Cấp lại, đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả
Quyền tác giả là một trong những quyền của tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả được pháp luật ghi nhận và bảo hộ. Bằng cách cấp cho tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Nhà nước đã thể hiện sự bảo hộ của mình về quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm. Tuy nhiên trong cuộc sống không thể tránh khỏi có những trường hợp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả bị rách nát, bị mất. Hay có những trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả bị thay đổi, đồng nghĩa với việc Giấy chứng nhận sẽ không còn giá trị. Vậy phải làm thế nào để tiếp tục duy trì quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả trong trường hợp này. Bài viết dưới đây PHAMLAW xin giới thiệu cho các bạn về thủ tục cấp lại, đổi Giấy chứng nhận quyền tác giả.
1. Các trường hợp cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả
Điều 35 Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định các trường hợp thực hiện cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cụ thể như sau:
- Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả trong trường hợp: Giấy chứng nhận bị mất hoặc rách nát.
- Cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả trong trường hợp: thay đổi chủ sở hữu quyền tác giả hoặc thay đổi thông tin về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Nộp đơn và hồ sơ thông qua:
- Hoặc nộp đơn trực tiếp tại Cục Bản quyền tác giả (Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Quận Ba Đình, TP.Hà Nội) hoặc Văn phòng đại diện của Cục bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh (170 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3) hoặc Văn phòng đại diện của Cục bản quyền tác giả tại thành phố Đà Nẵng (Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng).
- Hoặc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả duy nhất là Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2. Hồ sơ cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả
Hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả bao gồm các giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả (Mẫu số 01 ban hành theo Thông tư số 08/2016/TT-BVHTTDL).
- 02 bản sao tác phẩm.
Hồ sơ cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả bao gồm các giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả giả (Mẫu số 01 ban hành theo Thông tư số 08/2016/TT-BVHTTDL).
- 02 bản sao tác phẩm.
- Nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.
3. Trình tự thủ tục cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền tác giả
Để được cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện theo thủ tục sau đây:
Bước 1. Nộp hồ sơ
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có thể tự mình hoặc ủy quyền cho tổ chức cá nhân khác nộp hồ sơ tại các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ như đã nêu ở trên.
Bước 2. Xử lý hồ sơ
Điều 37 Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định về thời hạn như sau:
- Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả) có trách nhiệm cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.
- Trong thời hạn mười hai ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả) có trách nhiệm cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.
Trường hợp từ chối hồ sơ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả) phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.
4. Phí cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả
Điều 40 Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp phí khi tiến hành thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật.
Thông tư 211/2016/TT-BTC quy định cụ thể về mức phí phải nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả. Cụ thể phí này sẽ phụ thuộc vào đối tượng được bảo hộ quyền tác giả:
Stt | Loại hình tác phẩm | Mức thu (đồng/Giấy chứng nhận) |
1 | a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác (gọi chung là loại hình tác phẩm viết); b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; c) Tác phẩm báo chí; d) Tác phẩm âm nhạc; đ) Tác phẩm nhiếp ảnh. | 100.000 |
2 | a) Tác phẩm kiến trúc; b) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học. | 300.000 |
3 | a) Tác phẩm tạo hình; b) Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. | 400.000 |
4 | a) Tác phẩm điện ảnh; b) Tác phẩm sân khấu được định hình trên băng, đĩa. | 500.000 |
5 | Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu hoặc các chương trình chạy trên máy tính | 600.000 |
Khoản 2 Điều 4 Thông tư 211/2016/TT-BTC quy định trường hợp xin cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì mức thu bằng 50% mức thu lần đầu.
5. Căn cứ pháp lý
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019.
Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.
Thông tư 211/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đến tác giả.
Xem thêm: >>> Thủ tục sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu