Các loại hàng hoá bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam
Xin được gửi lời chào thân mến đến luật sư Phamlaw.
Các luật sư cho tôi được hỏi, tôi mới thành lập doanh nghiệp vào tháng 5 năm 2022 về gia công hàng may mặc. Tôi có dự định sẽ nhập một lô máy khâu cũ đã qua sử dụng tại nước ngoài về Việt Nam cho xưởng may. Các luật sư cho tôi hỏi, máy khâu đã qua sử dụng ở nước ngoài có được nhập về Việt Nam hay không? Các loại văn bản cụ thể về quy định này? Tôi rất cảm ơn các luật sư đã hỗ trợ giải đáp.
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Phamlaw, với câu hỏi này, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
CƠ SỞ PHÁP LÝ
Luật quản lý ngoại thương 2017;
Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg
Luật thương mại 2005.
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Nhập khẩu hàng hóa là gì?
Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật quy định theo Luật thương mại 2005.
2. Cấm nhập khẩu hàng hóa được áp dụng khi nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật quản lý ngoại thương 2017 định nghĩa về cấm nhập khẩu như sau: Cấm nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định không được đưa hàng hóa từ khu vực hải quan riêng vào nội địa hoặc từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam. Việc cấm nhập khẩu một số mặt hàng vào Việt Nam nhằm đảm bảo vấn đề an ninh quốc gia, hạn chế bệnh dịch lây lan cũng như ngăn chặn tình trạng Việt Nam trở thành bãi rác công nghiệp của một số nước phát triển.
Việc áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu hàng hóa được quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật quản lý ngoại thương 2017 trong các trường hợp sau đây:
– Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép nhập khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Gây nguy hại đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng;
– Gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục;
– Gây nguy hại đến môi trường, đa dạng sinh học, có nguy cơ cao mang theo sinh vật gây hại, đe dọa an ninh lương thực, nền sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
– Theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Việc nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu đối với khu vực hải quan riêng được thực hiện theo quy định tại Mục 8 Chương II Luật Quản lý ngoại thương 2017.
3. Điều kiện nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng
Máy móc, thiết bị đã qua sử dụng là một kết cấu hoàn chỉnh, gồm các chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận có liên kết với nhau để vận hành, chuyển động theo mục đích sử dụng được thiết kế, sau khi xuất xưởng đã được lắp ráp và vận hành hoạt động. Khác với những loại máy móc, thiết bị mới, những máy móc, thiết bị đã qua sử dụng khi nhập khẩu vào Việt Nam cần phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo quy định tại điều 6 Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg thì Máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu khi đáp ứng các tiêu chí sau:
Thứ nhất, Tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm. Đối với máy móc, thiết bị thuộc một số lĩnh vực cụ thể, tuổi thiết bị được quy định chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg.
Tuổi thiết bị là thời gian (tính theo năm), cụ thể:
Tuổi thiết bị | = | Năm nhập khẩu (năm hàng hóa về đến cửa khẩu Việt Nam) | – | Năm sản xuất |
Lưu ý: Máy móc, thiết bị đã qua sử dụng có tuổi thiết bị vượt quá quy định trên nhưng công suất (tính theo số lượng sản phẩm được tạo ra bởi máy móc, thiết bị trong một đơn vị thời gian) hoặc hiệu suất còn lại của máy móc, thiết bị vẫn đạt từ 85% trở lên so với công suất hoặc hiệu suất thiết kế và mức tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng của máy móc, thiết bị không vượt quá 15% so với thiết kế thì có thể được nhập khẩu nếu doanh nghiệp đang tiến hành sản xuất tại Việt Nam, để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ để được xem xét, giải quyết theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 9 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg.
Thứ hai, Được sản xuất theo tiêu chuẩn:
+ Phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường;
+ Trường hợp không có QCVN liên quan đến máy móc, thiết bị nhập khẩu, thì máy móc, thiết bị nhập khẩu phải được sản xuất phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật của tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
4. Giải quyết tình huống
Đối với trường hợp của bạn, khi bạn muốn nhập khẩu lô máy khâu cũ đã qua sử dụng tại nước ngoài về Việt Nam cho xưởng may thì bạn phải đảm bảo các tiêu chí nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng theo điều 6 Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg, bao gồm:
Thứ nhất, tuổi thiết bị (máy khâu) không vượt quá 10 năm.
Thứ hai, máy khâu được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; Trường hợp không có QCVN liên quan đến máy móc, thiết bị nhập khẩu, thì máy móc, thiết bị nhập khẩu phải được sản xuất phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật của tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Để nhập khẩu lô máy khâu cũ đã qua sử dụng tại nước ngoài về Việt Nam thì bạn cần chuẩn bị hồ sơ, trình tự, thủ tục nhập khẩu như sau:
* Hồ sơ nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng bao gồm:
– Hồ sơ nhập khẩu theo quy định của Luật Hải quan;
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đóng dấu của doanh nghiệp (Bản sao). Trường hợp nhập khẩu theo ủy thác thì phải có văn bản ủy thác nhập khẩu;
– Giấy xác nhận của nhà sản xuất máy móc, thiết bị về năm sản xuất và tiêu chuẩn của máy móc, thiết bị đáp ứng các tiêu chí nêu trên trong trường hợp máy móc, thiết bị được sản xuất tại quốc gia thuộc các nước G7, Hàn Quốc (Bản chính, Giấy xác nhận phải được hợp pháp hóa lãnh sự và kèm bản dịch sang tiếng Việt);
– Chứng thư giám định được cấp bởi một tổ chức giám định được chỉ định đáp ứng các yêu cầu quy định trong trường hợp máy móc, thiết bị được sản xuất tại quốc gia thuộc các nước G7, Hàn Quốc nhưng không có Giấy xác nhận của nhà sản xuất hoặc máy móc, thiết bị được sản xuất tại quốc gia không thuộc các nước G7, Hàn Quốc. (Nội dung chứng thư giám định thực hiện theo quy định tại Điểm a, b, c, d, e Khoản 1 Điều 10 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg).
Lưu ý: Riêng trường hợp nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng có tuổi thiết bị vượt quá quy định nêu trên thì ngoài hồ sơ nhập khẩu theo quy định của Luật Hải quan, doanh nghiệp phải nộp văn bản chấp thuận việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng của Bộ Khoa học và Công nghệ.
* Trình tự, thủ tục nhập khẩu
– Nơi nộp hồ sơ: Cơ quan hải quan, nơi đăng ký tờ khai hải quan;
– Cơ quan hải quan chỉ làm thủ tục thông quan theo quy định khi hồ sơ nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng đầy đủ, hợp lệ. Trường hợp phải có chứng thư giám định thì trong chứng thư giám định phải có kết luận máy móc, thiết bị đã qua sử dụng đáp ứng yêu cầu quy định.
Trên đây tư vấn của Phamlaw đối với trường hợp của bạn, nếu bạn có những thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp tư vấn pháp luật, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.
Các loại hàng hoá bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam – Luật Phamlaw
Xem thêm:
- Tìm hiểu về khái niệm công ty xuất nhập khẩu
- Pháp luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu khi Việt Nam gia nhập WTO
- Căn cứ và phương pháp tính thuế xuất khẩu, nhập khẩu