So với các loại hình doanh nghiệp khác hiện nay ở nước ta, thì loại hình doanh nghiệp là công ty cổ phần (hình thức pháp lý liên kết các nhà đầu tư, các chủ thể kinh doanh cùng nhau hùn vốn để thành lập và tổ chức vận hành công ty theo những mục đích nhất định) có nhiều lợi thế hơn hẳn. Lợi thế hơn hẳn đó xuất phát từ những lợi ích và đặc điểm pháp lý mà pháp luật qui định và được thể hiện ở những khía cạnh sau:
– Công ty cổ phần là tổ chức có tư cách pháp nhân độc lập
Pháp luật về công ty của các nước đều xác lập một cách cụ thể về các quyền và nghĩa vụ pháp lý của công ty cổ phần với tư cách là một pháp nhân độc lập, có năng lực và tư cách chủ thể riêng, tồn tại độc lập và tách biệt với các cổ đông trong công ty. Trong quá trình hoạt động, công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty bằng chính tài sản của mình; với tư cách chủ thể là pháp nhân thông qua người đại diện của mình theo qui định của pháp luật, công ty có thể trở thành nguyên đơn hoặc bị đơn dân sự trong các quan hệ tranh tụng tại tòa án. Khi công ty mua sắm các tài sản mới, thì tài sản đó thuộc sở hữu của công ty chứ không thuộc sở hữu của các cổ đông công ty vì lúc này công ty cổ phần là một pháp nhân, tách biệt hoàn toàn với các cổ đông. Trong trường hợp này, cổ đông không được xem tài sản mà công ty mới mua sắm là tài sản của cá nhân mình; mặc dù trên thực tế cổ đông là chủ sở hữu một số quyền lợi có giá trị của công ty cổ phần như:quyền tham gia quản lý, điều hành công ty theo qui định, quyền được chia cổ tức, quyền được chia tài sản theo tỷ lệ cổ phần sở hữu khi công ty giải thể … Tuy nhiên, với tư cách là một pháp nhân, công ty có quyền sở hữu tài sản riêng còn các cổ đông chỉ được sở hữu cổ phần trong công ty mà không có bất kỳ quyền sở hữu nào đối với tài sản của công ty.
– Các cổ đông trong công ty cổ phần chịu trách nhiệm hữu hạn
Khi một tổ chức hay cá nhân mua cổ phiếu của công ty cổ phần tức là họ đã chuyển dịch vốn của mình theo những phương thức nhất định vào công ty cổ phần và trở thành tài sản thuộc sở hữu của công ty cổ phần, nhưng cổ đông vẫn được hưởng các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ việc góp vốn. Với tư cách là một pháp nhân, công ty có năng lực pháp luật độc lập, có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình theo qui định của pháp luật nên các quyền và nghĩa vụ của công ty hoàn toàn tách biệt khỏi các quyền và nghĩa vụ của cổ đông vì công ty là chủ thể của quyền sở hữu công ty. Vốn thuộc sở hữu công ty chính là giới hạn sự rủi ro tài chính của các cổ đông trên toàn bộ số vốn đã đầu tư vào công ty, nên trách nhiệm của những cổ đông đối với các nghĩa vụ của công ty được hạn chế trong phạm vi mà họ đã đầu tư vào cổ phiếu của mình. Xét về phương diện sự tách bạch về tài sản thì các cổ đông không có quyền đối với tài sản của công ty cổ phần nên họ không chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty cổ phần; công ty cổ phần chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của mình. Cả công ty cổ phần lẫn chủ nợ của công ty đều không có quyền kiện đòi tài sản của cổ đông trừ trường hợp cổ đông nợ công ty do chưa đóng đủ tiền góp vốn hoặc chưa thanh toán đủ cho công ty cổ phần số tiền mua cổ phiếu phát hành. Đây là điểm khác nhau cơ bản về trách nhiệm của các chủ thể kinh doanh, đối với công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân (theo pháp luật Việt Nam) và đối với công ty đối nhân hay doanh nghiệp một chủ của hầu hết các nước thì các thành viên hợp danh (hay thành viên nhận vốn) và chủ doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm cá nhân vô hạn về các nghĩa vụ của công ty hay của doanh nghiệp bằng tài sản của mình, bất kể tài sản đó có liên quan đến hoạt động kinh doanh hay không.
Như vậy, xuất phát từ sự tồn tại độc lập của công ty cổ phần so với các cổ đông nên công ty cổ phần có các quyền và nghĩa vụ về tài sản riêng, do đó các rủi ro của cổ đông khi đầu tư vào công ty cổ phần chỉ giới hạn trong số lượng giá trị cổ phiếu mà cổ đông đó đầu tư. Ngược lại, khi đầu tư vào công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân thì mức độ rủi ro là vô hạn. Tính chất chịu trách nhiệm hữu hạn trên đã thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư đầu tư vào công ty cổ phần nhiều hơn so với đầu tư vào các loại hình doanh nghiệp khác mà ở đó họ phải chịu trách nhiệm vô hạn. Bất kỳ nhà đầu tư nào cũng hiểu rằng khi mình đầu tư vào công ty cổ phần với tính chất chịu trách nhiệm hữu hạn của cổ đông thì không bao giờ mình bị mất nhiều hơn so với số vốn đã bỏ ra đầu tư vào công ty cổ phần nên họ ít sợ rủi ro hơn người đầu tư vốn vào công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân, những người này phải thấp thỏm lo âu khi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp xấu đi, vì họ có thể mất toàn bộ tài sản bất kỳ khi nào. Chính lợi thế này mà các công ty cổ phần có khả năng huy động rất lớn các nguồn vốn đầu tư của xã hội vào hoạt động sản xuất – kinh doanh của mình .
– Việc chuyển nhượng các phần vốn góp được thực hiện một cách tự do
Hầu hết pháp luật về công ty của các nước trên thế giới đều qui định và cho phép chuyển nhượng một cách dễ dàng và tự do các loại cổ phiếu do công ty cổ phần phát hành từ cổ đông sang chủ sở hữu mới. Vì khác với các loại công ty khác, vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Giá trị của mỗi cổ phần gọi là mệnh giá cổ phiếu. Việc góp vốn vào công ty cổ phần được thực hiện bằng cách mua cổ phiếu nên cổ phiếu được xem là hình thức thể hiện phần vốn góp của các cổ đông. Các cổ phiếu do công ty cổ phần phát hành là hàng hóa nên các cổ đông khi sở hữu cổ phiếu có thể tự do chuyển nhượng; hơn thế nữa trách nhiệm của các cổ đông chỉ giới hạn trong phạm vi giá trị các cổ phiếu mà họ sở hữu nên khi họ muốn rút lui khỏi công việc kinh doanh hay muốn bán cổ phiếu của mình cho người khác thì họ thực hiện rất dễ dàng. Trong khi đó đối với công ty trách nhiệm hữu hạn theo qui định của pháp luật Việt Nam thì khi chuyển nhượng các phần vốn góp của mình, thành viên đó phải chuyển nhượng trước hết cho các thành viên còn lại trong công ty hoặc chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên công ty trong trường hợp các thành viên còn lại không mua hoặc không mua hết. Đó là lý do giải thích vì sao có rất nhiều người muốn đầu tư vào công ty cổ phần chứ không muốn đầu tư vào các loại hình doanh nghiệp khác. Đây cũng là một trong những yếu tố cần thiết cho việc hình thành và phát triển thị trường chứng khoán.
– Công ty cổ phần có cấu trúc vốn và tài chính linh hoạt
Công ty cổ phần không thể được thành lập và hoạt động nếu không có vốn. Vốn là yếu tố quyết định và chi phối toàn bộ hoạt động, quan hệ nội bộ cũng như quan hệ với các đối tác bên ngoài. Trong quan hệ nội bộ, vốn của công ty được xem là cội nguồn của quyền lực. Với đặc trưng là loại hình công ty đối vốn, quyền lực trong công ty cổ phần sẽ thuộc về những ai nắm giữ phần lớn số vốn trong công ty. Trong quan hệ với bên ngoài, vốn của công ty cổ phần là một dấu hiệu chỉ rõ thực lực tài chính của công ty. Tuy nhiên, khác với nhiều yếu tố khác, vốn trong công ty cổ phần là yếu tố năng động nhất. Các qui luật kinh tế thị trường chỉ ra rằng cùng với sự lưu thông hàng hóa là sự lưu thông tiền tệ, tức là sự chu chuyển các nguồn vốn. Sự phát triển của công ty cổ phần tỷ lệ thuận với sự luân chuyển các nguồn vốn trong nền kinh tế. Sự vận động của vốn trong công ty cổ phần vừa chịu sự chi phối khách quan của các qui luật kinh tế, vừa bị ảnh hưởng bởi ý chí chủ quan của con người. Điều này đặt ra một đòi hỏi là con người phải tạo ra cách thức góp vốn, cách tổ chức và quản lý vốn để có thể đáp ứng được sự vận động linh hoạt của vốn.
Sự linh hoạt trong vận động của vốn vừa phải thích ứng với yêu cầu đòi hỏi đa dạng của nhà đầu tư, vừa không mất đi bản chất vốn có của công ty cổ phần. Điều đó có nghĩa là phải tạo cho bản thân công ty cổ phần khả năng chuyển dịch các phần vốn góp một cách dễ dàng song tư cách pháp nhân của công ty không vì sự chuyển nhượng đó mà bị thay đổi.
Theo các qui định của Luật Doanh nghiệp thì công ty cổ phần ở Việt Nam có thể qui định và phát hành nhiều loại cổ phiếu khác nhau như: cổ phiếu phổ thông, cổ phiếu ưu đãi (trong cổ phiếu ưu đãi có: cổ phiếu ưu đãi biểu quyết, cổ phiếu ưu đãi cổ tức, cổ phiếu ưu đãi hoàn lại và các loại cổ phiếu ưu đãi khác…) và các loại trái phiếu. Đây sẽ là những loại chứng khoán được phát hành rộng rãi ra công chúng nhằm tăng khả năng thu hút vốn đầu tư cho kinh doanh của công ty. Ngoài ra, khi xây dựng giá trị các cổ phiếu của công ty thì các công ty thường xác lập mệnh giá của cổ phiếu thấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà đầu tư dù cho khả năng tài chính không nhiều nhưng vẫn có khả năng tham gia đầu tư vốn vào công ty cổ phần.
– Tính ổn định trong hoạt động kinh doanh và không hạn chế về thời gian tồn tại
Với các loại hình doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh, sự tồn tại của các doanh nghiệp này luôn luôn gắn liền với tư cách của chủ sở hữu doanh nghiệp hay các thành viên hợp danh; bởi vì hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này có thể sẽ bị kết thúc cùng với cái chết, sự rút lui hay sự khánh tận của chủ doanh nghiệp tư nhân hay của một trong các thành viên hợp danh của công ty. Nhưng đối với công ty cổ phần thì hoạt động kinh doanh của công ty hoàn toàn không phụ thuộc vào bất kỳ điều gì có thể xảy ra đối với các cổ đông trong công ty; bởi vì công ty cổ phần có tư cách pháp nhân độc lập nên nếu có bất kỳ sự rút lui, sự phá sản hoặc thậm chí cái chết có xảy ra đối với các cổ đông thì công ty cổ phần vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển mà hoàn toàn không hề bị ảnh hưởng gì. Đây chính là một ưu điểm bảo đảm cho việc kinh doanh của công ty diễn ra một cách liên tục và ổn định. Mặt khác, các luật công ty hiện đại của một số nước đều không hạn chế thời gian tồn tại của công ty cổ phần trừ những trường hợp như: công ty phá sản hoặc các cổ đông cùng thỏa thuận chấm dứt hoạt động hay vì một lý do nào khác mà điều lệ công ty qui định. Chính sự ổn định trong kinh doanh và thời gian hoạt động lâu dài đã tạo cho các công ty cổ phần có được sự thu hút mạnh mẽ và được ưa chuộng hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác .
– Công ty cổ phần có cơ chế quản lý tập trung cao
Với tư cách là một pháp nhân độc lập, trong công ty cổ phần có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và cơ chế quản lý. Đó là việc các cổ đông sẽ bầu ra Ban giám đốc và Ban giám đốc sẽ thay mặt các cổ đông quản lý công ty cổ phần. Như vậy, trong công ty cổ phần việc quản lý được tập trung hóa cao vào Ban giám đốc mà không dàn trải đều việc quản lý cho các cổ đông như đối với công ty hợp danh; bởi vì trong công ty hợp danh việc quản lý công ty được thực hiện bởi các thành viên hợp danh với tư cách là những người chịu trách nhiệm vô hạn hoặc liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ trong kinh doanh của công ty nên họ được toàn quyền quản lý công ty và nhân danh công ty trong các hoạt động. Sự tách biệt giữa quyền sở hữu và việc quản lý còn được thể hiện ở việc luật công ty hiện đại của một số nước còn qui định cho phép giám đốc quản lý công ty có thể không phải là cổ đông của công ty. Giám đốc có thể là người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần, là người điều hành các hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty. Rõ ràng việc qui định như vậy một mặt thu hút được những người quản lý chuyên nghiệp được công ty thuê làm công tác quản lý, mặt khác tách biệt vai trò chủ sở hữu với chức năng quản lý đã tạo cho công ty cổ phần có được sự quản lý tập trung cao thông qua cơ chế quản lý hiện đại, lành nghề nên rất phù hợp với điều kiện quản lý các doanh nghiệp có qui mô lớn. Khác với doanh nghiệp tư nhân là việc quản lý mang tính chất nội bộ gia đình, công ty cổ phần có một cơ chế quản lý hợp lý, minh bạch rõ ràng.
Tóm lại: Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam khi chúng ta chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì việc giải phóng mọi năng lực sản xuất của xã hội theo hướng khai thác các tiềm năng sẵn có về vốn, lao động, trình độ quản lý và các nguồn lực vật chất cần thiết khác cho nhu cầu đầu tư và phát triển của đất nước là một nhân tố quan trọng bảo đảm cho việc thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong tiến trình đẩy mạnh việc khai thác các nguồn lực quốc gia, chúng ta không thể không tính đến yếu tố nội lực. Nhìn lại các loại hình doanh nghiệp hiện nay mà pháp luật Việt Nam cho phép thành lập và hoạt động, tuy mỗi loại đều có những điểm mạnh nhất định đòi hỏi các nhà kinh doanh cần nắm bắt để khai thác và vận dụng một cách linh hoạt phù hợp với điều kiện và sở thích của mình; nhưng chúng
ta không thể phủ nhận những lợi thế hơn hẳn của loại hình doanh nghiệp là công ty cổ phần so với các loại hình doanh nghiệp khác. Chính những ưu điểm vượt trội như thế, một mặt đã tạo nên lực hút rất lớn của xã hội đầu tư vào hình thức kinh doanh này, mặt khác cũng đòi hỏi nhà nước ta cần có chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi, an toàn cho các nhà đầu tư khi thành lập các công ty cổ phần để kinh doanh, nhất là việc hình thành một cơ chế quản lý thích hợp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý công ty cổ phần ở Việt Nam.
THS. NGUYỄN THANH BÌNH – Giảng viên Khoa luật Thương mại, trường ĐH Luật TP. HCM