BÌNH LUẬN VỀ CHẾ ĐỊNH TÀI SẢN TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ VIỆT NAM

Ngày 21/09/2012 TANDTC đã ban hành công văn 141/TANDTC-KHXX về việc hướng dẫn tòa án các cấp từ chối thụ lý giải quyết đối với các vụ việc khởi kiện đòi lại Giấy chứng nhận sở hữu tài sản cũng như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ các cá nhân, tổ chức mà đẩy sang cơ quan hành chính hoặc công an giải quyết. Trong đó nêu ra căn cứ, nguyên do của việc tại sao quy định như vậy. Đối với công văn này, ngay khi ban hành ra đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân cũng như một số luật sư. Công văn này mang nội dung quy phạm pháp luật và có quy định ngược khoa học pháp lý, sai bản chất của cách hiểu thông thường.

>>> Tư vấn pháp luật miễn phí

Tôi xin giải thích vì sao lại có Công văn 141 với nội dung như thế:

Thứ nhất, khái niệm tài sản quy định tại Điều 163 BLDS 2005 hoàn toàn không đủ nội hàm để đảm nhiệm hết các khía cạnh của tài sản. Nó là khái niệm vớt vát được từ các khái niệm của Luật DS LB Xô Viết cũ trước đây, và tham khảo khái niệm tài sản của một số nước khác nữa (Bộ luật Quebéc Canada) và sau khi loại trừ, lược bớt thì ra được khái niệm tài sản không giống ai như đã nêu. Xin nói với các bạn một điều rằng, QSDĐ là một quyền, là tài sản (bất động sản vô hình) và được thể hiện qua một tấm giấy gọi là GCNQSDĐ (ghi nhận ai là chủ tài sản đó – tài sản ở đây là quyền). Vì đất đai là tài sản của toàn dân, không phải đối tượng sở hữu của người sử dụng, vì vậy quyền SD đất chính là một tài sản (tài sản đặc biệt), nó không có đối tượng để sở hữu như các vật thông thường khác mà chỉ có đối tượng để thực hiện quyền của chủ sử dụng mà thôi. Nó định giá được bằng tiền, và là tài sản có giá trị lớn. Nếu bạn không có GCN QSDĐ thì bạn không thể thực hiện được các giao dịch với người thứ 3 (bị treo quyền) đối với tài sản bạn đang có (là quyền sử dụng đất). Vì thế, phải hiểu rằng, đối tượng của quyền sở hữu và quyền sở hữu là 2 mặt không thể tách rời của tài sản. Đối với các tài sản là vật hữu hình thì phải gắn với việc sở hữu của một chủ thể nào đó, không thể tách rời vật mà không có sở hữu được. Vì vậy, Tòa án hướng dẫn không thụ lý việc đòi lại các GCN QSH, QSDĐ là trái luật và vi hiến, vì Tòa án đã hiểu một cách máy móc rằng, các giấy tờ ghi danh đó là vô giá trị (không định giá được bằng tiền, có thể làm lại nếu mất, hỏng, bị chiếm giữ trái phép), vì Tòa án quy chiếu về Điều 163 BLDS (có 4 loại tài sản) cũng như Điều 8 Luật các Công cụ chuyển nhượng (quy định về giấy tờ có giá), và không thấy nó ở dạng tài sản nào nên phủ nhận nó không phải là tài sản. Bởi ở Việt Nam chưa có học thuyết nào về tài sản, chưa có cách hiểu thực sự, chưa có một trường phái để có thể bóc tách hết bản chất của tài sản, bởi vậy mà Tòa án mới “vứt” đi một mặt của tài sản. GCN QSH, GCN QSDĐ tài sản chính là phần thể hiện, phần ghi nhận “quyền” của chủ thể đối với tài sản, mà cái đó có ý nghĩa pháp lý cực kỳ quan trọng, không có nó thì các chủ thể không thể thực hiện được quyền của mình, có tài sản mà không thực hiện được giao dịch đối với cái hợp pháp mình đang có. Chỉ có ở Việt Nam mới có những quy định trái khoa học và không giống ai như vậy cả. Nước Mỹ người ta gọi tài sản là một mớ quyền (bundle right). Điều 163 quy định tài sản gồm : vật (không gắn với quyền sở hữu), tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản (4 loại tài sản – không giống ai, không đúng khoa học và bản chất của nó). Chính vì chỉ quy định vật (không gắn với quyền sở hữu) là tài sản nên mới có hướng dẫn của Tòa án tối cao như công văn 141. Đó là nguyên nhân sâu xa của vấn đề.

Thứ hai, Tòa án đang hiểu sai bản chất và không có khái niệm tài sản hoàn chỉnh, nên Tòa án muốn trả lại “quyền” giải quyết cho nơi cấp các giấy đó (là các cơ quan hành chính). Nhưng vì thế, mà lại đi ngược lại các quy định cốt lõi của Luật dân sự, chế định tài sản và quyền sở hữu, là hai mặt không thể tách rời. Nếu tách rời thì phải sửa lại toàn bộ hệ thống luật: từ Hiến pháp, đến BLDS, BL TTDS, và các luật liên quan. Vì tài sản quy định tại Điều 163 BLDS quá bé, không đủ để đảm đương khái niệm tài sản theo nghĩa thực sự của nó, nên Tòa án đang không biết xếp các GCN quyền sở hữu tài sản vào đâu, và chỉ thấy rằng không định giá được bằng tiền thì không phải là tài sản. Quy định tài sản của Việt Nam mang màu sắc của vật chất liệu, lấy vật chất liệu làm cơ sở (và gạt bỏ hẳn quyền sở hữu ra khỏi tài sản).

Về tài sản, khái niệm ở Việt Nam chưa có, trên thế giới cũng không định nghĩa rõ ràng mà chỉ thực hiện việc phân loại theo nguyên tắc: Vật và Quyền; Động sản và Bất động sản.

Tuy nhiên, một số người nghiên cứu, giảng dạy luật, một số luật sư cho rằng một số giấy tờ bao gồm CMTND, Bằng cấp, chứng chỉ là tài sản. Còn với tôi, về khía cạnh pháp lý, các giấy tờ trên chỉ mang thông tin nhân thân về một chủ thể nào đó, nó là những giấy tờ chỉ gắn với một cá nhân về đặc điểm nhận dạng hoặc chỉ ra người đó thế nào, trình độ ra sao. Thôi thì tôi cứ tạm gọi là “tài sản cá biệt tuyệt đối”, bởi lẽ nó không mang ba đặc tính của tài sản thông thường và theo luật định:

1. Đặc tính giá trị (kinh tế, giá trị thành tiền): Giá trị ở đây là giá trị đối với cả những người khác chứ không chỉ đối với một cá nhân đó.

2. Đặc tính lưu thông và sử dụng: Những giấy tờ bạn đưa ra thì chỉ mang tính cá nhân tuyệt đối, không có giá trị về tiền và phát sinh tiền trong các giao dịch, không thể lưu thông trong xã hội, không ai sử dụng được các giấy tờ ấy ngoài người chủ giấy tờ đó. Việc bạn sử dụng CMTND để đi “thực hiện giao dịch” với Ngân hàng thì không phải CMTND của bạn làm phát sinh tiền, mà chỉ là giấy tờ chứng minh bạn là ai, có phải người đủ điều kiện để thực hiện giao dịch với Ngân hàng hay không (điều kiện chủ thể). Bạn có thể dùng giấy tờ khác thay thế hoặc chỉ cần giấy ủy quyền (giới thiệu) hoặc thậm chí quen biết là có thể giao dịch.

3. Đặc tính chuyển giao: Nghĩa là chuyển giao quyền sở hữu (hoặc sử dụng) từ một chủ thể này sang một chủ thể khác, cả về hai khía cạnh: chuyển giao đối tượng (nếu có) và/hoặc chuyển giao pháp lý (ngoại trừ quyền yêu cầu cấp dưỡng là quyền tài sản nhưng không thể chuyển giao – nhưng nó là quyền tài sản – trực tiếp phát sinh giá trị thành tiền).

Vì vậy, cần phân biệt rõ khái niệm tài sản thông thường và khái niệm tài sản mang tính cá biệt, các giấy tờ nhân thân được nêu trên thiết nghĩ nó cần được nhắc đến với khái niệm hẹp và chưa đủ để coi là tài sản để luật điều chỉnh. Đối với bằng cấp, chứng chỉ, bạn không cần chúng bạn vẫn kiếm được tiền, vẫn lao động và thực hiện các quan hệ pháp lý bình thường. Việc yêu cầu bằng cấp đối với một số chuyên ngành nào đó (ví dụ giảng viên đại học luật cần Thạc sỹ trở lên) thì đó được coi là điều kiện đặc thù về nghề chứ các giấy tờ đó không phải để giao dịch hay phát sinh giá trị tiền tệ.

Trên đây là bình luận khoa học và là quan điểm của tôi về vấn đề tài sản được quy định trong BLDS. Và tiến đến cần phải sửa đổi quy định tại phần Quyền ở hữu và tài sản. Nhiều hơn thế là bổ sung chế định Vật quyền, Trái quyền và thay đổi toàn bộ cấu trúc BLDS để đảm bảo sự thống nhất, logic, khoa học và tính bền vững của cả Bộ luật mang tính cốt lõi trong đời sống dân sự.

LS Lê Luân

1/5 - (1 bình chọn)