Quan hệ nhân thân và các quy định của pháp luật hiện hành
Quan hệ nhân thân là gì ?
Quan hệ nhân thân là các quan hệ pháp luật dân sự có đối tượng các giá trị nhân thân của một chủ thể. Bản thân mỗi một chủ thể sẽ có rất nhiều yếu tố nhân thân làm nên đặc điểm riêng biệt, sự khác biệt giữa chủ thể đó với tất cả chủ thể khác trong xã hội (tính chuyên biệt, riêng có). Với rất nhiều các yếu tố nhân thân đó, có những yếu tố nhân thân có giá trị to lớn, cần được bảo vệ, ghi nhận riêng biệt và được thừa nhận là giá trị nhân thân. Chính những giá trị nhân thân ấy tạo nên nền tảng để nhà làm luật thừa nhận, quy định quyền nhân thân cho từng chủ thể đó.
Đặc điểm quan hệ nhân thân
Thứ nhất, đối tượng của quan hệ nhân thân không trị giá được thành tiền. Đây là nét đặc trưng để phân biệt với đối tượng của quan hệ tài sản. Tài sản luôn mang trong mình hai đặc tính: giá trị và giá trị sử dụng. Giá trị nhân thân không xác định được giá trị bằng tiền và không có bất kỳ một cơ sở nào để có thể tính được giá trị quy thành tiền cho nên những quan hệ nhân thân không thể có sự trao đổi ngang giá được.
Thứ hai, các quan hệ nhân thân đem lại các lợi ích phi vật chất cho các chủ thể. Rất nhiều người lầm tưởng khi tác giả của một cuốn sách được trả tiền nhuận bút, tiền sử dụng hình ảnh của một cá nhân… cho thấy quan hệ nhân thân đã tạo nên lợi ích vật chất cho người có quyền nhân thân. Thực tế, đây là các quyền phái sinh từ việc xác lập các quan hệ nhân thân giữa người có giá trị nhân thân với chủ thể khác. Bản thân quan hệ nhân thân là quan hệ xác lập với đối tượng không giá trị được thành tiền, không mang tính trao đổi ngang giá thì đương nhiên sẽ không thể tạo nên các giá trị vật chất cho các chủ thể trong quan hệ đó. Nên chính vì thế, những giá trị thu được khi xác lập quan hệ nhân thân chính là các lợi ích không mang tính vật chất.
Thứ ba, quan hệ nhân thân được xác lập với một bên chủ thể được ghi nhận quyền nhân thân và thực hiện quyền nhân thân của mình. Cơ sở để có thể xác lập được quan hệ nhân thân chính là chủ thể có quyền nhân thân và thực hiện quyền nhân thân của mình. Khi chủ thể được pháp luật ghi nhận quyền nhân thân của mình, thực hiện quyền nhân thân của mình thì chính là nguồn gốc để hình thành nên các quan hệ nhân thân. Chủ thể xác lập quyền nhân thân liên quan đến họ, tên của mình bởi vì chủ thể đó được ghi nhận quyền có họ, tên hoặc quyền thay đổi họ, tên.
Những quan hệ nhân thân gắn với tài sản
Có nhiều quyền nhân thân chỉ được hình thành khi gắn với tài sản được tạo ra cụ thể.
Ví dụ như, một tác giả của một bài hát chỉ được thừa nhận khi tác giả đó sáng tác được một bài hát cụ thể. Tương tự, quyền tác giả đối với phát minh, sáng chế sẽ chỉ được thừa nhận nếu như phát minh, sáng chế đó được tạo ra cụ thể.
Các quyền nhân thân gắn với tài sản này được ghi nhận thể hiện tính chất đặc thù trong cơ chế hình thành và được thừa nhận của quyền nhân thân gắn với tài sản. Từ đó dẫn đến, các quan hệ nhân thân gắn với tài sản là những quan hệ nhân thân được xác lập bởi chủ thể mà chủ thể có quyền nhân thân gắn với tài sản và xác lập để thực hiện quyền này của mình.
Tuy là quan hệ nhân thân gắn với tài sản nhưng giá trị tài sản này cũng không chi phối đến tính chất của quan hệ nhân thân. Tức là, giá trị tài sản không làm cho giá trị quyền nhân thân xác định được nên quan hệ nhân thân gắn với tài sản vẫn không phải là quan hệ có tính trao đổi ngang giá tương đương.
Những quan hệ nhân thân không gắn với tài sản
Nhiều giá trị nhân thân ghi nhận các yếu tố nhân thân của một chủ thể mà không gắn với bất kỳ một tài sản nào như họ, tên, quốc tịch, quyền được sống, tính mạng, sức khoẻ, uy tín, danh dự, nhân phẩm hoặc mô, bộ phận cơ thể, quyền hiến xác, giới tính và giới tính được chuyển đổi. Trên cơ sở các giá trị nhân thân này, nhà làm luật ghi nhận các quyền nhân thân mà được hình thành không dựa trên sự ra đời, tồn tại của một tài sản cụ thể mà nó gắn với cá nhân khi cá nhân đó ra đời. Ghi nhận các quyền nhân thân này là cơ sở để các chủ thể mang quyền xác lập các quan hệ liên quan đến quyền của mình. Nói một cách khác, chính việc tham gia vào các quan hệ nhân thân, các chủ thể mới được thực hiện quyền nhân thân của mình.
Bộ luật Dân sự 2015 không điều chỉnh tất cả các quan hệ nhân thân trong xã hội, mà chỉ điều chỉnh những quan hệ nhân thân là căn cứ để xác định tư cách chủ thể trong quan hệ xã hội. Cho nên, các quan hệ về bầu cử, ứng cử vào Quốc hội, vào Hội đồng nhân dân các cấp không thuộc đối tượng của luật dân sự vì dù nó gắn với nhân thân của từng cá nhân nhưng không phải để xác định tư cách chủ thể trong quan hệ xã hội.
Các quy định về quyền nhân thân theo Bộ luật dân sự 2015
Điều 24 Bộ luật Dân sự năm 2015 định nghĩa quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, có thể khái quát một số đặc điểm về quyền nhân thân như sau: Là một quyền dân sự do luật định và được pháp luật bảo vệ; mọi cá nhân đều có sự bình đẳng về quyền nhân thân; quyền nhân thân có tính chất phi tài sản và luôn gắn liền với cá nhân, không thể chuyển giao trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Bộ luật dân sự 2015 quy định quyền nhân thân từ Điều 24 đến Điều 51, trong đó quyền nhân thân bao gồm các nhóm quyền sau đây:
* Nhóm quyền nhân thân gắn liền với chủ thể trong quan hệ hôn nhân gia đình (quy định từ Điều 39 tới Điều 44 Bộ luật dân sự).
* Nhóm các quyền liên quan tới sự cá biệt hóa cá nhân(quy định từ Điều 26 tới Điều 31, Điều 36, Điều 45)
* Nhóm các quyền liên quan đến thân thể của cá nhân (quy định từ Điều 32 tới Điều 35)
* Nhóm các quyền liên quan đến giá trị tinh thần của chủ thể (quy định tại Điều 37, Điều 38, Điều 46 tới Điều 51)
* Nhóm các quyền nhân thân đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ (Gồm Quyền tác giả đối với tác phẩm; Quyền nhân thân của người biểu diễn; Quyền nhân thân của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; Quyền tác giả giống cây trồng).
Như vậy, luật dân sự là ngành luật điều chỉnh các quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản phát sinh trong đời sống tư với sự ngang bằng về địa vị pháp lý của các chủ thể.
Chấm dứt quan hệ nhân thân: Các quan hệ nhân thân cũng chấm dứt, trong đó điển hình là quan hệ hôn nhân. Quan hệ hôn nhân của người bị tuyên bố chết với chồng hoặc vợ của mình chấm dứt kể từ ngày xác định là ngày cá nhân đó chết. Người chồng hoặc vợ sẽ được hưởng thừa kế phù hợp với quy định của pháp luật.
Trên đây là câu trả lời chi tiết của Luật sư PhamLaw đã theo quy định của pháp luật hiện nay. Nếu quý bạn đọc còn vướng mắc ở bất kỳ chỗ nào vui lòng kết nối đến số hotline để được tư vấn luật nhanh chóng nhất!
Xem thêm: