Tư vấn nghĩa vụ thanh toán nợ bằng tài sản đảm bảo công ty TNHH

Tư vấn nghĩa vụ thanh toán nợ bằng tài sản đảm bảo công ty TNHH

Câu hỏi: Kính chào Quý luật sư, tôi hiện đang có thắc mắc như sau, kính mong Quý luật sư giải đáp giúp tôi. Công ty tôi ký hợp đồng cho vay vốn với một công ty TNHH hai thành viên trở lên (tạm gọi là công ty A). Sau đó công ty A vi phạm hợp đồng nên chúng tôi đã kiện công ty A lên Tòa án NDTP Hà Nội để được phân xử. Kết quả Tòa án NDTP Hà Nội xét xử là công ty tôi thắng kiện và công ty A phải chấp nhận để chúng tôi bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Tuy nhiên thì giá trị tài sản bảo đảm không đủ, như vậy thì công ty tôi có quyền yêu cầu công ty A dùng toàn bộ tài sản của công ty để trả phần nợ còn thiếu hay không? Bên cạnh đó thì nếu công ty A sau khi đăng ký kinh doanh xong, các thành viên không góp vốn đủ như trên giấy tờ thì công ty tôi có thể yêu cầu công ty này chịu trách nhiệm với tổng giá trị tối thiểu bằng số vốn điều lệ đã đăng ký hay không hay chỉ chịu trách nhiệm trên những tài sản hiện hữu còn lại?

Kính mong được Quý luật sư tư vấn giúp.

Trân trọng cảm ơn!

(Câu hỏi được biên tập từ mail gửi đến Bộ phận tư vấn pháp luật của Phamlaw)

Tư vấn nghĩa vụ thanh toán nợ bằng tài sản đảm bảo công ty TNHH
Tư vấn nghĩa vụ thanh toán nợ bằng tài sản đảm bảo công ty TNHH

Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo).

Kính chào Quý khách, cảm ơn Quý khách đã gửi câu hỏi đến Bộ phận tư vấn pháp luật của Phamlaw, về thắc mắc của Quý khách, Phamlaw xin được đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

1. Công ty A có phải dùng toàn bộ tài sản của công ty để trả nợ không?

Theo thông tin từ câu hỏi của Quý khách thì do giá trị tài sản bảo đảm không đủ nên công ty của Quý khách muốn yêu cầu công ty A dùng toàn bộ tài sản của công ty để trả phần nợ còn thiếu. Như vậy thì đầu tiên Quý khách cần xem lại hợp đồng vay vốn đã ký kết với công ty A, nếu trong hợp đồng có điều khoản khác công ty A cam kết ngoài tài sản bảo đảm thì công ty A phải dùng toàn bộ tài sản hợp pháp của mình làm tài sản bảo đảm cho doanh nghiệp Quý khách hay không. Nếu có điều khoản này trong hợp đồng thì Quý khách có thể căn cứ vào đó để yêu cầu công ty A dùng toàn bộ tài sản của mình để trả phần nợ còn thiếu.

Trường hợp trong hợp đồng không có thỏa thuận nào khác thì công ty Quý khách có thể áp dụng các quy định của pháp luật tại Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Điều 299. Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm

  1. Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
  2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
  3. Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.

Điều 307. Thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp

  1. Số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 308 của Bộ luật này.
  2. Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì số tiền chênh lệch phải được trả cho bên bảo đảm.
  3. Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán được xác định là nghĩa vụ không có bảo đảm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bổ sung tài sản bảo đảm. Bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ được bảo đảm phải thực hiện phần nghĩa vụ chưa được thanh toán.”

2. Công ty A có phải trả số nợ còn thiếu bằng số vốn điều lệ đã đăng ký dù chưa góp đủ số vốn này hay không?

Theo thông tin Quý khách đưa ra thì công ty A hoạt động với loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên, nên trường hợp này công ty A phải tuân thủ quy định của pháp luật tại Khoản 4, Điều 48 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:

“4. Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp theo khoản 2 Điều này. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên.”

Như vậy, nếu hợp đồng ký kết giữa công ty Quý khách và công ty A được ký sau khi công ty A đã làm thủ tục thay đổi vốn điều lệ thì đương nhiên công ty A phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ số vốn điều lệ được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp hợp đồng được ký kết trong khoảng thời gian công ty A chưa thực hiện thay đổi đăng ký vốn điều lệ thì các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong khoảng thời gian này, do đó những thành viên này của công ty A sẽ có trách nhiệm trả số nợ còn thiếu cho công ty Quý khách.

Trên đây là quan điểm của Luật sư đối với câu hỏi của Quý khách hàng với câu hỏi: “Tư vấn nghĩa vụ thanh toán nợ bằng tài sản đảm bảo công ty TNHH”. Nếu Quý khách hàng muốn được hỗ trợ tư vấn thêm hoặc muốn tìm hiểu thêm các thông tin pháp lý, vui lòng kết nối đến Tổng đài tư vấn pháp luật chuyên sâu của chúng tôi, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Trân trọng./.

————————————

Phòng tư vấn pháp luật chuyên sâu – Phamlaw

 > Xem thêm:

 

Rate this post