Làm sao để giám định được di chúc giả ?

Email: vanquang.ptpp@…..

Xin chào các Luật sư, các Luật sư cho tôi hỏi: tôi có câu hỏi về trường hợp nghi ngờ bản Di chúc của người đã chết để lại là giả mạo thì có thể đến cơ quan nào để giám định, với trường hợp sự việc chưa được tòa án thụ lý và chỉ mới được giải quyết ở xã

Kính mong công ty tư vấn và trả lời giúp tôi.

Chân thành cảm ơn.

Với câu hỏi của bạn Phamlaw xin được trả lời như sau (câu trả lời chỉ mang tính tham khảo):


Trước hết, vụ án liên quan đến di chúc chính là vụ án về tranh chấp di sản thừa kế. Theo qui định, nếu bản di chúc bị tuyên là vô hiệu – tức là không có giá trị pháp lý, thì xem như là không có tờ di chúc nữa. Khi đó, di sản sẽ được “chia theo qui định của pháp luật”. Tức là các đồng thừa kế (ở hàng thứ nhất là : vợ, chồng, con) sẽ được hưởng mỗi người một kỷ phần bằng nhau.

Qua đó, có thể thấy hậu quả của việc bản di chúc được/bị Tòa tuyên là “có giá trị” hay “không có giá trị” (vô hiệu) là hoàn toàn khác nhau. Chính vì vậy, các vụ án liên quan đến việc “tranh cãi” về giá trị của bản di chúc thường khá phức tạp, gay cấn và chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ.

Để xác định một bản di chúc là giả mạo hay không (theo nghĩa “giả mạo” tức là vô hiệu, không có giá trị), thiết nghĩ có nhiều cách. Trong đó, việc giám định chỉ là một trong những biện pháp mang tính kỹ thuật mà thôi.

Theo qui định của pháp luật, di chúc là một văn bản, thể hiện ý chí/ý nguyện của người có tài sản, để lại tài sản của mình cho một hay nhiều cá nhân/tổ chức nào đó. Di chúc phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm người lập di chúc qua đời.

Về nguyên tắc, bản di chúc phải bảo đảm những nguyên tắc cơ quan sau đây: Do chính người có tài sản lập, trong trạng thái tinh thần minh mẫn, tự nguyện (không bị ai ép buộc). Ngoài ra, về hình thức phải rõ ràng, không bị tẩy sửa, có chữ ký hay dấu lăn tay của người lập di chúc, nội dung di chúc không được trái với qui định của pháp luật…

Để chứng minh một tờ di chúc là giả mạo hay “không có giá trị”, người ta thường tìm ra một trong những “kẽ hở” liên quan đến những vấn đề như tôi nói ở trên. Chẳng hạn như chứng minh tại thời điểm lập di chúc, người viết di chúc không còn minh mẫn; câu chữ trong tờ di chúc mâu thuẫn, khó hiểu, bị sửa chữa, bôi xóa; chữ ký trong tờ di chúc không phải là chữ ký của người lập di chúc … vv và vv…

Để chứng minh các vấn đề trên, có nhiều nội dung không nhất thiết phải cần giám định như câu hỏi của anh. Thông thường, đối với di chúc người ta chỉ giám định chữ ký hay dấu vân tay mà thôi. Còn chữ viết thì không mang ý nghĩa quan trọng, vì người lập di chúc có thể nhờ người khác viết dùm hay đánh máy vi tính chẳng hạn.

Còn việc giám định sẽ được thực hiện ở giai đoạn vụ việc đã đưa ra tòa án. Khi đó, bên phản bác giá trị của bản di chúc sẽ phải làm Đơn yêu cầu giám định gửi cho Tòa án. Trên cơ sở đó, Tòa án sẽ ra quyết định trưng cầu giám định – chẳng hạn là đối với chữ ký trên tờ di chúc. Thông thường, cơ quan giám định là cơ quan thuộc Bộ công an, của Nhà nước.

Theo qui định, xã chỉ có chức năng hòa giải chứ không có thẩm quyền giải quyết các vụ tranh chấp dân sự. Do vậy, trong giai đoạn “ở xã” như anh nêu thì chưa thể tiến hành giám định. 

Trên đây là câu trả lời của Phamlaw đối với trường hợp của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể kết nối trực tiếp đến Phamlaw, chúng tôi rất sẵn lòng để giải đáp mọi vướng mắc của bạn.

Trân trọng./.

5/5 - (2 bình chọn)