Doanh nghiệp giải thể nhưng không phải quyết toán thuế khi nào?

Tóm tắt câu hỏi: Doanh nghiệp giải thể nhưng không phải quyết toán thuế khi nào?

Xin chào Luật sư Phạm Law, tôi có câu hỏi muốn nhận được sự tư vấn từ phía Luật sư Phạm Law như sau: Tôi mới thành lập công ty sản xuất bánh kẹo, công ty tôi chưa tiến hành bất kì hoạt động sản xuất tạo ra doanh thu hay phát hành bất cứ hóa đơn gì. Tuy nhiên, vì một số lý do, tôi không thể tiếp tục hoạt động của công ty và muốn giải thể công ty. Vậy nhờ Luật sư tư vấn cho tôi biết, trường hợp của công ty tôi có cần tiến hành thủ tục quyết toán thuế và đóng mã số thuế trên cơ quan thuế hay không? Cơ quan thuế có yêu cầu kiểm tra thuế khi giải thể doanh nghiệp, yêu cầu giải trình hay không? Hồ sơ thủ tục như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn Luật sư!

(Gửi từ bạn Lê Trọng Vũ)

Doanh nghiệp giải thể nhưng không phải quyết toán thuế khi nào?
Doanh nghiệp giải thể nhưng không phải quyết toán thuế khi nào?

Luật sư tư vấn:

Xin chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Tổng đài tư vấn pháp luật của Công ty Luật Phạm Law. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Luật doanh nghiệp 2020

Thông tư 80/2021/TT-BTC

2. Nội dung tư vấn

Giải thể là việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp. Doanh nghiệp bị giải thể khi công ty kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn; Theo nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; Hay do công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020 trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; Công ty bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty khi công ty bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Pháp luật hiện hành quy định thủ tục thành lập doanh nghiệp khá đơn giản trong khi đó thủ tục giải thể lại tương đối phức tạp bởi được quy định rải rác tại rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm: đăng ký doanh nghiệp, thuế, bảo hiểm, công an (đối với thủ tục hủy con dấu đăng ký trước ngày 01/07/2015),…; và để thực hiện thủ tục giải thể, doanh nghiệp phải thực hiện một loạt thủ tục trong nội bộ doanh nghiệp và với nhiều cơ quan nhà nước khác nhau.

Một trong số đó là doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục quyết toán thuế và đóng mã số thuế với cơ quan thuế. Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra quyết toán thuế của doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ tài liệu từ người nộp thuế. Đây có thể xem là thủ tục phức tạp nhất đối với doanh nghiệp giải thể, vì liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, thanh toán khoản nợ đối với các chủ nợ. Tuy nhiên, trên thực tế, có những doanh nghiệp không cần thiết phải thực hiện thủ tục quyết toán thuế này, (doanh nghiệp giải thể được miễn quyết toán thuế) đó là những trường hợp quy định tại Điều 72 Thông tư 80/2021/TT-BTC như sau:

Các trường hợp giải thể, chấm dứt hoạt động không phải thực hiện quyết toán thuế nêu tại điểm g khoản 1 Điều 110 Luật Quản lý thuế:

Thứ nhất, Người nộp thuế thuộc diện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện giải thể, chấm dứt hoạt động.

Đây là đối tượng thực hiện quyết toán thuế theo từng lần phát sinh doanh thu qua mỗi hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật. Vì vậy, không cần phải thực hiện quyết toán thuế khi thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp.

Thứ hai, Người nộp thuế giải thể, chấm dứt hoạt động nhưng kể từ thời điểm thành lập đến thời điểm giải thể, chấm dứt hoạt động, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu, chưa sử dụng hóa đơn.

Ngoài những trường hợp được quy định tại Điều 72 Thông tư 80/2021/TT-BTC nêu trên, trường hợp doanh nghiệp mặc dù thuộc diện phải quyết toán thuế khi giải thể doanh nghiệp, nhưng đã chủ động thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ tài chính với chủ nợ cũng không cần phải thực hiện thủ tục quyết toán thuế nữa.

Và Bộ Tài chính cũng quy định rõ, trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do người nộp thuế gửi, cơ quan Thuế xác nhận việc doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Như vậy, dù không phải quyết toán thuế, doanh nghiệp muốn giải thể vẫn cần nộp hồ sơ thông báo giải thể đến cơ quan Thuế (bao gồm: quyết định giải thể; và tài liệu chứng minh người nộp thuế thuộc trường hợp không phải quyết toán thuế) để được xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế và đóng mã số thuế. Từ đó, làm cơ sở để doanh nghiệp giải thể thực hiện thủ tục tại cơ quan đăng ký kinh doanh.

Trên đây là tư vấn của PhamLaw về Doanh nghiệp giải thể nhưng không phải quyết toán thuế khi nào? Nếu khách hàng có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với bộ phận tư vấn thủ tục hành chính 1900 của công ty TNHH tư vấn PhamLaw. Để được tư vấn các dịch vụ quý khách hàng vui lòng kết nối tới số hotline: 097 393 8866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ. Hãy đến với Công ty Luật Phạm Law để nhận được dịch vụ tốt nhất cho mọi khách hàng.

Rất mong nhận được sự hợp tác của khách hàng!

Trân trọng!

4.4/5 - (8 bình chọn)