Người mắc bệnh tâm thần có được hưởng thừa kế?

Người mắc bệnh tâm thần có được hưởng thừa kế?

Công ty Luật TNHH Phamlaw có nhận được câu hỏi từ bạn có email Duong…@gmail.com với nội dung câu hỏi như sau:

Cô tôi là mẹ đơn thân và có một người con gái. Tuy nhiên, cháu gái tôi lại bị mắc bệnh tâm thần từ nhỏ, thường xuyên phải đi điều trị tại Bệnh viện tâm thần. Vừa qua, do sức khỏe yếu nên cô tôi đã qua đời, không để lại di chúc và có để lại tài sản là căn nhà và mảnh đất. Vậy pháp luật có cho phép người bệnh tâm thần hưởng thừa kế không? Nếu được thì tài sản đó do ai quản lý? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi. Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật dân sự 2015

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Người mắc bệnh tâm thần là gì?

Bệnh tâm thần là bệnh do rối loạn hoạt động của não bộ gây nên những biến đổi về tư duy, hành vi, cảm xúc, nhận thức. Nguyên nhân thường gặp như căng thẳng tâm lý kéo dài là yếu tố thuận lợi khởi phát bệnh, tỷ lệ mắc cao ở tầng lớp kinh tế xã hội thấp và thành phố đông dân, các biến chứng khi mang thai và sinh đẻ cũng góp phần gây ra nguy cơ mắc tâm thần.

2. Người mắc bệnh tâm thần có được hưởng thừa kế?

Căn cứ tại Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế như sau: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”.

Qua đây có thể thấy, pháp luật dân sự không quy định người bị bệnh về tâm thần không được phép hưởng di sản thừa kế mà chỉ quy định người được hưởng di sản thừa kế phải còn sống tại thời điểm mở thừa kế. Do vậy, người bị tâm thần vẫn được hưởng di sản thừa kế chia theo pháp luật. Nhưng do bị mất năng lực hành vi dân sự nên để thực hiện phân chia di sản thừa kế theo pháp luật thì người đó cần phải có người giám hộ.

Theo đó, trường hợp của bạn, cô bạn mất mà không để lại di chúc, do đó phần di sản của cô bạn sẽ được chia theo pháp luật. Đồng thời, theo quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự 2015 thì cháu gái bạn sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Do pháp luật dân sự không quy định người bị bệnh về tâm thần không được phép hưởng di sản thừa kế mà chỉ quy định người được hưởng di sản thừa kế phải còn sống tại thời điểm mở thừa kế. Do vậy, cháu gái bạn vẫn được hưởng di sản thừa kế chia theo pháp luật, nhưng do bị mất năng lực hành vi dân sự nên để thực hiện phân chia di sản thừa kế theo pháp luật, cháu gái bạn cần phải có người giám hộ.

Nguoi Mac Benh Tam Than Co Duoc Huong Thua Ke
Người mắc bệnh tâm thần có được hưởng thừa kế?

3. Tài sản thừa kế của người bị tâm thần do ai quản lý?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản của người mất năng lực hành vi dân sự do người giám hộ quản lý, cụ thể:

Thứ nhất, Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.

Thứ hai, Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

4. Quy định pháp luật về người giám hộ của người mắc bệnh tâm thần

Căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 48, Điều 53, khoản 1 Điều 54 Bộ luật Dân sự 2015, người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự được quy định như sau:

Thứ nhất, Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

Thứ hai, Nếu không có người giám hộ được lựa chọn như trên thì người giám hộ đương nhiên được xác định như sau:

  • Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
  • Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
  • Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

Thứ ba, Nếu không có người giám hộ lựa chọn và người giám hộ đương nhiên như trên thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ.

Hy vọng bài viết trên đây của Phamlaw sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nội dung người mắc bệnh tâm thần có được hưởng thừa kế không? Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

 

 

5/5 - (1 bình chọn)