Hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động

Câu hỏi: Hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động

Kính chào Quý luật sư, kính mong Quý luật sư tư vấn giúp tôi vấn đề sau: Tôi đang chuẩn bị thành lập công ty để tiến hành hoạt động kinh doanh. Tôi dự kiến sẽ tuyển dụng khoảng 10 nhân viên cho công ty, tuy nhiên tôi chưa hiểu rõ về những quy định của pháp luật liên quan đến hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Vậy nên kính mong Quý luật sư tư vấn giúp tôi về vấn đề này.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

(Câu hỏi được biên tập từ mail gửi đến Bộ phận tư vấn pháp luật và thủ tục hành chính của Phamlaw).

Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)

Hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động

Hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động
Hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật lao động 2019

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Hợp đồng lao động là gì?

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Đặc trưng cơ bản của hợp đồng lao động

Ngoài những đặc điểm chung của hợp đồng, hợp đồng lao động còn có một số đặc điểm riêng sau đây:

Thứ nhất, đối tượng của hợp đồng lao động là việc làm. Thông qua quá trình lao động, người sử dụng lao động trả công tiền lương cho NLĐ trên cơ sở NLĐ chuyển giao hàng hóa sức lao động cho NSDLĐ. Hợp đồng lao động là hình thức pháp lý của quan hệ lao động, các bên giao kết HĐLĐ sẽ làm phát sinh quan hệ lao động. Việc xác định sự tồn tại của mối quan hệ lao động cụ thể sẽ được dựa trên các yếu tố liên quan đến việc thực hiện công việc và vấn đề trả công tiền lương cho NLĐ.

Thứ hai, người lao động phải tự mình thực hiện công việc trong hợp đồng và chịu sự quản lý của NSDLĐ. Đây là đặc trưng cơ bản, tiêu biểu nhất để phân biệt HĐLĐ với các loại hợp đồng khác. Người lao động khi tham gia vào quan hệ hợp đồng lao động phải tự mình thực hiện công việc trong hợp đồng, song trong quá trình thực hiện công việc, đó là chịu sự quản lý, giám sát của NSDLĐ.

Thứ ba, hợp đồng lao động được thực hiện trong một thời gian nhất định và tại địa điểm đã được thỏa thuận. Trong HĐLĐ, các bên thường thỏa thuận để xác định rõ địa điểm thực hiện công việc. Tuy nhiên, trên thực tế thông thường địa điểm thực hiện công việc do NSDLĐ xác định. Bởi vì, NSDLĐ là người quản lý lao động đối với NLĐ đồng thời họ cũng chính là người có trách nhiệm phải đảm bảo các điều kiện lao động cho NLĐ.

2. Vai trò của hợp đồng lao động

Với tư cách là một loại hợp đồng, HĐLĐ có vai trò là hình thức để các bên xác lập và thực hiện một quan hệ pháp luật và là cơ sở pháp lý để các bên bảo vệ quyền lợi của mình khi tranh chấp xảy ra. Ngoài ra, dưới góc độ quan hệ lao động, HĐLĐ còn có ý nghĩa đối với bên thứ ba như cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ nhất, Đối với người lao động, HĐLĐ là phương tiện pháp lý quan trọng để thực hiện quyền làm việc và quyền tự do làm việc của mình. HĐLĐ cũng chính là phương tiện để NLĐ tự do lựa chọn thay đổi việc làm, nơi làm việc phù hợp với nhu cầu của mình.

Thứ hai, Đối với người sử dụng lao động, hợp đồng lao động là phương tiện pháp lý quan trọng để người sử dụng lao động thực hiện quyền tự chủ trong việc thuê và sử dụng lao động. Trong khuôn khổ pháp luật cho phép, NSDLĐ có thể thỏa thuận với NLĐ các nội dung cụ thể của quan hệ lao động cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình. Các bên cũng có thể thỏa thuận thay đổi nội dung HĐLĐ hoặc thỏa thuận để chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn.

Thứ ba, đối với nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước, HĐLĐ là công cụ pháp lý quan trọng trong việc tạo lập và phát triển thị trường lao động. Thị trường lao động đóng một vai trò quan trọng trong việc vận hành nền kinh tế thị trường. HĐLĐ là hình thức pháp lý phù hợp để đảm bảo sự bình đẳng, tự do và tự nguyện của các bên khi xác lập quan hệ lao động. Hợp đồng lao động cũng là một trong những cơ sở pháp lý hỗ trợ nhà nước kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật lao động.

3. Quy định pháp luật về hợp đồng lao động

Để doanh nghiệp có thể hoạt động kinh doanh được hiệu quả, doanh nghiệp cần lưu ý đến những vấn đề phát sinh trên thực tế cũng như những quy định của pháp luật về quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Doanh nghiệp cần lưu ý đến các vấn đề sau:

3.1 Hợp đồng lao động vô hiệu

Hợp đồng lao động đã ký kết giữa các bên được coi là vô hiệu một phần trong trường hợp nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng. Nếu hợp đồng có một phần hoặc toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn quy định trong pháp luật về lao động , nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng hoặc nội dung của hợp đồng lao động hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó bị vô hiệu. Theo khoản 1 Điều 49 Bộ luật lao động 2019 thì các trường hợp sau bị hợp đồng lao động sẽ bị coi là vô hiệu toàn bộ:

“ 1. Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau đây:

a) Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;

b) Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật lao động 2019;

c) Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.

Về thẩm quyền, theo quy định tại Điều 50 Bộ luật lao động 2019 thì thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu là Tòa án nhân dân.

Trình tự tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu của Tòa án nhân dân được thực hiện theo quy định tại Điều 401 và Điều 402 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền yêu cầu  Tòa án có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu khi có căn cứ quy định tại Điều 49 Bộ luật lao động 2019 như đã nêu trên.

3.2 Thời hạn của hợp đồng lao động và sự chuyển hóa thời hạn của hợp đồng lao động

Việc xác định thời hạn của hợp đồng lao động là vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu ý, việc này giúp doanh nghiệp xác định được số ngày người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Khi xác định thời hạn của hợp đồng lao động ngoài việc căn cứ vào thời hạn ghi nhận trong hợp đồng, doanh nghiệp còn phải căn cứ vào hiện trạng ký kết hợp đồng giữa hai bên để xác định có sự chuyển hóa thời hạn của hợp đồng lao động hay không.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần xem xét xem hợp đồng lao động đó có ký phụ lục hợp đồng để sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động hay không. Theo pháp luật về lao động hiện hành thì số lần người lao động và người sử dụng lao động được dùng phụ lục hợp đồng để sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động bị hạn chế, cũng như quy định của pháp luật khá chặt chẽ về điều kiện để ký phụ lục để sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động. Vì vậy nếu hai bên lý quá 01 lần phụ lục để sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động hoặc các bên ký 01 lần phụ lục hợp đồng nhưng việc ký các phụ lục hợp đồng lao động đó lại làm thay đổi loại hợp đồng lao động thì việc ký các phụ lục hợp đồng sẽ bị coi là vô hiệu.

3.3 Mức lương của người lao động

Theo thường lệ, hợp đồng lao động sẽ ghi nhận mức lương của người lao động. Tuy nhiên trong một số trường hợp trên thực tế, mức lương của người lao động ghi trong hợp đồng lao động là mức lương mà hai bên thỏa thuận vào thời điểm giao kết hợp đồng hoặc đây chỉ là mức lương cố định làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tuy nhiên mức lương thực sự của người lao động sẽ cao hơn. Ngoài mức lương theo công việc và chức danh, tiền lương của người lao động còn bao gồm các khoản phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động. Những khoản bổ sung sau sẽ không được xác định là tiền lương: tiền thưởng; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn giao thông, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

Trên đây là bài viết tư vấn về thắc mắc của Quý khách về vấn đề: “Hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động”. Nếu Quý khách còn có vướng mắc hay muốn biết thêm thông tin về các thủ tục hành chính như thành lập doanh nghiệp, thay đổi thông tin đăng ký kinh doanh, giải thể doanh nghiệp,… xin vui lòng liên hệ với Tổng đài Bộ phận tư vấn pháp luật và thủ tục hành chính của Phamlaw, số hotline 19006284. Để sử dụng dịch vụ, Quý khách vui lòng kết nối tới Số hotline: 0973938866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Xem thêm:

5/5 - (5 bình chọn)