Đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tại Việt Nam

Đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tại Việt Nam

Cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ và thương mại, các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phát triển, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến vị thế cạnh tranh của các chủ sở hữu, trong đó “nhãn hiệu” là một trong những tài sản hết sức giá trị, là vũ khí trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, gay gắt với các đối thủ. Vì thế, việc bảo hộ nhãn hiệu luôn là mối quan tâm hàng đầu ở hầu hết các quốc gia trên thế giới mà Việt Nam không là một ngoại lệ. Vậy đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Việt Nam gồm những nội dung gì? Luật Phamlaw xin kính mời quý khách hàng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.

Nhãn hiệu hàng hóa là gì?

Theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Văn bản hợp nhất số 07/2019/VBHN-VPQH thì: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.”.

Hàng hóa, được hiểu là tất cả những sản phẩm được tạo thành sau quá trình lao động trực tiếp hoặc gián tiếp của con người, hàng hóa được lưu thông trên thị trường nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người.

Vì vậy, có thể kết luận rằng: Nhãn hiệu hàng hóa là dấu hiệu dùng để phân biệt những sản phẩm được tạo thành sau quá trình lao động của các cơ sở sản xuất kinh doanh khác nhau nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của con người.

Cần phân biệt nhãn hiệu hàng hóa với nhãn hiệu dịch vụ bởi nhãn hiệu hàng hóa là những dấu hiệu phân biệt được gắn liền lên sản phẩm hàng hóa còn nhãn hiệu dịch vụ là những dấu hiệu phân biệt cho các loại dịch vụ (có thể là phi vật chất) nhằm thỏa mãn như cầu của con người.

Tại sao cần đăng ký nhãn hiệu hàng hóa?

Xã hội dù có phát triển đến đâu cũng tồn tại người xấu, kẻ tốt, và trong kinh doanh thương mại cũng vậy, bên cạnh những chủ thể luôn có tư duy sáng tạo, làm nên giá trị chất lượng cho sản phẩm của mình thì có không ít những chủ thể chỉ lợi dụng sơ hở, tìm cách đạo nhái sản phẩm khiến không ít người tiêu dùng mất niềm tin vào sản phẩm chân chính. Việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa vì thế càng có vai trò quan trọng hơn. Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa giúp:

  • Chủ thể sở hữu xác lập quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa mà mình tạo ra;
  • Nếu không đăng ký nhãn hiệu, pháp luật không có cơ sở pháp lý để bảo hộ khi có hành vi xâm phạm của chủ thể khác, có thể giảm khả cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường vì quảng cáo, tiếp thị, uy tín được xác lập trong tiềm thức khách hàng đều bị đối thủ cạnh tranh khai thác.
  • Đăng ký nhãn hiệu giúp nhãn hiệu có thể được bảo hộ độc quyền, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp từ việc lixăng hoặc bán nhãn hiệu đó…

Điều kiện đăng ký nhãn hiệu hàng hóa

Để được đăng ký nhãn hiệu hay nói cách khác là bảo hộ nhãn hiệu, theo quy định tại Điều 72 Văn bản hợp nhất số 07/2019/VBHN-VPQH nhãn hiệu bảo hộ cần đảm bảo điều kiện sau:

  • Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
  • Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.

Ngoài ra, Văn bản hợp nhất trên cũng quy định các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu, đó là:

  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước;
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;
  • Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Việt Nam

Bước 1: Tra cứu nhãn hiệu hàng hóa: Việc làm này không bắt buộc nhưng nên thực hiện với mục đích kiểm tra xem nhãn hiệu sắp đăng ký có đáp ứng được tiêu chuẩn bảo hộ và bị trùng với nhãn hiệu của chủ sở hữu khác hay không.

Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đến cơ quan có thẩm quyền. Yêu cầu chung đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp gồm:

 Đơn đăng ký nhãn hiệu hàng bao gồm các tài liệu sau đây:

a) Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;

+ Gồm 02 tờ khai đăng ký nhãn hiệu, đánh máy theo mẫu số: 04-NH Phụ lục A của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN. Phần mô tả nhãn hiệu: mẫu nhãn hiệu phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu nếu có; nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm; nhãn hiệu có từ, ngữ bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt. Nếu nhãn hiệu có chứa chữ số không phải là chữ số ả-rập hoặc la-mã thì phải dịch ra chữ số ả-rập; phần Danh mục các hàng hoá/dịch vụ trong tờ khai phải được phân  nhóm phù hợp với bảng phân loại quốc tế về hàng hoá, dịch vụ (theo Thoả ước Nice lần thứ 11).

b) Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ quy định tại các điều từ Điều 102 đến Điều 106 của Luật này;

+ Cụ thể: 05 Mẫu nhãn hiệu kèm theo (mẫu nhãn hiệu kèm theo phải giống hệt mẫu nhãn hiệu dán trên tờ khai đơn đăng ký kể cả về kích thước và màu sắc. Mẫu nhãn hiệu phải được trình bày rõ ràng với kích thước của mỗi thành phần trong nhãn hiệu không lớn hơn 80mm và không nhỏ hơn 8mm, tổng thể nhãn hiệu phải được trình bày trong khuôn mẫu nhãn hiệu có kích thước 80mm x 80mm. Nếu yêu cầu bảo hộ màu sắc thì tất cả các mẫu nhãn hiệu trên tờ khai và kèm theo đều phải được trình bày đúng màu sắc cần bảo hộ);

c) Giấy ủy quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;

d) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;

đ) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;

e) Chứng từ nộp phí, lệ phí.

+ Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ;

+ Phí công bố đơn: 120.000VNĐ;

+ Phí tra cứu phục vụ thẩm định nội dung: 180.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ;

+ Phí tra cứu cho sản phẩm, dịch vụ thứ 7 trở đi: 30.000VNĐ/01 sản phẩm, dịch vụ;

+ Phí thẩm định nội dung: 550.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ;

+ Phí thẩm định nội dung cho sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi: 120.000VNĐ/01 sản phầm, dịch vụ.

Đơn đăng ký nhãn hiệu và giấy tờ giao dịch giữa người nộp đơn và cơ quan quản lý nhà nước về nhãn hiệu phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu sau đây có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp yêu cầu:

a) Giấy ủy quyền;

b) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký;

c) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên;

d) Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.

– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký nhãn hiệu bao gồm:

a) Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên;

b) Giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác.

Bên cạnh đó, quý khách hàng có thể tham khảo thêm yêu cầu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu được quy định tại Điều 105 Văn bản hợp nhất số 07/2019/VBHN-VPQH.

Bước 3: Thời hạn xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu

Đơn đăng ký nhãn hiệu được thẩm định hình thức và thẩm định nội dung:

  • Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu thẩm định hình thức có thời hạn 01 tháng kể từ ngày nộp đơn. Về việc công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;
  • Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu thẩm định nội dung có thời hạn không quá 09 tháng kể từ ngày nộp đơn.
  • Thời hạn thẩm định lại đơn đăng ký nhãn hiệu bằng hai phần ba thời hạn thẩm định lần đầu, đối với những vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không vượt quá thời hạn thẩm định lần đầu.

Thời gian để người nộp đơn sửa đổi, bổ sung đơn không được tính vào các thời hạn quy định trên; thời hạn xử lý yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn không vượt quá một phần ba thời gian thẩm định tương ứng quy định về thời hạn thẩm định hình thức và thẩm định nội dung.

Bước 4: Cấp giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tại Việt Nam

  • Sau khi chủ nhãn hiệu đã thực hiện nộp lệ phí vấp văn bằng. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa trong khoảng thời gian từ 02 đến 03 tháng kể từ ngày đóng lệ phí.
  • Thời gian đăng ký nhãn hiệu khoảng 12 đến 18 tháng kể từ khi có chấp nhận đơn hợp lệ.

Lưu ý: thời hạn bảo hộ nhãn hiệu là trong vòng 10 năm kể từ ngày nộp đơn (ngày ưu tiên). Doanh nghiệp phải gia hạn văn bằng bảo hộ (việc gia hạn không hạn chế số lần) để bảo vệ nhãn hiệu (tài sản trí tuệ) của doanh nghiệp.

Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw đối với câu hỏi  về “Đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tại Việt Nam”. Để được hỗ trợ tư vấn, Quý khách hàng vui lòng kết nối tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ 24/7

5/5 - (1 bình chọn)