Quy định về vốn của doanh nghiệp

Quy định về vốn của doanh nghiệp

Vốn được coi là tư liệu sản xuất quan trọng và đảm bảo sự sống còn của một doanh nghiệp. Trên thực tế, đối với bất kỳ mô hình kinh doanh hay loại hình nào, dù đang hoạt động hay mới thành lập thì vốn cũng có vai trò ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành bại trong hầu hết các hoạt động của doanh nghiệp. Vậy quy định về vốn của doanh nghiệp gồm nội dung gì? Luật Phamlaw kính mời quý khách hàng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.

1. Khái niệm về vốn

Để gia nhập thị trường, doanh nghiệp cần tạo lập những điều kiện tối thiểu ban đầu, như tài sản cô định, công cụ dụng cụ, tuyển dụng nhân sự và quảng cáo, tiếp thị. Để duy trì các hoạt đông kinh doanh, doanh nghiệp cần đảm bảo các yếu tố đầu vào như nguyên liệu, vật liệu mua sắm, trả lượng nhân công, chi phí quảng cáo và tiếp thị…Để thỏa mãn những đòi hỏi ở giai đoạn gia nhập thị trường và vận hành như vậy, doanh nghiệp cần phải có vốn, và sử dụng vốn như một điều kiện tiên quyết và có tính tiền đề.

Vậy “vốn” là gì? Hiện nay có nhiều cách giải nghĩa khác nhau về vốn, tùy thuộc vào từng lĩnh vực nghiên cứu, cụ thể:

– Theo từ điển tiếng Việt – Viện ngôn ngữ học: Vốn là tổng thể nói chung những tài sản bỏ ra lúc đầu, thường biểu hiện bằng tiền, dùng trong sản xuất, kinh doanh nói chung trong hoạt động sinh lợi.

– Theo từ điển Kinh tế học 2006 (Đại học Kinh tế quốc dân): Vốn (capital) là giá tri tư bản hay tài sản tài chính được sử dụng vào mục đích kinh doanh.

– Theo giáo trình Tài chính Doanh nghiệp 2019 (Đại học Kinh tế Quốc Dân):  “Vốn là toàn bộ số tiền ứng trước mà doanh nghiệp phải bỏ ra để đầu tư hình thành nên các tài sản cần thiết cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp” và theo khía cạnh kế toán, vốn được hiểu là biểu hiện băng tiền của toàn bộ giá trị tài sản mà doanh nghiệp đã nắm giữ, có khả năng huy động, khai thác và sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mục đích sinh lời. Nói cách khác, vốn là biểu hiện bằng tiền của tài sản, còn tài sản là hình thái hiện vật của vốn tại từng thời điểm nhất định.

– Theo David Begg Standley Fischer, Rudige Darnbusch trong cuốn Kinh tế học: Vốn là một loại hàng hóa nhưng được sử dụng tiếp tục vào quá trình sản xuất kinh doanh tiếp theo. Có hai loại vốn là vốn hiện vật và vốn tài chính. Vốn hiện vật là dự trữ các loại hàng hóa đã sản xuất ra các hàng hóa và dịch vụ khác.

Như vậy, có thể rút ra rằng: vốn là thuật ngữ thuộc chuyên ngành kinh tế và tài chính hơn là thuật ngữ luật học. Trong hệ thống luật thực định của Việt Nam, không có định nghĩa hay giải thích cụ thể về thuật ngữ “vốn” mà chỉ có giải thích về “vốn chủ sở hữu”. Cụ thể, tại mục 18, Chuẩn mực số 01 (Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam ban hành và công bố theo Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) giải thích: “Vốn chủ sở hữu là giá trị vốn của doanh nghiệp được tính bằng số chênh lệch giữa giá trị tài sản của doanh nghiệp trừ (-) nợ phải trả.

Bên cạnh đó, vốn không nằm ở trạng thái cố định mà luôn biến đổi, dịch chuyển liên tục có tính quay vòng. Xét về bản chất kinh tế thì chính sự xoay vòng vốn mới là cơ chế sinh ra giá tri gia tăng và lợi nhuận, tạo ra sự tăng trưởng về mặt tài sản cho doanh nghiệp. Một số biểu hiện cụ thể của việc dịch chuyển, biến động về vốn trong doanh nghiệp như sau:

– Sự thay đổi về cơ cấu và tỷ lệ giữa vốn chủ sở hữu với vốn nợ. Tùy tình hình thực tế và ở các thời kỳ phát triển khác nhau, doanh nghiệp có thể điều chỉnh cơ cấu giữa vốn chủ sở hữu và vốn nợ từ nguồn khác. Đây có thể coi là một công cụ điều tiết mà doanh nghiệp áp dụng để đảm bảo sự phát triển ổn định của doanh nghiệp. Thực tế khảo sát tại nhiều doanh nghiệp cho thấy, trong một số trường hợp, doanh nghiệp đẩy tỷ lệ vốn nợ lên cao, có thể đạt tới 70% –80% tổng vốn doanh nghiệp, nhưng khi cần thiết tỷ lệ này có thể giảm xuống còn 20% -30%.

– Sự dịch chuyển về quyền sở hữu của vốn

+ Xét dưới góc độ quyền sở hữu, vốn có thể được chia 1àm nhiều loai khác nhau, bao gồm: (i) vốn thuộc quyền sở hữu của chủ sở hữu doanh nghiệp (vốn cổ phẩn vốn góp, lợi nhuận chưa phân phối …); (ii) vốn thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (tài sản cố định, các khoản phải thu từ đối tác, đại lý… ); (iii) vốn không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp được quyền chiếm hữu và sử dụng (các khoản phải trả chưa đến hạn, các khoản vay …).

+ Các loại vốn như vậy có sự biến động và thay đổi chủ sở hữu cụ thể là: (i) chuyển hóa từ vốn thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp thành tài sản doanh nghiệp (các cổ đông/ thành viên góp vốn quyết định việc không chia lợi nhuận mà sử dụng lợi nhuận sau thuế tái đầu tư vào doanh nghiệp); (ii) chuyển đổi trái chủ thành đồng sở hữu chủ của doanh nghiệp (hoán đổi trái phiếu thành cổ phần, hoán đổi các khoản nợ thành vốn góp, hoán đổi các khoản phải thu thành vốn góp … ); (iii) chuyển đổi chủ sở hữu của vốn cổ phần từ bên thứ ba sang doanh nghiệp (doanh nghiệp mua lại cổ phiếu, trái phiếu…).

Những vấn đề khái quát về vốn nêu trên đây đang diễn ra hàng ngày bên trong doanh nghiệp, có thể coi như dòng máu lưu thông bên trong doanh nghiệp để tạo ra sự sống và phát triển. Bên cạnh khía cạnh kinh tế tài chính của vấn đề thì các yếu tố pháp lý đóng một vai trò quan trong không chỉ trong việc tạo hành lang cho sự phát triển mà còn nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho thị trường vốn, thị trường tiền tệ và sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, phòng chống rửa tiền, gian lận và tiêu cực khác trong nền kinh tế.

2. Đặc trưng của vốn trong doanh nghiệp

– Thứ nhất: Vốn đại diện cho một lượng giá trị tài sản nhất định. Có nghĩa là vốn đại diện cho giá trị biểu hiện bằng tiền của tài sản hữu hình và tài sản vô hình sử dụng trong hoạt động SXKD của DN như: nhà xưởng, vật kiến trúc, đất đai, máy móc trang thiết bị, quyền phát minh sáng chế, vị trí địa lý… Do đó, để quản lý tốt VKD, DN phải quản lý chặt chẽ về cả hai mặt giá trị và hiện vật.

– Thứ hai: Vốn phải vận động sinh lời.

Mục đích vận động của vốn trong DN là vốn phải sinh lời. Trong quá trình vận động, vốn có thể thay đổi hình thái biểu hiện nhưng điểm xuất phát và điểm cuối cùng của vòng tuần hoàn phải là tiền, lượng tiền thu về phải lớn hơn lượng tiền bỏ ra. Đây là nguyên tắc cơ bản của việc bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Phương thức vận động của vốn do phương thức đầu tư kinh doanh quy định. Trong lĩnh vực sản xuất: T – H ….SX…..- H’ – T’; Trong lĩnh vực thương mại: T – .. H….- T’; Trong lĩnh vực đầu tư tài chính: T- ………- Thực tế một DN có thể vận dụng một hoặc đồng thời cả ba phương thức đầu tư trên, miễn sao là bảo toàn và phát triển được vốn, đạt được mức sinh lời cao nhất. Quá trình tuần hoàn chu chuyển VKD của DN nhanh hay chậm phụ thuộc vào đặc điểm kinh tế, kỹ thuật của từng ngành kinh doanh và phụ thuộc vào tổ chức SXKD của từng DN.

– Thứ ba: Vốn chỉ phát huy tác dụng khi được tích tụ tập trung tới một lượng nhất định. Bởi bất kì DN nào cũng có lợi thế riêng nhưng nếu lượng vốn không đủ lớn thì không thể phát huy tối đa lợi thế đó, khó tiến hành kinh doanh hay đầu tư. Vì vậy, DN luôn cần một lượng vốn đủ lớn để đáp ứng yêu cầu tối thiểu đặt ra trong kinh doanh, đòi hỏi DN phải lập kế hoạch để huy động đủ lượng vốn cần thiết.

– Thứ tư: Vốn có giá trị về mặt thời gian, một đồng vốn bỏ ra ngày hôm nay sẽ khác với một đồng vốn bỏ ra vào ngày mai. Điều này rất có ý nghĩa khi bỏ vốn vào đầu tư và xem xét hiệu quả mà nó mang lại, chính vì vậy xem xét giá trị thời gian của đồng vốn chính là điều cần quan tâm khi huy động và sử dụng vốn của các DN.

3. Phân loại về vốn

Dựa theo nguồn hình thành vốn, vốn được phân loại thành:

– Vốn chủ sở hữu là số vốn thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, doanh nghiệp có đầy đủ quyền chiếm hữu, chi phối và định đoạt. Nó có thể hình thành do Nhà nước cấp, do doanh nghiệp bỏ ra hoặc do góp vốn cổ phần, bổ sung từ lợi nhuận để lại.

– Nợ phải trả: Là toàn bộ số tiền mà doanh nghiệp phải thanh toán tại một thời điểm nào đó cho các chủ sở hữu khác. Hình thành do doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nợ khách hàng, cán bộ nhân viên.

Dựa vào phạm vi huy động vốn, vốn được phân loại thành:

– Huy động vốn từ bên trong: Huy động từ số vốn thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp;

– Huy động vốn từ bên ngoài: Từ hoạt động liên doanh liên kết: Nguồn vốn liên kết là những nguồn đóng theo tỷ lệ của các chủ đầu tư để nhằm thực hiện một phi vụ kinh doanh ngắn hạn hoặc đầu tư dài hạn do mình thực hiện và cùng chia lợi nhuận. Việc góp vốn liên kết có thể được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau tuỳ theo từng loại hình của doanh nghiệp).

Dựa theo theo thời gian huy động vốn, vốn được phân loại thành:

– Nguồn vốn thường xuyên: Tương ứng với mỗi một quy mô nhất định đòi hỏi doanh nghiệp phải có một lượng vốn thường xuyên cần thiết để đảm bảo cho quá trình kinh doanh diễn ra một cách liên tục. Nguồn vốn này có thể huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành trái phiếu dài hạn hoặc có thể vay dài hạn từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng.

– Nguồn vốn tạm thời: Trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từng thời kỳ có các nguyên nhân khác nhau ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì hình thành nên nguồn vốn có tính chất tạm thời như các khoản nợ ngắn hạn, phần vốn chiếm dụng của người bán.

Dựa theo nội dung kinh tế chia vốn thành:

– Vốn cố định: Vốn cố định là giá trị của các loại tài sản cố định (TSCĐ). Các loại tài sản này là những tài sản có giá trị lớn, thời gian sử dụng kéo dài qua rất nhiều chu kì kinh doanh của doanh nghiệp.

– Vốn lưu động: Vốn lưu động của doanh nghiệp là số vốn tiền tệ ứng trước để đầu tư, mua sắm tài sản lưu động trong doanh nghiệp. Trong quá trình sản xuất kinh doanh vốn lưu động không ngừng vận động qua các giai đoạn của chu kỳ kinh doanh: dự trữ sản xuất, sản xuất và lưu thông.

Dựa theo quá trình tuần hoàn vốn, vốn được phân loại thành:

– Vốn dự trữ: Là hiện thân bằng tiền toàn bộ giá trị của các loại tài sản dự trữ trong doanh nghiệp. Tài sản dự trữ là các loại tài sản chưa được đưa vào quá trình sản xuất hoặc lưu thông như giá trị còn lại của tài sản cố định, nguyên vật liệu tồn kho, tiền mặt tồn quỹ, tiền gửi ngân hàng.

– Vốn sản xuất là biểu hiện bằng tiền toàn bộ giá trị sản xuất như sản phẩm dở dang đang nằm trên dây chuyền sản xuất, các loại chi phí tiền lương chi phí quản lý…

– Vốn lưu thông là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ các tài sản lưu thông của doanh nghiệp. Tài sản lưu thông của doanh nghiệp là loại tài sản đang tồn tại trên lĩnh vực lưu thông như hàng hoá gửi bán chi phí bán hàng các khoản phải thu. Sau quá trình lưu thông giá trị sản phẩm được thực hiện vốn của doanh nghiệp được thu về với hình thái tiền tệ như ban đầu nhưng với số lượng thường là lớn hơn và vòng chu chuyển của vốn đã hoàn thành.

Như vậy hiểu được thế nào là vốn trong doanh nghiệp, doanh nghiệp mới có kế hoạch đầu tư và sử dụng hiệu quả, đem lại lợi nhuận kinh tế cao.

Trên đây là bài viết về Quy định về vốn của doanh nghiệp? Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

Quy định về vốn của doanh nghiệp, Luật Phamlaw

Rate this post