Năm 2015 đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong tư pháp Việt Nam. Bắt đầu kể từ ngày 1/1/2015 một số chính sách pháp luật quan trọng sẽ có hiệu lực pháp luật.
Được phép mang thai hộ
Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi có hiệu lực từ 1.1.2015, chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Bên nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện như: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Người được nhờ mang thai phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc chồng; từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có hôn nhân thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.
Người mang thai hộ phải tuân thủ quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị các bất thường và những dị tật của bào thai. Đồng thời vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định. Người nhờ mang thai phải có nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ Y tế.
Một điểm đáng lưu ý, Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi vẫn “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
Việt Nam miễn thị thực cho công dân 7 nước
Bảy nước được miễn thị thực khi nhập cảnh gồm: Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan.
Các công dân này sẽ được miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú tại Việt Nam không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chính sách trên được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 1.1.2015 đến hết ngày 31.12.2019 và sẽ được xem xét, gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Việt Nam hiện nay đang áp dụng hệ thống miễn thị thực trong thời hạn 30 ngày cho khách du lịch đến từ các nước ASEAN (trừ Brunei trong thời hạn 14 ngày).
Lương tối thiểu tăng đến 400.000 đồng/tháng
Từ 1/1/2015, Nghị định của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động chính thức có hiệu lực. (Đây là mức lương dành cho người lao động làm việc ở doanh nghiệp, không phải dành cho công chức, viên chức…).
Theo đó, lương tối thiểu tại vùng 1 (gồm các quận và một số huyện của Hà Nội, TP HCM, một số quận, huyện thuộc Hải Phòng; Thành phố Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; một số huyện, thành phố thuộc tỉnh Đồng Nai, Bình Dương) sẽ tăng 400 nghìn đồng so với năm 2014 lên 3,1 triệu đồng/tháng.
Vùng 2 tăng từ 2,4 triệu đồng/tháng lên 2,75 triệu đồng/tháng; vùng 3 tăng từ 2,1 triệu lên 2,4 triệu đồng/tháng; vùng 4 tăng từ 1,9 triệu lên 2,15 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mức lương mới này cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250 nghìn-400 nghìn đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu vùng như trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương.
Bắt buộc phải đóng bảo hiểm y tế
Theo Luật sửa đổi, các thành viên trong hộ gia đình (trừ trường hợp đã tham gia BHYT theo HĐLĐ, theo chế độ với người có công, bảo trợ xã hội, HSSV…) sẽ phải tham gia BHYT. Cụ thể, người thứ nhất của hộ phải đóng bằng 6% mức lương cơ sở. Người thứ hai, ba, tư phải đóng bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi sẽ đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, đại diện hộ gia đình sẽ phải đóng đủ số tiền thuộc trách nhiệm của hộ vào quỹ BHYT.
Luật này được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2014 và có hiệu lực từ 01/01/2015.
Chủ tịch công ty, tổng giám đốc thuộc diện tinh giản biên chế
Theo Nghị định quy định về chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ, từ 10.1.2015, chủ tịch công ty, tổng giám đốc, giám đốc, kế toán trưởng… đều nằm trong diện tinh giản biên chế.
Các trường hợp như: Chủ tịch công ty, thành viên hội đồng thành viên, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu…
Các vị trí trên thuộc diện tinh giản biên chế nếu dôi dư do thực hiện cổ phần hóa, giao, bán, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bỏ quy định cấm kết hôn đồng giới
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 sẽ thay thế Luật Hôn nhân và gia đình 2000.
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” nhưng có quy định cụ thể: “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” (khoản 2 Điều 8). Tuy nhiên, Luật vẫn quy định “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” (khoản 2 Điều 8). Như vậy, những người đồng giới tính vẫn có thể kết hôn, nhưng sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra. Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nâng độ tuổi kết hôn lên đủ 18 tuổi đối với nữ và đủ 20 tuổi đối với nam.
Hợp đồng mùa vụ cũng phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Doanh nghiệp chỉ cần ký kết hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc thay vì trước đây chỉ doanh nghiệp sử dụng từ 10 lao động trở lên mới phải tham gia.
Ngoài ra, theo Luật mới, điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp của NLĐ cũng khác nhau tùy thuộc thời hạn ký kết hợp đồng lao động. Cụ thể, đối với lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn và thời hạn từ đủ 12 tháng thì phải có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi mất việc. Nếu làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 3 đến dưới 12 tháng thì phải có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 36 tháng.
Những chính sách cơ bản này đã có hiệu lực bắt đầu kể từ ngày 1/1/2015
Nguồn: Tổng hợp và sưu tầm