Nguyên nhân gây suy thoái môi trường

Nguyên nhân gây suy thoái môi trường

Hiện nay, suy thoái môi trường là một trong những mối đe dọa lớn nhất đang được thế giới quan tâm. Suy thoái môi trường gây ảnh hưởng xấu cho con người và sinh vật và sự thay đổi này chủ yếu do những tác động của con người tới môi trường. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây suy thoái môi trường, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật bảo vệ môi trường 2020

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Suy thoái môi trường là gì?

Theo quy định tại khoản 13 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường 2020 thì Suy thoái môi trường là sự suy giảm về chất lượng, số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.

Một thành phần môi trường khi bị coi là suy thoái khi có đầy đủ các dấu hiệu:

– Có sự suy giảm đồng thời cả về số lượng và chất lượng thành phần môi trường đó hoặc là sự thay đổi về số lượng sẽ kéo theo sự thay đổi về chất lượng các thành phần môi trường và ngược lại.

– Gây ảnh hưởng xấu, lâu dài đến đời sống của con người và sinh vật. Nghĩa là sự thay đổi số lượng và chất lượng các thành phần môi trường phải đến mức gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của con người hoặc gây những hiện tượng hạn hán, lũ lụt, xói mòn, sạt lở đất … thì mới con thành phần môi trường đó bị suy thoái.

– Số lượng và chất lượng các thành phần môi trường có thể bị thay thế do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do hành vi khai thác quá mức các yếu tố môi trường, làm hủy hoại các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sử dụng phương tiện, công cụ, phương pháp hủy diệt trong khai thác, đánh bắt các nguồn tài nguyên sinh vật.

Các cấp độ của suy thoái môi trường cũng được chia thành: suy thoái môi trường, suy thoái môi trường nghiêm trọng, suy thoái môi trường đặc biệt nghiêm trọng. Cấp độ suy thoái môi trường đối với một thành phần môi trường cụ thể thường được xác định dựa vào mức độ khan hiếm của thành phần môi trường đó, cũng như dựa vào số lượng các thành phần môi trường bị khai thác, bị tiêu hủy so với trử lượng của nó.

2. Nguyên nhân gây ra suy thoái môi trường

Suy thoái môi trường thường là hậu quả của hành vi sử dụng, khai thác quá mức các thành phần môi trường, làm suy giảm, cạn kiệt các nguồn tài nguyên. Nói cách khác, ô nhiễm môi trường thường bắt nguồn từ hành vi đưa vào môi trường các chất thải loại, các chất độc hại, các chất gây nhiễm bẩn môi trường, còn suy thoái môi trường thường bắt nguồn từ hành vi lấy đi các giá trị sinh thái của các thành phần môi trường, làm suy giảm chất lượng của các nguồn tài nguyên.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thoái môi trường, có thể kể đến:

Thứ nhất, Nguyên nhân chính dẫn đến một loạt sự suy thoái môi trường sinh thái, trước hết phải kể đến sự phát triển của công nghiệp ồ ạt, đặc biệt là các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Thứ hai là tệ nạn phá rừng ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Có thể nói rừng đóng vai trò quan trọng cho đời sống của thực vật và cho sản xuất của xã hội, là không khí trong lành, rừng là năng suất mùa màng… Thế nhưng cứ mỗi ngày trôi qua có tới hàng nghìn ha rừng nhiệt đới bị phá huỷ. Sự mất mát quá lớn của rừng tất yếu dẫn đến sự nghèo kiệt của đất đai và sự biến mất dần những sinh vật quý hiếm, sự tăng hàm lượng CO2 trong khí quyển – một trong những chất khí quan trọng nhất gây nên “hiệu ứng nhà kính”, làm tăng nhiệt độ trung bình của trái đất.

Thứ ba là do sự mất cân bằng tài nguyên và dân số. Dân số tăng nhanh đòi hỏi phải khai thác các tài nguyên tự do nhiều hơn nhịp điệu cao hơn, chất thải các loại tăng nhanh hơn dẫn tới phá vỡ cân bằng, vắt kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường.

Thứ tư, Các nguyên nhân tự nhiên như tuyết lở, động đất, sóng thần, cháy rừng có thể tàn phá hoàn toàn các loài động vật và thực vật gần đó đến mức tuyệt chủng tại khu vực đó. Điều này có xảy ra khi có một thiên tai lớn phá hủy hết mọi vật chất của môi trường đó hoặc do sự xâm lấn của những loài ngoại lai vào môi trường đó gây ra sự thoái hóa lâu dài. Loại thứ hai thường xảy ra sau khi những thảm họa sóng thần thì các loài bò sát và bọ bị cuốn trôi trôi khỏi bờ biển.

3. Các biện pháp phòng chống suy thoái môi trường

Thứ nhất, Chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu đến môi trường thông qua thực hiện phân vùng môi trường, nâng cao hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, quản lý dựa trên giấy phép môi trường.

Cụ thể, phải thiết lập các cơ chế kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động phát triển gây hại đến môi trường trong từng vùng, đặc biệt chú trọng đến các vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải. Rà soát, hoàn thiện các quy định, tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác đánh giá môi trường chiến lược để hạn chế tối đa những định hướng phát triển gây hại đến môi trường trong các chiến lược, quy hoạch. Phân luồng các dự án đầu tư mới theo mức độ tác động đến môi trường ngay từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư để kiểm soát trong suốt vòng đời hoạt động; đặc biệt chú trọng đối với nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Kiểm soát ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thông qua giấy phép môi trường dựa trên kết quả đánh giá tác động môi trường, quy hoạch bảo vệ môi trường, khả năng chịu tải môi trường và quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Thứ hai, chủ động phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, kiểm soát các vấn đề môi trường xuyên biên giới. Phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững. Trong đó, khuyến khích sử dụng các loại nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thân thiện với môi trường; thực hiện xanh hóa các ngành sản xuất công nghiệp và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao, các khu công nghiệp sinh thái; thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Thứ ba, Đẩy mạnh thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; kiểm soát ô nhiễm, phát triển các mô hình khu dân cư, tuyến đường… kiểu mẫu, xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp; duy trì và nâng cao chất lượng môi trường nông thôn; Lồng ghép, thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế – xã hội…

Thứ tư, Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó những chế tài xử phạt (cưỡng chế hành chính và xử lý hình sự) phải thực sự đủ mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.

Thứ năm, Triển khai thực hiện đầy đủ Luật bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm về tài nguyên môi trường, tập trung xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kiểm soát an toàn, xử lý ô nhiễm môi trường do hậu quả của chiến tranh. Tăng cường giám sát công khai đầy đủ, kịp thời thông tin về chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu công nghiệp tập trung, khu đông dân cư. Cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn.

Thứ sáu, Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác môi trường; trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả hoạt động của các lực lượng này.

Thứ bảy, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường

Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw về nguyên nhân gây suy thoái môi trường. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)