Pháp luật về ký quỹ

Pháp luật về ký quỹ

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Dân sự 2015

Nghị định số 21.2021.NĐ-CP Quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Nghị định số 31.2021/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Ký quỹ là gì?

Kỹ quỹ là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được pháp luật Việt Nam điều chỉnh.

Cụ thể, Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý , đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ”.

Như vậy, ký quỹ là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà theo đó, bên có nghĩa vụ sẽ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của mình.

Phap Luat Ve Ky Quy
Pháp luật về Ký quỹ

Đặc điểm của ký quỹ

Thứ nhất, về đối tượng: pháp luật quy định, đối tượng của ký quỹ là một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá. Điều này loại trừ các đối tượng là động sản khác, bất động sản hoặc các quyền tài sản khác.

Thứ hai, về chủ thể: trong quan hệ ký quỹ tồn tại mối quan hệ của ba chủ thể là bên có nghĩa vụ, tổ chức tín dụng và bên có quyền. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bên có quyền cũng chính là tổ chức tín dụng, nên quan hệ ký quỹ lúc này chỉ bao gồm hai đối tượng chính là bên có nghĩa vụ và tổ chức tín dụng.

Thứ ba, về tính phụ thuộc: thể hiện qua việc nghĩa vụ phát sinh từ biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo hình thức ký quỹ là nghĩa vụ phụ thuộc vào nghĩa vụ chính, không phát sinh từ khi nghĩa vụ chính thực hiện.

Thứ tư, về mục đích: Ký quỹ nằm trong quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nên nó cũng mang chức năng đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Theo đó, nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ các chi phí dịch vụ.

Hậu quả pháp lý của ký quỹ

Trong trường hợp đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên ký không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì tổ chức tín dụng nơi ký sẽ dùng tài khoản đó để thanh toán cho bên có quyền. Nếu bên có quyền bị thiệt hại do bên kia không thực hiện nghĩa vụ gây ra thì tổ chức tín dụng dùng tài khoản đó để bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, tổ chức tín dụng có quyền thu một khoản chi phí dịch vụ từ tài khoản đó trước khi thực hiện việc thanh toán và bồi thường.

Thanh toán tiền ký quỹ

Khi bên ký quỹ không thực hiện nghĩa vụ đã đảm bảo hoặc thực hiện nhưng không đúng thì bên có quyền sẽ được ngân hàng – nơi đã thực hiện ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do việc vi phạm nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ gây ra. Tuy nhiên, những khoản ký quỹ này sẽ phải trừ đi chi phí dịch vụ.

Bởi theo Điều 39 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, nếu nghĩa vụ được bảo đảm trong việc ký quỹ bị vi phạm thì số tiền dùng để ký quỹ sẽ được dùng để thanh toán nghĩa vụ, bồi thường thiệt hại sau khi đã trừ đi các chi phí nếu có.

Đồng thời, khoản 2 Điều 330 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc sử dụng tiền ký quỹ như sau:

2.Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ.

Như vậy, có thể thấy, tiền ký quỹ sẽ được dùng để thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên ký quỹ gây ra sau khi trừ đi các chi phí dịch vụ nếu người có nghĩa vụ không thực hiện/thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình.

Ký quỹ và những hình thức ký quỹ

– Ký quỹ bảo lãnh: Nhà đầu tư phải ký quỹ/phải bảo lãnh để đảm bảo thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại tổ chức tín dụng (thoe Điều 35 Nghị định 31/2021/NĐ-CP).

– Ký quỹ L/C. L/C là từ viết tắt của Letter of credit (thư tín dụng). Ký quỹ L/C được hiểu là hình thức giao dịch giữa người mua (bên tổ chức, doanh nghiệp nhập khẩu) và người bán (xuất khẩu) thông qua Ngân hàng, tổ chức tín dụng. Đây là thư do ngân hàng lập dựa vào yêu cầu của các bên nhập và xuất khẩu và ngân hàng là tổ chức trung gian để cam kết sẽ thanh toán một phần/toàn bộ số tiền trong giao dịch của hai bên.

– Ký quỹ để được phép hoạt động một số ngành, nghề: như kinh doanh lữ hành nội địa phải ký quỹ 100 trệu đồng và kinh doanh lữ hành quốc tế thì phải ký quỹ 250 triệu đồng; kinh doanh dịch vụ việc làm phải ký quỹ 300 triệu đồng…

– Ký quỹ vào mục đích kinh doanh đa ngành nghề: Việc ký quỹ với hình thức ký quỹ vào mục kinh doanh đa ngành nghề nhằm mục đích đảm bảo việc kinh doanh tránh trường hợp phá sản trong quá trình kinh doanh. Nguyên nhân ra đời của hình thức ký quỹ vào mục kinh doanh đa ngành nghề là vì trong suốt quá trình kinh doanh, chủ đầu tư cần phải đảm bảo duy trì được số tiền tối thiểu.

Thủ tục thực hiện ký quỹ

Khoản 3 Điều 330 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ:

3. Thủ tục gửi và thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Theo đó, việc gửi tài sản có giá vào tổ chức tín dụng để thực hiện ký quỹ được thực hiện theo quy định về tín dụng. Về bản chất, đây chính là hoạt động gửi tiền vào ngân hàng để đảm bảo thực hiện một nghĩa vụ nào đó theo thoả thuận của các bên.

Do đó, tuỳ vào từng ngân hàng cụ thể, người ký quỹ và người có quyền lợi liên quan sẽ thực hiện việc ký quỹ theo thủ tục của từng ngân hàng hướng dẫn về mẫu hợp đồng, loại tài sản, lãi suất và mức ký quỹ thì thực hiện theo thoả thuận của các bên.

Ngoài ra, với hình thức ký quỹ trong đầu tư theo Nghị định 31/2021/NĐ-CP, các nhà đầu tư cần lưu ý một số vấn đề liên quan đến ký quỹ trong đầu tư như sau:

Trường hợp nào phải ký quỹ theo quy định về đầu tư

Khi muốn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo khoản 1 Điều 25 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Theo đó, tổ chức tín dụng và nhà đầu tư phải ký hợp đồng bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ và thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, tín dụng, bảo lãnh ngân hàng…

Các trường hợp phải thực hiện ký quỹ theo các quy định pháp luật về đầu tư.

Căn cứ khoản 5 Điều 26 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, các trường hợp phải thực hiện ký quỹ gồm:

– Sau khi được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư/Quyết định chấp thuận nhà đầu tư/Quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá.

– Trước khi thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt (khi nhà đầu tư không tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư)/trước thời điểm ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (nhà đầu tư đã tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc được chọn để thực hiện dự án thông quá đấu giá quyền sử dụng đất và được cho thuê đất, trả tiền thuê đất hằng năm).

Mức ký quỹ

Mức ký quỹ là gì được thực hiện theo khoản 2 Điều 26 Nghị định 31 năm 2021 căn cứ vào tỷ lệ phần trăm của vốn đầu tư của dự án theo nguyên tắc luỹ tiến từng phần như sau:

– Vốn đến 300 tỷ đồng: 3%.

– Vốn từ trên 300 – 1.000 tỷ đồng: 2%.

– Vốn trên 1.000 tỷ đồng: 1%.

Tóm lại, việc ký quỹ là việc vô cùng cần thiết để giúp ngân hàng hoặc đơn vị doanh nghiệp có thể đảm bảo quyền lợi, tài sản của mình không bị thất thoát trong quá trình đưa cho bên khác sử dụng. Các đơn vị công ty thực hiện việc ký quỹ sẽ làm cho các đơn vị hợp tác có thêm trách nhiệm và hoàn thành mục tiêu đúng với kỳ hạn và đảo đảm các phát sinh khi xảy ra sẽ được giải quyết một cách tốt hơn.

Hy vọng bài viết trên đây đã giải đáp được thắc mắc của bạn. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Xem thêm:

 

5/5 - (1 bình chọn)