Các phương thức bảo vệ quyền dân sự

Các phương thức bảo vệ quyền dân sự

Tự bảo vệ quyền dân sự là việc cá nhân, pháp nhận tự bảo vệ các quyền dân sự của  mình bằng các biện pháp, hành vi cụ thể phù hợp với tính chất, mức độ xâm phạm đến quyền dân sự đó và không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Vậy các phương thức bảo vệ quyền dân sự được pháp luật dân sự quy định như thế nào? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật dân sự 2015

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Phương thức bảo vệ quyền dân sự là gì?

Phương thức bảo vệ quyền dân sự là cách thức giúp cá nhân, pháp nhân bảo vệ các quyền nhân thân, tài sản của mình được pháp luật dân sự ghi nhận trước những những hành vi xâm phạm.

Trường hợp cá nhân, pháp nhân lựa chọn phương thức tự bảo vệ quyền dân sự thì việc tự bảo vệ phải phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và không được vượt quá giới hạn cần thiết do luật định để ngăn chặn hành vi vi phạm đó. Trường hợp quyền dân sự bị vi phạm mà có thiệt hại thì cá nhân, pháp nhân được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp trong hợp đồng hoặc luật có quy định khác.

2. Các phương thức bảo vệ quyền dân sự

Các phương thức bảo vệ quyền dân sự được quy định tại Điều 11 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

“Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đã có quyền tự bảo vệ theo qui định của Bộ luật dân sự 2015, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:

1. Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình

2. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm,

3. Buộc xin lỗi, cái chính công khai,

4. Buộc thực hiện nghĩa vụ,

5. Buộc bồi thường thiệt hại

6. Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền;

7. Yêu cầu khác theo quy định của pháp luật”

Trong trường hợp quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm, chủ thể đó được quyền bảo vệ quyền dân sự bằng phương thức tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ. Tùy vào tính chất của hành vi xâm phạm, quan hệ giữa các bên chủ thể mà bên bị xâm phạm lựa chọn một trong hai phương thức hoặc kết hợp cả hai phương thức trên. Với phương thức tự bảo vệ thì chủ thể bị xâm phạm bằng các hành vi của mình để tiến hành bảo vệ các quyền dân sự của chính mình. Bên cạnh việc tự bảo vệ, chủ thể bị xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác bảo vệ theo một trong các phương thức sau đây:

(1) Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình: Đây là trường hợp, Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác dựa trên quy định của pháp luật ra quyết định công nhận một chủ thể có quyền dân sự nhất định. Trên cơ sở ghi nhận, thì Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác phải tôn trọng và bảo vệ cũng như bảo đảm các quyền dân sự cho chủ thể yêu cầu;

(2) Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm: Đây là trường hợp, hành vi xâm phạm đang diễn ra thì người đang bị xâm phạm có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền buộc người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt ngay hành vi xâm phạm. Còn nếu hành vi xâm phạm đã diễn ra và chấm dứt rồi thì không thể bảo vệ quyền dân sự theo phương thức buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.

Về nguyên tắc, mọi chủ thể được thực hiện các hành vi theo ý chí của mình những không được gây thiệt hại, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng và quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Do vậy, trong quá trình thực hiện các phương thức này, chủ thể có quyền thực hiện thông báo, nhắc nhở, yêu cầu chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi đó.

(3) Buộc xin lỗi, cải chính công khai. Đây thường là trường hợp người có hành vi xâm phạm đã có những thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến cá nhân, pháp nhân. Ví dụ: Một chủ thể có hành vi tung tin sai lệch , vu khống làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của một cá nhân. Trường hợp này cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước buộc người có hành vi xâm phạm phải xin lỗi, cải chính thông tin một cách công khai.

(4) Buộc thực hiện nghĩa vụ: Phương thức bảo vệ quyền dân sự này phát sinh khi một chủ thể có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ nhưng đã không tiến hành thực hiện. Như vậy, Nghĩa vụ phải thực hiện có thể do thỏa thuận hoặc do pháp luật ấn định. Buộc thực hiện nghĩa vụ có thể do cá nhân, pháp nhân tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước bảo vệ.

VD: A mua hàng của B nhưng A không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Trường hợp này, B có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước buộc A phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán với mình.

(5) Buộc bồi thường thiệt hại: Phương thức này chỉ áp dụng được khi hành vi xâm phạm đến quyền dân sự, đã gây thiệt hại cho các chủ thể khác.

Biện pháp này được áp dụng trong trường hợp đã có thiệt hại về sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín, xảy ra. Yêu cầu bồi thường thiệt hại thường có thể áp dụng độc lập hoặc kết hợp với các phương thức khác như buộc chấm dứt hành vi xâm phạm. Việc xác định mức bồi thường hoàn toàn phụ thuộc vào người mang quyền trên cơ sở thỏa thuận, đồng ý từ người được yêu cầu bồi thường cũng như các chứng từ, giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí đã bỏ ra để khắc phục thiệt hại.

(6) Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền: Theo quy định này, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã ra quyết định trái pháp luật (vi phạm về nội dung hoặc vi phạm về trình tự, thủ tục ra quyết định) thì người bị vi phạm bởi quyết định này có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác hủy bỏ quyết định để khôi phục, bảo vệ quyền dân sự hợp pháp của mình.

(7) Yêu cầu khác theo quy định của pháp luật

Ngoài những phương thức bảo vệ quyền dân sự kể trên, do quan hệ dân sự và các yêu cầu của các chủ thể rất đa dạng, phong phú nên có thể còn có những yêu cầu khác trong quan hệ dân sự cụ thể.

Hy vọng bài viết trên đây của Phamlaw sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các phương thức bảo vệ quyền dân sự. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)