bảo vệ đất nước. Năm 1946, Ngày toàn quốc kháng chiến, mọi người có chủ trương đi sơ tán ra ngoại thành, tôi đã xin phép gia đình ở lại Hà Nội, làm trong Đội Tuyên truyền thanh niên khu Đông thành, Liên khu 1, làm nhiều việc từ rải truyền đơn, tiếp tế cơm nước cho các anh chị lớn tuổi đang làm nhiệm vụ. Đó quả là những ngày tháng tuổi trẻ tuyệt đẹp và vô cùng đáng nhớ đối với tôi cũng như tất cả các chị em trong Đội Thiếu niên Tiền phong Hà Nội lúc bấy giờ”.

Nhà văn Hồ Phương: Ngày vui chưa từng có bao giờ

Sinh năm 1930, ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Thiếu tướng – nhà văn Hồ Phương vừa tròn 15 tuổi. Ở tuổi đó, ông đã giấu gia đình, bỏ học trường Bưởi, trường học nổi tiếng lúc bấy giờ để sang học ở trường Phan Chu Trinh (Hà Nội), chỉ để theo các bạn tham gia những hoạt động cách mạng.

Nhà văn Hồ Phương kể: “Lúc đó còn trẻ, chưa hiểu biết nhiều, cứ theo các bạn mà đi thôi, chứ có được kết nạp một cách chính thức đâu. Nhưng mà khi đó, ở đâu cũng nghe nói đến phong trào Việt Minh, lúc đó Việt Minh đang thắng lớn, lại thấy toàn các bạn học, các anh chị học sinh, sinh viên lớn tuổi hơn, rồi cả các giáo sư đang dạy học, các viên chức, cả các nhà buôn đều tham gia khởi nghĩa, giành chính quyền, chứ không phải là “một nhóm trí thức dở hơi” như nhiều người vẫn nói trước đó, nên tôi ngưỡng mộ lắm, phục lắm”.

Đến giờ, nhà văn Hồ Phương vẫn nuối tiếc vì đã không có mặt ở Hà Nội trong ngày 19/8, ngày khởi nghĩa giành chính quyền, bởi trước đó mấy hôm, ông về Thái Bình, nơi cha ông đang làm việc. Ngày 20/8 ông mới về Hà Nội. “Hà Nội lúc đó vẫn còn nguyên không khí đông đúc, tưng bừng, náo nhiệt, còn nguyên không khí vui tươi, phấn khởi vì đã giành chính quyền thành công. Tôi còn nhớ, có anh thanh niên vui sướng quá, cứ cởi phăng cả áo rồi lăn mình trên những đám cỏ” – nhà văn Hồ Phương vui vẻ nhớ lại.

Sau khi trở về, ông chuẩn bị cho mít tinh khối thanh niên, phụ nữ. “Những ngày đó, khắp nơi sống trong không khí hội hè, một thứ hội hè vô cùng khác lạ. Chúng tôi ăn cơm khắp thiên hạ. Mọi người sống với nhau chan chứa tình cảm. Lúc ấy, nghe tiếng gọi đồng chí, đồng bào vang lên thân thiết lắm, nghe thiêng liêng và xúc động vô cùng” – nhà văn Hồ Phương xúc động kể.

Bên cạnh việc tham gia đoàn thanh niên, nhà văn Hồ Phương còn tham gia tập hát những bài hát như “Du kích ca”, “Hừng đông”, “Diệt phát xít”… Ông còn cùng một nhóm thanh niên tham gia biểu diễn hoạt cảnh “Đánh giặc dưới Hồ Gươm” cùng nhóm học sinh của trường Bưởi, trường Phan Chu Trinh, người dân kéo đến xem đông nghịt.

Nhà văn Hồ Phương nhớ lại: “Đêm trước ngày 2/9/1945, cả Hà Nội dường như không ngủ. Ai cũng háo hức vì sắp được nhìn thấy Bác Hồ, người mà trước đây mọi người mới chỉ được nghe nói đến thôi, chứ có mấy ai được nhìn thấy đâu. Đến sáng ngày 2/9/1945, Hà Nội tưng bừng không khí của ngày hội lớn. Cả Hà Nội rực rỡ cờ, hoa và biểu ngữ. Từ mọi nẻo đường, hàng vạn người đổ về vườn hoa Ba Đình để dự ngày lễ thiêng liêng nhất của dân tộc trong lịch sử Việt Nam. Dòng người vừa đi vừa hô vang: “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Ủng hộ Việt Minh!”. Khắp nơi vang lên các hát các bài “Diệt phát xít”, “Du kích ca”, “Tiến quân ca”… Đến Quảng trường, ai ai cũng háo hức ngước nhìn lên lễ đài chờ đợi giây phút Bác Hồ xuất hiện, vì còn nhỏ, nên tôi đã len lỏi vào nơi gần nhất có thể để được nhìn Bác rõ hơn”.

Cho đến tận bây giờ, nhà văn Hồ Phương vẫn còn nhớ như in, vóc dáng, cốt cách cao quý nhưng vô cùng gần gũi của Bác Hồ khi xuất hiện trên khán đài ở Quảng trường Ba Đình ngày hôm đó. Lúc đó, Người mặc bộ quần áo ka ki, đi dép cao su, vô cùng giản dị. “Khi nghe Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuy mới 15 tuổi, nhưng tôi đã cảm thấy có một cái gì đó thiêng liêng lắm, tin tưởng lắm, dường như thấy yên tâm hơn, tin tưởng hơn về cuộc sống sau này… Khi Bác đọc lời thề: ‘Toàn thể nhân dân Việt Nam thà chết không chịu làm nô lệ’, tôi cũng hô vang câu ‘Xin thề’ theo biển người dự mít tinh hôm đó…”, nhà văn Hồ Phương bồi hồi kể lại.

Trong câu chuyện kể về kí ức của mình trong ngày 2/9/1945, nhà văn Hồ Phương có nhắc đến ông bác họ tên là Nguyễn Bá Tạ, khi đó đã cao tuổi lắm, khoảng 80 tuổi, làm ăn buôn bán ở tận Lạng Sơn, ngày 2/9 ông cũng về Hà Nội, bảo con cháu dìu đến buổi lễ mít tinh tại Quảng trường Ba Đình. Khi trở về nhà, ông ngồi mệt lả, nhưng tâm trạng thì vui lắm, cứ ngồi trên ghế gật gù, lẩm bẩm: “Đúng là vui thật, không ngờ trước đây mình toàn làm đầy tớ, nô lệ, giờ mình cũng được độc lập, tự do nhỉ!”. “Tôi và đám trẻ con, thiếu niên trong phố thì vui hơn, vì ngày hôm đó, cả khu phố tôi ở (phố Lò Sũ hiện nay) nhà nào cũng làm mâm cơm cúng, hay có chút bánh kẹo thắp nén hương kính báo Tổ tiên là nước mình đã được độc lập, tự do, thế nên chúng tôi được một bữa đánh chén ra trò” – nhà văn Hồ Phương vui vẻ kể lại.

Nhà văn Hồ Phương tâm sự, những gì ông chứng kiến, được tham gia trong những ngày mùa thu tháng Tám, trong ngày lễ Quốc khánh mùng 2/9/1945 đã để lại trong ông những ấn tượng vô cùng sâu sắc. Đó cũng là khởi nguồn cho ông sáng tác những tác phẩm văn học, những truyện ngắn, những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng sau này, được nhiều bạn đọc biết đến.

Nguồn: Báo tin tức

Rate this post