Hứa mua xe và hành vi chiếm đoạt tài sản

Hứa mua xe và hành vi chiếm đoạt tài sản

Email: lizamola@…

Em là sinh viên và đang có ý định mua một chiếc xe không giấy tờ. Em đã nhờ một người quen và anh ấy đã hứa sẽ mua giúp em. Lần đầu, em đưa trước anh 500.000 đồng và sau khi nhận xe sẽ đưa nốt số tiền còn lại. Nhưng sau đó, anh lại yêu cầu đưa thêm 500.000 đồng, rồi lại đưa tiếp 1 triệu đồng. Đến lần cuối cùng, anh lại yêu cầu đưa thêm 1 triệu nữa là 3 triệu (em đã ghi âm lại) nhưng vẫn không hề có xe. Sau đó em mới biết mình bị lừa, anh ấy không hề mua xe và cũng không giao tiền cho ai để mua xe. Gọi điện thì anh bảo đang ở quê nên không trả tiền cho em được nhưng thực ra anh ta đang ở Hà Nội. Em đã hẹn hết lần này đến lần khác nhưng vẫn không trả tiền cho em. Vậy em phải làm gì. Anh ta có phạm tội gì không?

Với câu hỏi của bạn Phamlaw xin được trả lời như sau (câu trả lời chỉ mang tính tham khảo):

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là gì?

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin nhầm giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó.

2. Cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

2.1. Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau:

a) Về hành vi: Có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản

– Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động … (Ví dụ: kẻ phạm tội nói là mượn xe đi chợ nhưng sau khi lấy được xe đem bán lấy tiền tiêu xài không trả xe cho chủ sở hữu) và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.

– Chiếm đoạt tài sản, được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối.

Như vậy, có thể phân biệt với những trường hợp dùng thủ đoạn gian dối khác, chẳng hạn dùng thủ đoạn cân, đong, đo đếm gian dối nhằm ăn gian, bớt của khách hàng hoặc để bán hàng giả để thu lợi bất chính thì không cấu thành tội này mà cấu thành tội lừa dối khách hàng hoặc tội buôn bán hàng giả.

b) Dấu hiệu khác

Về giá trị tài sản chiếm đoạt: Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ hai triệu đồng trở lên.

Nếu dưới hai triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bi kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

2.2 Mặt khách thể

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.

2.3. Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

Tuy nhiên cần lưu ý:

– Về mặt ý chí của người phạm tội lừa đảo bao giờ cũng nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản trước khi thực hiện hành vi lừa đảo, đây là điểm phân biệt cấu thành tội lạm dụng tín nhiếm chiếm đoạt tài sản. Vì trong một số trường hợp phạm tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì bao giờ ý định chiếm đoạt tài sản cũng phát sinh sau khi nhận tài sản thông qua một hình thức giao dịch nhất định.

– Ý thức chiếm đoạt phải có trước thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. thủ đoạn gian dối bao giờ cũng phải có trước khi tiến hành giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội. Nếu sau khi có được tài sản hợp pháp mới phát sinh thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản thì không coi là phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tuỳ từng trường hợp cụ thể người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội danh tương ứng ( như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản)

3. Quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Theo quy định hiện nay: Tại điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì:

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Có thể thấy, ngay từ đầu khi hứa giúp bạn mua xe, người mà bạn quen đã có ý lừa dối bạn, lợi dụng lòng tin của bạn để chiếm đoạt số tiền mà bạn đưa. Hành vi này có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khoản 1 điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 đã quy định rõ: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 còn có thể bị tăng mức hình phạt.

Bạn có thể tố giác hành vi phạm tội này tới cơ quan công an nơi gần nhất. Hoặc tố giác tới các cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 101 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác. Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản. Cơ quan điều tra sẽ kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Trên đây là câu trả lời của Phamlaw đối với trường hợp của bạn, nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

Hứa mua xe và hành vi chiếm đoạt tài sản – Luật Phamlaw

5/5 - (2 bình chọn)